Những mong ước bình dị của người lao động

Được nghỉ lễ 30/4 và 1/5 liên tục trong 5 ngày, công nhân lao động đã chia sẻ niềm háo hức về kế hoạch trong những ngày nghỉ lễ; đặc biệt là cảm xúc trong những ngày tháng lịch sử và về đời sống, việc làm cũng như những mong muốn về chế độ chính sách, an sinh xã hội tốt hơn đối với họ. Nhân chào mừng 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Quốc tế Lao động (1/5) và Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024, phóng viên xin lược ghi lại một số ý kiến công nhân về nội dung trên.

Chị Trần Thị Tâm - Nhân viên Công ty TNHH Luxshare – ICT (KCN VSIP, Nghệ An):
Trân trọng hai chữ hòa bình

Chị Trần Thị Tâm

“Công ty tôi có hơn 10.000 người lao động, hiện là doanh nghiệp có đông công nhân lao động nhất tỉnh Nghệ An, chuyên về sản xuất linh kiện điện tử. Cận kề dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tôi và nhiều người lao động trong công ty cảm thấy háo hức, bởi vì có thời gian nghỉ ngơi, có khoản tiền thưởng dịp lễ của công đoàn tuy không nhiều nhưng cũng rất vui. Nghỉ lễ, tôi có thời gian đưa các con đi chơi, làm mâm liên hoan tụ họp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Điều tôi luôn ghi nhớ và cảm thấy xúc động trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đó là sự thiêng liêng. Thiêng liêng bởi nhận thức sâu sắc sự hy sinh xương máu của rất nhiều anh hùng, liệt sĩ, các thế hệ để đất nước được thống nhất, trọn vẹn niềm vui; bởi nhận thức được sự ghi nhận, biểu dương vị thế và những đóng góp của người lao động trong ý nghĩa của Ngày Quốc tế Lao động (1/5). Và, thiêng liêng khi thấy phố phường, ngõ xóm rực rỡ cờ đỏ sao vàng, lắng nghe những ca khúc cách mạng hào hứng trên loa phóng thanh của khối xóm, xem lại những tư liệu lịch sử quý giá được lan tỏa trong những ngày nghỉ lễ.

Và nghỉ lễ, cũng cảm nhận được không khí hào hùng, thiêng liêng hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024). Tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên luôn trân trọng, tự hào về quê hương, đất nước; trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc mà người dân đang có được”.

Chị Lê Thị Hương - Công nhân Công ty Bao bì Đại Dương (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa):
Sớm cụ thể hóa nhà ở công nhân

Chị Lê Thị Hương

“Tôi làm việc ở công ty đã gần 5 năm, thu nhập hiện tại chưa tính tăng ca là 10 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 22 triệu đồng/tháng, cơ bản trang trải được cuộc sống gia đình, nuôi 3 con ăn học. Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 này, công ty tổ chức giải thi đấu thể thao, tạo sân chơi, giao lưu cho công nhân lao động. Cũng như các năm, công ty sẽ có phần quà thưởng cho người lao động trong dịp lễ, với công nhân lao động trực tiếp thì 200 nghìn đồng/người, cấp quản lý thì cao hơn.

Hiện tại, tôi và nhiều công nhân lao động trong công ty hài lòng về môi trường làm việc, trong đó các chế độ chính sách được thực hiện bài bản, công khai, công ty có phụ cấp chuyên cần, thâm niên, xăng xe, phụ cấp đặc thù cho lao động nữ. Hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn luôn quan tâm, thăm hỏi, động viên, trao tặng các phần quà cho công nhân lao động; công đoàn công ty cũng luôn sâu sát, thương lượng, đề xuất các chế độ chính sách hợp pháp, chính đáng, có lợi cho người lao động, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.

Điều mà tôi thấy rõ là tỉnh Thanh Hóa đang phát triển mạnh mẽ; thu ngân sách lớn; cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, cơ hội việc làm cho người lao động ngày càng nhiều, đời sống người lao động được nâng lên. Tôi rất tự hào về tinh thần vượt khó vươn lên của người dân, người lao động Thanh Hóa.

