Những mảnh lòng dang dở - Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Tài

1 Dì Miên thức dậy, nhìn ra cửa sổ. Những tia nắng yếu ớt cố vượt ra đám mây mù dày đặc, không đủ hun ấm bầu không khí cuối thu dàu dàu khó tả.

Minh họa: Văn Nguyễn

Trời lạnh quá, dù chưa tới mùa đông. Không biết ít tuần nữa tuyết rơi, mình có chịu nổi không nữa? Dung nói, năm kia trong vòng một tháng mà tới mười trận tuyết. Trận này chưa tan thì trận khác đã ập tới rồi. Năm ngoái ít hơn, nhưng có trận rơi hai ngày chưa hết. Mới nghe con kể thôi mà xương cốt dì đã thấy mỏi nhừ, cẳng chân ngồi không vững.

Dì quơ tay lấy áo ấm, khoác vào người, xỏ dép, tới hé cửa phòng bên cạnh. Hai đứa cháu vẫn say sưa trong giấc ngủ, thỉnh thoảng lại nhoẻn miệng cười. Chắc trong mơ đang được mụ bà dạy dỗ. Mồ tổ cha tụi bây. Mát trời nên ngủ thẳng cẳng. Tí nữa dậy lại làm rộn ràng bà ngoại.

Dì xuống dưới lầu, tới bếp, nấu ít nước chế cà phê. Thói quen nhâm nhi mỗi sáng cho tỉnh, bao năm bên nhà vẫn chưa bỏ được. Nhiều lần dì cũng muốn ra quán ngồi uống nước rồi ngắm người ta qua lại cho đỡ nhớ nhà. Nhưng đàn bà xứ này đi đâu mất biệt, quán xá toàn đàn ông không. Chỉ mình dì ngồi, vô cùng dị hợm.

Liếc qua bồn rửa chén. Dung đã lấy con gà tây to đùng ra để rã đông. Hôm trước, cô đã chỉ cho dì cách ướp gà, tối về bỏ vô lò nướng. Nhưng thiệt tình nhìn con gà nặng gần chục ký nằm một đống tự nhiên thấy nhợn tay. Chả biết ướp cách nào cho thấm. Đêm qua dì càm ràm. Đã biểu ra chợ mua hai con gà ta về đây, tao nấu một nồi cháo, làm thêm thau gỏi bóp rau răm, là ăn ngon thấy mấy ông trời. Chứ gà tây to tổ chảng, nghe đồn thịt bở hơn bột, ngon lành gì. Dung cười to, đó là văn hóa Mỹ má ơi. Lễ Tạ ơn phải ăn gà tây mới đúng điệu. Với lại tối mai nhà mình có nhiều khách khứa. Nhập gia tùy tục. Mình ráng làm một bữa truyền thống có gà tây, khoai tây hầm, nui trộn bơ, bánh táo này nọ cho hợp không khí.

Nghe khách tới nhà tự nhiên dì chột dạ. Ruột gan nóng bừng bừng như lửa đốt.

2 Mới đó mà đã hơn một tháng dì qua đây đoàn tụ cùng con cháu. Ba mươi ngày chứ nhiêu, vậy mà cứ ngỡ như ba mươi năm đằng đẵng, vì cứ trong nhà quanh quẩn đếm ngày trôi. Già cả chẳng làm gì, ở nhà coi cháu, tiết kiệm cho con đồng nào hay đồng đó. Nói nào ngay dì cũng chẳng muốn qua đây chi cho cực. Gần sáu mươi năm sống trên dải đất miền Trung gian khó, dì đã quen từng con đường ngang dọc, mái nhà cao thấp xóm thôn. Chung quanh nhà toàn lối xóm bà con tắt đèn tối lửa, mồ mả cha ông nhang khói, đi sao cho đành đoạn. Nhưng con nói cũng phải. Nhà có ba má con thui thủi với nhau, giờ hai đứa ở bên này, để má một mình bên đó làm sao tụi con yên tâm cho được.

