Những ngày đen tối của chính trường châu Âu

SGTT.VN - Vào thứ năm 1.8, khi Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi bị tòa Thượng thẩm nước này xử 4 năm tù giam vì tội trốn thuế, thì Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phải đọc một diễn văn điều trần trước quốc hội về cáo buộc nhận tiền lót tay.

Một số lãnh đạo chính phủ châu Âu, đôi khi ở cấp cao nhất, bị thẩm vấn về cáo buộc tham nhũng, đạo đức có vấn đề, hay tài trợ bất hợp lệ của các đảng. Chưa đến 10 tháng trước bầu cử châu Âu ngày 25.5.2014, những vụ tai tiếng ở Pháp, Ý và Tây Ban Nha đang thúc đẩy công chúng ngày càng nghi ngờ các chính khách, hủy hoại nền dân chủ và đầu độc đời sống chính trị châu Âu.

Tai tiếng lãnh đạo

Nhờ một luật ân xá thông qua năm 2006, “hiệp sĩ” Berlusconi được giảm án còn 1 năm, và nhờ tuổi tác cao - đã 76 – án tù sẽ được thay thế bằng lao động công ích hay giam giữ tại nhà.

Ông Berlusconi phản ứng trước phán quyết của tòa án. Ảnh: Reuters

Để đi đến kết quả này – cần 10 năm điều tra, 6 năm xử án với lộ trình thường xuyên bị cản trở bởi những “chướng ngại” pháp lý do chính thủ tướng Berlusconi trực tiếp tạo ra để giúp tội phạm Berlusconi, phá hủy những qui định và thủ tục để thành lập những qui định và thủ tục mới theo hình ảnh và ý thích riêng của ông.

Tuy nhiên, những vi phạm khiến Berlusconi phải trả giá – một hệ thống chi tiền bất hợp pháp cho các công ty truyền hình nước ngoài khi mua quyền phát sóng cho tập đoàn Mediaset của ông – không thể xem là một vấn đề “riêng tư”. Ngược lại, đó là một vấn đề chung, nó chứng tỏ một chính trường Ý chệnh choạng.

Ở Tây Ban Nha, nơi mà danh tiếng hoàng gia bị các scandal hủy hoại, chính lãnh đạo chính phủ, Thủ tướng Mariano Rajoy, thừa nhận rằng đảng Nhân dân (PP) của ông có khai báo và phân chia các khoản hoa hồng. Phủ nhận tất cả các cáo buộc tài trợ bất thường và tuyên bố sai lầm duy nhất là quá tin tưởng cựu thủ quỹ PP Luis Barcenas, Rajoy đang tìm cách ngăn hình ảnh Tây Ban Nha bị hoen ố. Đảng Xã hội đối lập yêu cầu Rajoy từ chức và tổ chức bầu cử sớm, nhưng chính phe Xã hội cũng không thể gầy dựng đảng kể từ khi thất cử vào tháng 11.2011,

Nước Pháp, không vẽ nên một bức tranh tươi đẹp hơn, do những scandal đều đặn xảy ra ở những lĩnh vực khác nhau và ở những mức độ khác nhau, tấn công cả cánh tả và hữu. Bộ trưởng Ngân sách Jerome Cahuzac từ chức hồi tháng 3 sau khi bị phát hiện là giấu một tài khoản nửa triệu euro ở ngân hàng Thụy Sĩ. Scandal này tạo một chấn động chính trị làm chính phủ Xã hội Pháp bối rối, khi ưu tiên của chính phủ trong cắt giảm nợ công là chống trốn thuế. Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị Ủy ban Hiến pháp vô hiệu hóa tài khoản tranh cử do không tuân theo những hạn mức chi phí tranh cử - mà lẽ ra ông phải là người bảo vệ.

