Những năm tới, kỳ thi THPT quốc gia sẽ ngày càng nhẹ nhàng, hiệu quả

Kết thúc công tác coi thi THPT quốc gia năm 2016, Bộ GD&ĐT đã có thông tin đến báo chí về kỳ thi năm nay. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá là an toàn, nghiêm túc, công bằng và đặc biệt nhẹ nhàng, nhiều thuận lợi hơn cho thí sinh. Những năm tới, kỳ thi cũng được đổi mới, hoàn thiện theo hướng sẽ nhẹ nhàng, giảm áp lực xã hội và hiệu quả cao.

Hiệu quả của kỳ thi

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, kỳ thi năm nay đã được tổ chức thành công thể hiện trên các mặt chính sau đây: Cụm thi do trường ĐH chủ trì được tổ chức ở tất cả các tỉnh/TP trong cả nước. Trong thời gian tổ chức thi "3 chung" cả nước có 3 cụm thi quốc gia, sau đó nâng lên 4 cụm; năm 2015, Bộ đã tổ chức 38 cụm thi, năm 2016 cả nước có 70 cụm thi do trường ĐH chủ trì được tổ chức ở tất cả các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương trên cả nước.

Việc mở rộng số lượng cụm thi quốc gia là một thách thức rất lớn đối với Bộ nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, trách nhiệm cao của các trường ĐH, các Sở GD&ĐT, chúng ta đã tổ chức thành công kỳ thi năm nay, tạo không khí rất phấn khởi cho thí sinh và nhân dân cả nước.

Tổ chức cụm thi ở tất cả các tỉnh/TP trong cả nước có thể xem như là một phép thử quan trọng để tiếp tục đổi mới công tác thi/tuyển sinh nhẹ nhàng, hiệu quả hơn trong những năm sắp tới. Sự thành công trong mô hình tổ chức cụm thi trên cả nước đã tạo được niềm tin trong xã hội về tính công bằng, nghiêm túc của kỳ thi.

Tiếp đó, kỳ thi có sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa trường ĐH và các địa phương. Thí sinh được thi tại địa phương mình, gần nhà, giảm tốn kém chi phí, giảm áp lực, do đó các em làm bài tự tin hơn để đạt kết quả tốt; tỉ lệ thí sinh đến dự thi rất cao; kỳ thi được tổ chức nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng, không gây căng thẳng đối với thí sinh.

Số lượng thí sinh ở các cụm thi không cao nên các trường đã có thể sử dụng những cơ sở tốt nhất làm điểm thi; do đó, không gian, môi trường thoải mái hơn giúp thí sinh có thể phát huy hết năng lực để làm bài thi; các địa phương có điều kiện huy động sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể về điều kiện ăn ở cho thí sinh và người nhà.

Do chỉ có thí sinh của địa phương mình dự thi nên Sở GD&ĐT có thể nắm được số lượng thí sinh có nguy cơ vắng mặt do các điều kiện khác nhau, từ đó có những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các em đến trường thi theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Sự phân bố các điểm thi của cụm thi cũng rất linh hoạt, tạo điều kiện tối đa để thí sinh đến dự thi. Ví dụ: Tổ chức điểm thi tại huyện đảo Phú Quốc, điểm thi tại TP HCM cho các thí sinh của Long An có các huyện giáp ranh, điểm thi thi tại Hội An cho thí sinh các huyện bắc Quảng Nam…

Năm nay có 14 địa phương chỉ tổ chức cụm thi do trường ĐH chủ trì. Các địa phương còn lại, ngoài cụm thi do trường ĐH chủ trì còn có cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì để giúp cho thí sinh vùng khó khăn có thể yên tâm dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy tổ chức hai loại cụm thi nhưng điều kiện tổ chức thi, mức độ nghiêm túc đều như nhau.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: P.T

Sẽ công bố phương án thi năm tới sớm

Về phương hướng đổi mới kỳ thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Về công tác thi, tuyển sinh, chúng ta đã có những đổi mới hết sức căn bản, từ 4 đợt thi nay giảm xuống chỉ còn 1 đợt duy nhất. Thêm vào đó, từ 38 cụm thi do trường ĐH chủ trì trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, nay chúng ta đã nhân rộng ra các tỉnh thành trong cả nước, đó cũng là đổi mới căn bản và quan trọng.

Thành công của kỳ thi năm nay giúp ta đánh giá năng lực tổ chức thi của các địa phương, các trường ĐH. Sau kỳ thi này, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội thảo với các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, các chuyên gia giáo dục… dựa trên những kết quả đã đạt được, trên các cơ sở lý luận và thực tiễn để quyết định phương thức tổ chức thi năm tiếp theo với tinh thần chung là nhẹ nhàng, hiệu quả cao và đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết thêm: Có thể đầu năm học tới, Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra phương hướng nền tảng, “sườn” đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ. Phương án thi sẽ được công bố sớm để cả thí sinh, giáo viên và phụ huynh có hướng đổi mới dạy và học cho phù hợp với kỳ thi.

Bộ GD&ĐT: Đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho công tác xét tuyển ĐH, CĐ

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT thì: Năm nay, Bộ GD&ĐT đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai công tác xét tuyển vào ĐH, CĐ; cụ thể là phần mềm phục vụ đăng ký xét tuyển đã xây dựng xong, chạy thử nghiệm và sẵn sàng vận hành.
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các Sở GD&ĐT trong thời gian xét tuyển, các trường THPT, TTGDTX, trường THCS huy động tối đa các phòng kết nối mạng để hỗ trợ thí sinh. Việc đăng ký xét tuyển kết thúc sớm hơn 1 ngày để có thí sinh nào lỡ vẫn có kênh khác để đăng ký xét tuyển.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/nhung-nam-toi-ky-thi-thpt-quoc-gia-se-ngay-cang-nhe-nhang-hieu-qua-114045