Hôm qua Dung hỏi, má có muốn gặp ba với dì không? Nếu không thì để con nói ba khỏi qua, cho hai đàng không khó xử. Dì ậm ừ, nửa muốn gặp, mà nửa muốn không. Thôi cứ để tự nhiên đi. Ép buộc làm gì. Mà sợ ổng hổng dám tới đây để chạm mặt với tao. Nếu muốn thì cả tháng tao ở đây, cũng tới tìm rồi chứ đâu phải chờ bữa nay mới tới.

Dì đâu quên được cái đêm ổng ôm hai đứa con, cầm tay dì khóc ngất. Bà ráng ở lại nuôi tụi nó, tui qua đó năm năm là có quốc tịch, rồi về đây, giả bộ làm đám cưới, bảo lãnh bà với tụi nhỏ qua luôn. Ngờ đâu, đó là lần cuối cùng dượng với dì đối diện. Dượng cùng mấy đứa em làm lại giấy tờ thành những gã độc thân trẻ tuổi, để ông nội sắp nhỏ bảo lãnh đi cho mau. Chứ ông già yếu lắm rồi, xứ người lạnh quá, xương cốt rã rời, không chịu nổi nữa.

Tất cả ra đi sau một lời từ biệt. Để lại nơi quê nghèo khốn khó, bốn người đàn bà có chồng mà như kẻ không chồng, cùng bảy đứa nhỏ có cha mà như kẻ không cha, nương tựa nhau để sống.

Những năm tháng khó khăn sau đổi mới, mấy đồng đô la của dượng gửi về, ít nhiều cũng giúp gia đình qua cơn khốn khó. Dì một nách hai con, chạy vạy khắp nơi, tảo tần buôn bán. Vừa làm mẹ làm cha, vừa làm vợ làm chồng trong gia đình hiu quạnh ấy. Chiều về, ba mẹ con ngồi bên mâm cơm mà nước mắt chảy dài. Đêm đến, hai đứa cứ co ro rúc hai bên nách tìm hơi ấm thâm tình làm dạ lòng dì rối bời, như vò kim mối chỉ. Tủi thân, dì chạnh nghĩ, giá mà hồi đó mình cản, không cho ổng đi, thì nhà cửa đâu có vắng vẻ đến thế này. Và bọn nhỏ đâu có khóc đòi ba, những khi trái trời, trở gió.

Hai năm… bốn năm… sáu năm… bảy năm… Lời hẹn năm xưa vẫn thoang thoảng trong từng cột kèo, rui mè, gạch ngói. Vậy mà chồng vẫn biền biệt phương nào, chưa một lần quay lại. Mỗi tháng tiền vẫn gửi về. Nhưng thư từ và những cú điện thoại cứ thưa dần… thưa dần… rồi tới một ngày thì dừng lại hẳn.

Thằng Tâm có vợ. Thành lập gia đình. Tín mới làm đám cưới hôm qua. Gia đình bên vợ Khương mới mua cho hai đứa căn nhà thiệt bự.

Rồi tin dữ liên tiếp ùa về. Xóm làng xôn xao như chạy lũ.

Những người đàn bà quê đầu tắt mặt tối, cố nuôi con chờ ngày chồng trở lại cuối cùng đã trắng tay. Giấc mơ sum vầy hóa thành công cốc. Những gã đàn ông sang xứ người không giữ lời hẹn cũ. Họ quên mất nơi này có bao người thân trông ngóng mỏi mòn.

Liễu không khóc. Thương cắn chặt môi. Thy ngẩn ngẩn ngơ ngơ tưởng hóa dại cuồng. Dì bải hoải chân tay khi nghe tin dữ.

