Những mảnh ghép ký ức

Thanh Hoa

(Cadn.com.vn) - 1. "Một ngày là trăm năm" (NXB Văn học), cả tập thơ là sự lắp ghép của ký ức, của những mảnh vụn rất đời thường của nhà thơ Lê Anh Dũng. Thơ anh không hoài cổ, không tìm về dĩ vãng xa mù để gặm nhấm, để suy tư với nỗi niềm trắc ẩn, bi lụy mà là sự sẻ chia về phận người hay cảnh đời trải dài theo năm tháng. Những nơi chốn anh đã đi qua và trở lại, với con mắt, tấm lòng của người lính nhìn về quê hương, người thân, bạn bè bằng cái nhìn đồng cảm, sẻ chia đầy lòng nhân ái: Bao người ngã xuống đất này/ Tuổi tên chưa rõ ai hay giữa trời/ Đồng đội tìm tím chiều lơi/ Cỏ vàng quyện với bời bời khói nhang (Bời bời). Tình đất, tình người trong thơ Lê Anh Dũng cũng dàn trải theo thời gian, anh luôn trân quý mỗi thời khắc đi qua đời mình: Thiền hành nhất chánh niệm/ Thở đi đứng ngồi nằm/ Vô thường và luân chuyển/ Một ngày là trăm năm (Một ngày là trăm năm).

Đọc thơ Lê Anh Dũng, ta dễ dàng thấy anh không cần sử dụng nhiều ngôn ngữ bóng bẩy, cầu kỳ, hình ảnh trong thơ gần gũi, rất đời thường, nhưng đâu đó vẫn ẩn chứa những nỗi niềm riêng: Rủ nhau về chốn Thuận Tình/ Cho sông gặp biển cho mình gặp ta (Thuận Tình). Khi đứng chênh vênh giữa hai bờ sống chết như anh-từng là người lính vào sinh ra tử, mới thấu hiểu ý nghĩa của cuộc sống và càng ý thức sống như thế nào cho đúng nghĩa, cho đáng sống. Đó là thông điệp mà nhà thơ Lê Anh Dũng muốn gửi gắm qua từng tác phẩm của mình để đến với độc giả, những tâm hồn đồng điệu và tri âm: ... Giọt bể khổ giọt bình yên/ Giọt âm phủ giọt miền miền khói thiêng (Một giọt bụi trần).

Hôm nay sẽ là quá khứ của ngày mai, nhà thơ đã níu giữ ký ức, giãi bày tâm sự, sẻ chia nỗi lòng trắc ẩn, thắp ngọn lửa của tình người, tình đời trong mỗi chúng ta, những ai biết yêu thương và trân quý cuộc sống này, để thấy một ngày là trăm năm.

2. Tạp văn "Đôi mắt trong đêm" (NXB Văn học), gồm 22 tiểu mục là những truyện ngắn, truyện ký và tạp văn mà nhà văn Nguyễn Bá Hòa lắp ghép từ đời sống thường nhật, những xúc cảm của con người, tác giả ghi lại bằng những ngôn ngữ mộc mạc, giản dị và có đôi nét hồn nhiên, hiền lành của chính mình. Sự cảm nhận không phải lúc nào cũng đồng nhất, nhưng khi đọc "Đôi mắt trong đêm" chắc chắn để lại trong mỗi chúng ta sự đồng cảm, khát vọng tròn đầy trong cuộc sống, những rung cảm về cái đẹp chân quê như giàn hoa mướp vàng với những lời ru buồn man mác như gắn liền với ẩn ức một thời tuổi thơ anh (Giàn mướp quê) hay con sông quê hương đi vào trong thơ và nhạc (Sông quê thơ và nhạc)...

Những mẫu chuyện đời được nhà văn ghi lại như sự sẻ chia "Trên một chuyến tàu đêm" hay câu chuyện mang tính nhân văn sâu sắc về thân phận con người "Đôi mắt trong đêm"... cho ta cái nhìn về một nếp sống, tình yêu tha thiết con người và quê hương. Nhà thơ H.Man đã nhận xét: "Đôi mắt trong đêm" ấy đã dõi theo những tầng bậc dời đổi của thời gian. Bởi tình yêu không phải những điều ta suy nghĩ mà chính là những gì ta cảm nhận. Hầu hết những đoạn văn trong "Đôi mắt trong đêm" đã phản ảnh khả năng cảm thụ riêng biệt và hiền lành của tác giả. Đề tài cho những rung cảm, đồng cảm không day dứt, đớn đau, mà chỉ là những cái đẹp nhẹ nhàng và dễ mất. Cái đẹp mộc mạc, chân chất như mang sẵn trong mình cái ý thức có đến, có đi...Trong "Đôi mắt trong đêm", nhà văn sử dụng các biện pháp liên văn bản sáng tạo, những hình ảnh, chi tiết được xây dựng giàu ý nghĩa. Truyện như một cô gái đẹp con nhà lành, sử dụng nhiều yếu tố nghệ thuật độc đáo và bất ngờ... Thông qua hình ảnh quê hương, đất nước và nương theo câu hát dân ca, tác giả tìm về với giá trị đích thực cuộc sống, với cái tôi đầy trắc ẩn, đa mang...

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_156909_nhu-ng-ma-nh-ghe-p-ky-u-c.aspx