Tôi đi làm gần nhà, không phải thuê nhà trọ nên đỡ tốn kém một khoản chi phí, thế nhưng, nhiều công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải ở trọ, điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo. Tôi mong Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn chỉ đạo, triển khai sớm chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp để giúp người lao động yên tâm làm việc; giúp doanh nghiệp dễ tuyển dụng lao động, yên tâm sản xuất kinh doanh.

Anh Trần Đình Đạt – Công nhân Công ty TNHH VSIP Nghệ An (KCN VSIP Nghệ An):
Mong muốn có thêm kiến thức về pháp luật lao động

Anh Trần Đình Đạt

“Gia đình tôi sẽ đi chơi ở một số địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trong dịp lễ. Nhiều công nhân trong công ty cũng chuẩn bị kế hoạch vui chơi cho những ngày nghỉ này. Điều bản thân tôi và nhiều người lao động thấy rõ là đời sống của người lao động được nâng lên, có điều kiện để chăm lo cho gia đình được tốt hơn, đưa gia đình đi du lịch, nghỉ dưỡng.

Công ty TNHH VSIP Nghệ An là đơn vị đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, tôi làm việc ở bộ phận phòng cháy chữa cháy. Khu công nghiệp VSIP có hạ tầng hiện đại, đồng bộ, không gian rộng thoáng, xanh, sạch, đẹp nên điều kiện làm việc của người lao động trong các doanh nghiệp đóng tại đây khá tốt. Hiện nay, Khu công nghiệp đang mở rộng quy mô, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Theo đánh giá của công nhân lao động ở một số công ty trong khu công nghiệp thì các doanh nghiệp cơ bản thực hiện tốt chế độ chính sách để giữ chân người lao động trong bối cảnh cạnh tranh rất lớn về lao động.

Tôi luôn mong muốn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư để tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, người lao động được làm việc gần nhà, có điều kiện chăm sóc cho gia đình, con cái, bố mẹ, điều kiện học hành và y tế cũng đảm bảo hơn.

Tôi và nhiều người lao động khác cũng mong muốn được quan tâm, tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật lao động, các chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động, tác phong công nghiệp và cách mạng công nghệ 4.0. Đồng thời mong muốn được lắng nghe, giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong các vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động, tranh chấp lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,…

Chị Phạm Thị Lý - Công nhân Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam (KKT Nghi Sơn xã Xuân Lâm, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa):
Nên nhân rộng mô hình văn hóa doanh nghiệp

Chị Phạm Thị Lý

Công ty tôi là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất và gia công giày dép xuất khẩu, có số lượng người lao động đông nhất tỉnh Thanh Hóa với trên 22.000 người.Tôi làm việc ở công ty đã gần 8 năm, mức lương hiện tại hơn 6 triệu đồng/tháng. Công ty có số lượng lao động lớn nên các chế độ chính sách được thực hiện bài bản, ba năm qua, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, công ty cũng gặp những khó khăn nhưng luôn nỗ lực để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Đối với công nhân lao động ở xa, công ty bố trí xe đưa đón hằng ngày.

Công ty xây dựng “Góc văn hóa công nhân” rộng gần 200 m2 để người lao động được tận hưởng không gian đọc sách, báo, uống trà, chụp ảnh và thư giãn sau giờ làm việc. Là công ty có hơn 80% lao động nữ, tôi và nhiều chị em đã tham gia Câu lạc bộ Tổ bà bầu và nuôi con nhỏ nhằm gặp gỡ, trao đổi, cập nhật và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức về mang thai và nuôi con nhỏ.

Điều tôi và nhiều công nhân lao động quan tâm hiện nay là các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày đều tăng giá, trong khi mức lương của công nhân lao động còn thấp, dù được tăng lương theo quy định nhưng mức tăng không nhiều. Với mức thu nhập dưới 10 triệu đồng thì công nhân vẫn phải chắt bóp mới đủ sống và may ra tiết kiệm được chút ít. Nhiều người cũng tranh thủ kinh doanh, buôn bán thêm, nhất là bán hàng trên mạng, bán các mặt hàng“của nhà trồng được” để có thêm thu nhập. Thế nhưng, cũng nhiều người khó khăn, sa vào bẫy tín dụng đen, không thể trả nợ.