Ông bà ta nói đúng, thời gian luôn là liều thuốc nhiệm màu xoa dịu tất cả nỗi đau lớn nhỏ. Mấy đứa em bạn dâu chờ không nổi nữa, hết đứa này tái giá, tới đứa khác gá nghĩa với người ta. Tuổi thanh xuân đâu thể mãi đợi chờ, khi chính những kẻ từng đầu ấp tay gối đã lên thuyền sang bến khác. Vậy mà dì vẫn lẻ loi, hổng chịu tiến thêm bước nữa. Những tờ trăm đô la dượng gửi về, dì giữ nguyên trong kẹt tủ. Không phải giàu sang hay sung túc gì, nhưng tự thấy không cần số tiền bạc nghĩa ấy. Năm dài tháng rộng, tiền cứ chất đầy. Dì chuyển từ kẹt tủ sang đào lỗ chôn dưới đầu giường rồi mua vàng về cất. Mai sau hai đứa lấy chồng, dì cho làm của hồi môn. Còn không sau này gặp lại, dì quăng thẳng vô mặt ổng rồi la rằng, tiền của ông đây, tui không đụng một xu teng. Lời hứa ngày nào tui vẫn giữ vẹn nguyên, chỉ có ông không tròn ước hẹn.

Nhiều người nói dì ngu, nó có còn coi mày là vợ nữa đâu. Nó có vợ đẹp, vợ giàu, mắc chi tốn công chờ đợi. Chẳng biết có phải mình ngu không? Cũng không biết có bị thiệt thòi gì trong cuộc tình dang dở. Nhưng dì không muốn hai đứa con phải sẻ chia tình cảm với người đàn ông khác. Rồi liệu người mình gọi bằng chồng, có thương hai đứa nhỏ như chính những đứa con do họ tạo dựng? Rồi khi một nhà chung sống, cơm không lành, canh chả ngọt, lại đâm ra dằn vặt, đau lòng con thơ.

Mấy người bạn thuở thiếu thời đến rồi đi, ngỏ lời ong bướm. Những gã đàn ông cùng làng, chung xóm, góa vợ, to nhỏ, ân cần. Dì đều khéo léo chối từ, chờ lũ nhỏ trưởng thành, rồi mới tính chuyện bản thân, tìm người phối ngẫu. Nào ngờ khi con khôn lớn, đi học xa nhà, rồi được ổng bảo lãnh qua Mỹ, bỏ dì thui thủi một mình nơi quê cũ, thì lửa hương nguội lạnh. Tụi nó gọi về, coi ai hợp tánh hợp tình thì má gật đầu với người ta đi. Tụi con ở xa, lỡ má có chuyện gì mà không người lo, chắc cả đời ân hận.

Năm kia, ông bạn đi du học bên Liên Xô cũ, khi chính biến ở lại không về, giờ giàu sang, tìm tới tận nhà trò chuyện. Vợ chồng ly dị, ba đứa con ở cùng với mẹ bên kia trời. Ông một mình về quê dưỡng già sau bao tháng năm dựng gầy cơ nghiệp. Hai trái tim cỗi già, đơn lẻ, tưởng đâu tìm chung nhịp đập, để xích lại gần nhau. Thì đùng một cái, Ukraine biến động. Chợ Việt bị bố ráp, hàng hóa bị mất hết trơn. Bao nhiêu vốn liếng ông để lại cho vợ cũ giờ biến thành tro. Bà như điên, hóa dại, nhập viện tức thời. Thế là ông tức tốc quay về bên ấy, giúp vợ cũ ổn định tinh thần. Dù không tình, cũng còn cái nghĩa bao năm chung sống.

Thế là dì cô đơn vẫn hoàn cô độc.

3 Dì hé rèm nhìn ra cửa. Xe cộ đậu đầy sân, khách khứa tới đông lắm rồi. Mọi người kéo xuống hết dưới basement (1), vui cười, hát ca, chuẩn bị ăn uống mừng ngày Thanksgiving truyền thống. Dì đã sẵn sàng quần áo, tóc bới gọn gàng, nhưng cứ lừng khừng, nửa muốn xuống nhà, nửa muốn ở lại. Hai mươi mấy năm xa cách, dì không biết khi đối diện với ổng mình sẽ ra sao. Kỷ niệm thương yêu năm xưa có trở về hay vụt tan biến mất. Dì có đủ can đảm để nhìn sâu vào đôi mắt ấy. Có vững lòng khi nghe lại tiếng nói ấm áp của người một thời âu yếm gọi bằng chồng. Rồi gặp vợ sau của ổng, mình sẽ phản ứng ra sao. Dẫu có sắt đá thế nào, nhưng khi đối diện với kẻ (mấy mươi năm trước) đã cướp chồng mình, làm sao giả lả, ngọt ngào cho được? Đừng ai lên đây kêu tui xuống nhen. Không gặp mà hay. Để mọi chuyện nằm im, bới xới làm gì vết tro tàn để khơi tìm mồi lửa.

Nhưng điều ước của dì đã không thành sự thật. Khánh gõ cửa, he hé nhìn vô, thì thầm nói nhỏ.

- Má xuống dưới nói chuyện với ba đi. Ba chờ má nãy giờ.

Dì chầm chậm trên cầu thang bước xuống. Tim đập thình thịch. Tay run lẩy bẩy. Hai hàm răng đánh vào nhau nghe côm cốp. Không được khóc, không được khóc nghe Miên. Bao nhiêu năm dì cầu trời, khấn Phật, chờ đợi cái ngày này, vậy mà cách nhau có mấy bước chân, dì lại hoảng hồn, chùn chân, không muốn xuống.

Trong phòng khách chỉ có một người duy nhất, đang ngồi xoay lưng lại phía cầu thang. Bờ vai ấy dẫu giờ có rộng và to hơn, nhưng có khác gì năm cũ. Tấm lưng ấy giờ phì nhiêu, màu mỡ nhưng làm sao dì không biết nó thuộc về ai. Dì để tay lên ngực, hít một hơi thiệt sâu, rồi tằng hắng.

Nghe tiếng người sau lưng. Dượng quay mặt lại.

Không gian dường như đông thành đá. Tiếng cười nói của mọi người bỗng hóa khói mây. Hai tai ù đi như lúc máy bay hạ cánh. Mất hết sáu mươi giây sững người, im lặng, dượng thở dài, môi mấp máy một vài tiếng ân cần, dịu ngọt.

- Bà vẫn khỏe?

Chỉ ba tiếng hỏi đục khàn, vậy mà dì tưởng tiếng bom nổ sát bên tai, choáng váng. Đúng giọng nói của chồng mình rồi. Cái thanh âm mà bao nhiêu năm nay dì mãi hoài mong, ngóng đợi. Đúng là mùi mồ hôi quen thuộc, thuở nào dì vẫn nép chặt vào ngực chồng, giữa trận gió mùa se sắt lạnh. Giờ có hóa thành tro bụi cũng nhận ra.

Dì mím chặt môi, cố ngăn dòng nước mắt. Muốn tới trước mặt, tát một cái cho xiểng niểng và la to rằng, ông có biết hai mươi mấy năm xa vắng, tui vẫn chung lòng, chặt dạ chờ ông trở lại hay không? Ông có biết bao buổi chiều giông gió, tui vẫn ngồi đó, ngay kẹt cửa, chỗ ông nắm tay tui nói tiếng chia tay, để đợi ông trở về. Anh em ông tệ bạc lắm. Cả nhà ông tệ bạc lắm. Bốn chị em tui vừa tảo tần buôn bán, vừa tay xách, nách mang nuôi mấy đứa nhỏ nhóc nheo, thò lò mũi dãi. Tụi tui không cần tiền lẻ của mấy người. Tụi tui tự làm, tự sống được. Bọn đàn bà này cù bất cù bơ, chồng bỏ, chồng chê như thế nào cũng được. Nhưng tụi nhỏ đâu có lỗi lầm gì, mà bao nhiêu năm không thấy mặt cha. Một lời ân cần, thiết tha cũng không có.