Anh Nguyễn Thanh Bình - Công nhân Công ty Phát triển nông lâm Hà Tĩnh thuộc Tổng Công ty Khoáng sản Hà Tĩnh (Phú Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh):
Mong phúc lợi ngày càng tăng

Anh Nguyễn Thanh Bình

“Mấy năm nay, dịp lễ 30/4-1/5, Công ty đều thưởng cho người lao động mỗi người 1 triệu đồng, công ty cũng sắp xếp cho người lao động đi du lịch trong và ngoài tỉnh, kinh phí hỗ trợ đi du lịch cũng khoảng 3-5 triệu đồng/người.

Công ty chuyên về sản xuất, kinh doanh lợn thương phẩm, lợn giống; trồng cây công nghiệp, trồng và chế biến sản phẩm sau thu hoạch; sản xuất, kinh doanh lợn thương phẩm, lợn giống; kinh doanh vật tư, sản phẩm chăn nuôi.

Hoạt động trong lĩnh vực chuyên về chăn nuôi, đóng tại khu vực nông thôn nhưng người lao động vẫn có thu nhập khá, bình quân từ 8-9 triệu đồng/người/tháng. Công ty có hơn 100 người lao động, các chế độ chính sách được thực hiện đầy đủ, nhiều chế độ còn cao hơn luật quy định. Hằng năm, người lao động đều có lương tháng 13, quà tết và nhiều khoản thu nhập khác với tổng số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Ngay trong thời điểm gặp khó khăn do dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi, công ty vẫn đảm bảo duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động.

Trong tháng 5, là Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động, Công đoàn công ty luôn thương lượng với Ban giám đốc để có thêm các phúc lợi cho người lao động.

Công ty đang ngày càng phát triển quy mô, bền vững, là một trong những doanh nghiệp lớn của Tổng công ty Khoáng sản Hà Tĩnh và tỉnh Hà Tĩnh, doanh thu hằng năm đạt trên 200 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển nên người lao động thêm phấn khởi bởi thu nhập và các điều kiện phúc lợi sẽ tiếp tục được nâng cao.

Anh Nguyễn Văn Chương - Công nhân Công ty CP Cảng Quốc tế Lào – Việt (KKT Vũng Áng,
thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh):
Hài lòng về chính sách tiền lương với người lao động

Anh Nguyễn Văn Chương

Tôi làm việc ở công ty đã 17 năm, mức lương hiện tại hơn 12 triệu đồng/tháng. Công ty tôi hiện có hơn 270 lao động, chế độ chính sách của người lao động được thực hiện tốt, công ty hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn vay tiền để làm nhà, trang trải cuộc sống; quan tâm, thăm hỏi, động viên người lao động khi có hiếu, hỉ; thường xuyên thực hiện các chương trình từ thiện, xã hội trên địa bàn.Tôi gắn bó với công ty bởi Ban lãnh đạo và công đoàn luôn coi trọng và chăm lo cho người lao động.

Là người lao động trực tiếp, làm xếp dỡ hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng, tôi rất phấn khởi khi lượng hàng qua cảng ngày càng tăng, công ty phát triển ổn định, Khu kinh tế Vũng Áng ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động ngay tại địa phương, đời sống người dân được nâng lên. Vì những điều đó, bản thân tôi cũng thấy được tiếp thêm tinh thần, động lực phấn đấu, vươn lên để có cuộc sống đủ đầy, tốt đẹp hơn.

Tôi cũng thấy may mắn khi được làm việc ở một doanh nghiệp là cầu nối cho tình hữu nghị Việt - Lào ở Hà Tĩnh. Mỗi bước phát triển của doanh nghiệp là một dấu ấn đẹp, vun đắp thêm truyền thống hợp tác giữa hai nước.

Do đặc thù công việc nên dịp lễ này, có bộ phận được nghỉ, có bộ phận trực làm việc bình thường, tôi có lịch luân phiên, có ngày nghỉ và có ngày đi làm. Các tổ sản xuất đều bố trí kế hoạch lao động phù hợp để ai cũng có thời gian nghỉ ngơi, vui vẻ trong dịp lễ.

Nhóm phóng viên

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-mong-uoc-binh-di-cua-nguoi-lao-dong-169614.html