Những lời trách móc, dì đã thì thầm không biết bao nhiêu lần, cứ tưởng ngày gặp lại sẽ tuôn ra như thác đổ suối trào. Vậy mà giờ nghẹn đắng.

4- Ờ, tui cũng mạnh... Dượng quay qua, muốn chạy tới đưa tay chùi mấy giọt nước mắt đang rưng rưng trong mắt người vợ cũ. Muốn cầm bàn tay gầy gò năm xưa áp lên mặt mình. Nhưng chùn bước. Mình đâu còn cái quyền đó khi giờ đã là chồng, là cha của một gia đình ấm êm, đầy đủ khác.

Ngày ra đi, bỏ vợ con lại bên nhà, dượng đã chết đi nửa phần đời trai trẻ. Tuổi thanh xuân hừng hực, không vợ, chẳng con, giữa xứ người cô quạnh. Sáng đi làm, chiều lái xe tới trường lõm bõm học vài ba tiếng Mỹ. Đêm về co ro trong căn phòng trống trải. Bốn thằng con trai, bốn mảnh đời nghiệt ngã. Phải làm gì để qua những mùa đông khắc nghiệt? Sống ra sao giữa nỗi cô đơn giày xéo mỗi ngày? Mấy lá thư viết vội, vài tấm hình bên này gửi lại bên kia, những cái thẻ nghe tiếng được, tiếng mất ở khu chợ Việt xa xôi, là nguồn tin yêu duy nhất.

Dượng gặp Thu trong một lần mang xe tới dealer(2) sửa. Cái tuổi hai mươi xinh đẹp của cô gái rượu con ông chủ tiệm như liều thuốc độc quấn lấy hồn anh. Cô lao vào như con thiêu thân mịt mờ với ánh đèn lấp lánh. Anh quấn quýt bên cô như con sói đói gặp mồi. Cả hai ngất ngây trong cuộc tình vụng trộm. Anh không thiết tha gì tới cô vợ bên nhà. Cũng chẳng nhớ tới hai đứa trẻ đang mỗi ngày kêu ba về cho lẹ. Trái tim cô đơn của gã đàn ông ngoài ba mươi phút chốc được sưởi ấm bởi ngọn lửa tình mê mệt. Luân thường đạo lý, nhân nghĩa phải quấy với anh lúc này như từ giấy xút, chẳng đáng lấy một xu.

Thu dính bầu. Khi biết được, thai đã tròn hai tháng. Nhà cô theo đạo Công giáo. Phá thai không những đi ngược lại với luân thường đạo lý, mà còn nghịch lời đức Chúa trời răn dạy. Họ bảo cưới đi, rồi mua cho căn nhà gần triệu bạc, làm của hồi môn.

Trong phút yếu lòng, dượng đã buông tay nhắm mắt.

Và khi trái tim giá lạnh nơi xứ xa được lấp đầy bởi tiếng nói cười của đứa trẻ thơ trong căn nhà bạc triệu. Đêm về, dượng giật mình hoảng hốt, khi nghĩ tới vợ và những đứa trẻ bên nhà đang ngày đêm trông ngóng mỏi mòn.

Bao nhiêu năm qua, dượng muốn quay về thắp nhang lên phần mộ ông bà, cho ấm lòng người quá cố. Để được ngồi ghe chèo dọc sông Dinh giữa đêm khuya mịt mù với ánh đèn leo lét. Dượng thèm thả lưới bắt từng con cá, con cua. Sáng về ghe đầy tôm cá trong tiếng hò reo mừng rỡ của vợ và hai đứa nhỏ. Những lúc đói bụng, dượng kêu dì ra sau chái bếp bắt con gà, nửa nấu cháo với rau răm, nửa nấu nồi canh chua lá giang, mua thêm lít rượu đế về để nhắm. Dượng muốn nhìn con lớn từng ngày, muốn nghe tụi nó bi bô gọi một tiếng ba, như muôn ngàn đứa trẻ khác. Sáng sớm, dượng bỏ hai đứa lên yên sau, bảo ôm thiệt chặt kẻo té, ba chở con tới trường học nhen. Mỗi chiều, dượng ngồi trước sân hút thuốc, thương yêu nhìn vợ lấy lược dày chải đầu, bắt chí, rồi thắt con rít trên tóc con. Tối đến, dượng ẵm vào giường ầu ơ ru con ngủ.

Dượng cũng muốn nói với dì một lời tạ tội. Dượng biết, anh em dượng là thứ chẳng ra gì khi quên hết nghĩa nhân, quên tình tấm mẳn. Thấy mới nới cũ, có trăng quên đèn. Mong bà thứ tha để nhẹ lòng mà sống. Nhưng dượng sợ chính quyền mới moi ra vụ làm giả giấy tờ năm cũ rồi làm khó dễ đủ đường. Mà nếu mọi thứ trót lọt rồi, dượng cũng không thể mang vợ con bên này về thăm vợ con bên đó. Cũng chẳng thể bỏ họ lại nơi xứ người đất khách để về xứ sở một mình. Bao lần dì Thu kêu anh về thăm chỉ với tụi nhỏ đi, chứ cứ dằn vặt như vầy hoài, tui với con cũng chẳng vui sướng gì. Ông coi ông đó, tóc tai gì cũng rụng hết trơn, không còn một cọng.

Thà bả như mấy đứa em dâu lấy chồng, có gia đình mới thì mình còn thấy nhẹ lòng. Đằng này cứ thui thủi mãi một mình chẳng khác nào những cực hình, tra tấn. Cách duy nhất dượng có thể làm là bảo lãnh hai đứa nhỏ qua để bù đắp phần nào lỗi lầm đè nặng. Và mong sớm một ngày gặp nhau để nói lời tạ tội.

5 - Cho tui xin lỗi…

- Lỗi phải gì?

- Bà vẫn còn giận?

- Già cả hết rồi, trên đầu hai thứ tóc, giận dỗi chi nữa hả ông?

- Ngày đó…

- Thôi. Chuyện gì xong cũng đã xong rồi. Đừng nhắc làm chi nữa. Ông biết nghĩ tới tương lai con cái, còn nhớ tới tui là mừng lắm rồi. Chắc trời bắt nợ duyên tụi mình chấm dứt.

Dượng thở cái phào, như trút được ngàn cân đeo nặng. Biết vậy mình gặp và nói với bả sớm hơn, để mấy chục năm nay yên tâm ngủ thẳng cẳng.

- Bả có tới với ông không?

- Bà hỏi ai?

- Vợ nhỏ của ông…

- Có. Đang ở nhà dưới.

- Để tui xuống gặp rồi cảm ơn bả đã lo lắng cho hai đứa nó lúc mới qua lạ nước lạ cái.

- Ơn nghĩa gì, trách nhiệm của tụi tui mà.

- Biết là vậy, nhưng cũng nói vài lời cho phải đạo.

Dì Miên xoay lưng, đứng dậy. Cái trâm đồi mồi rớt xuống, mớ tóc dài đẫm đuột bung ra, hương bưởi thơm thoang thoảng. Dượng giơ tay, định chạm vô mái tóc ngày xưa, bao nhiêu năm dẫu nhuốm bụi thời gian, nhưng vẫn suôn dài như suối. Giật mình, rụt tay, miệng lầm bầm, sao hổng cắt bớt, uốn quăn lên cho theo thuở, hợp thời, để dài chi mà đau lòng tui dữ quá. Mà qua tới đây rồi, xà bông thường không xài, lại đi nấu nước vỏ bưởi gội đầu. Sang quá!

Dì vừa bới tóc, vừa thì thầm.

- Tui có nấu nồi cháo với làm thau gỏi gà bóp rau răm. Gà xứ này chắc hổng ngon như bên mình, nhưng chắc là ông thích.

Maryland, những ngày giá lạnh cuối năm 2016.

Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Tài

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nhung-manh-long-dang-do-truyen-ngan-cua-nguyen-huu-tai-783619.html