Bulgaria, 7 triệu dân và gia nhập EU từ 2007, nằm xa tít ở một trong những đường biên giới phía đông EU, có vẻ không đủ quan trọng để mọi người quan tâm đến số phận của nó. Một khủng hoảng chính trị bắt đầu do vật giá tăng và lan sang những cáo buộc là lợi ích tư nhân kiểm soát cơ quan nhà nước. Hơn 10.000 người chủ yếu là trí thức đã tuần hành hàng ngày ở Sofia, thủ đô Bulgaria, trong suốt 40 ngày, để yêu cầu chính phủ từ chức. Ngày 23/7, hơn 100 nhà làm luật, bộ trưởng và phóng viên Bulgaria bị người biểu tình chống tham nhũng bao vây cả đêm bên trong quốc hội, cho đến khi cảnh sát giải tán đám đông rạng sáng hôm sau.

Tình hình Romania cũng đang được đánh giá. Hàng loạt cuộc biểu tình xã hội diễn ra vì những lý do liên quan lương bổng, điều kiện làm việc, kế hoạch giãn thợ … trong suốt nửa năm đầu 2013, đòi chính phủ từ chức vì thiếu năng lực và không tôn trọng những hứa hẹn khi bầu cử quốc hội 2012.

Và ở Hungary, những cải cách hiến pháp được chính phủ Viktor Orban đề xuất đã bị Ủy ban châu Âu chỉ trích không chỉ một lần và là chủ đề tranh cãi thường xuyên ở Quốc hội châu Âu.

Vào tháng 5, một cuộc khảo sát ý kiến của cơ quan nghiên cứu truyền thông Ipsos với 6.198 người châu Âu tham gia đem lại những con số báo động. Đối với câu hỏi là “ai đang xây dựng giải pháp đối phó khủng hoảng”, câu trả lời là “chính phủ” chỉ được đưa ra bởi 21% người Pháp, 19% ở Tây Ban Nha, và 15% ở Ý – so với 45% ở Đức. Nếu bầu không khí chính trị độc hại này tiếp tục, người ta lo ngại rằng tỉ lệ ủng hộ chủ nghĩa dân túy sẽ tăng vọt trong các cuộc trưng cầu ý kiến vào tháng 5.2014.

Cần pháp quyền EU

Chính vấn đề ở trung tâm những vụ biểu tình mới là cái mà người dân châu Âu lo ngại. Đó là một vấn đề cơ bản của EU và các giá trị dân chủ: pháp quyền (rule of law) và sự tôn trọng pháp quyền của những thế lực thiết lập ra nó.

Ở Bulgaria, như tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung chỉ ra, “những nhóm chủ yếu từ giới chức lãnh đạo cũ và cơ quan tình báo đã chiếm đoạt phần lớn các thể chế nhà nước để theo đuổi lợi ích kinh doanh của họ trong một khu vực xám, nơi chồng chéo giữa chính trị, kinh doanh và tội phạm có tổ chức.” EU biết điều đó, nhưng ngoài việc cắt trợ cấp, EU không có hành động nghiêm túc nào buộc giới chức Bulgaria thực hiện những cam kết khi nước này gia nhập đồng tiền chung.

Làm sao tránh lạm dụng tiến bộ và thật sự bảo vệ sự tôn trọng pháp quyền ở châu Âu? Thành lập một cơ chế giám sát độc lập theo đề xuất của đảng cực hữu MEP ở Hungary là một bước đầu. Ý tưởng “tranh luận nhiều hơn, vượt ra khỏi những vấn đề thuần túy kinh tế, về cách để các nước thành viên tuân thủ pháp quyền và bảo đảm tôn trọng những quyền cơ bản” hiện đang được Ủy ban châu Âu nghiên cứu, là một bước khác. Cho dù lúc bắt đầu khủng hoảng, các nước thành viên đã thỏa thuận các biện pháp cứng rắn nếu không tuân theo các tiêu chuẩn kinh tế, nhưng họ lại rụt rè khi nói đến đánh giá và trừng phạt những trường hợp không tôn trọng pháp quyền.

Liệu EU có thể áp đặt các biện pháp và hình thức trừng phạt để hướng dẫn tổ chức chính trị và thể chế trong các nước thành viên? Với tâm trạng hiện nay là thách thức tính thống nhất “Brussels”, sự vi phạm chủ quyền các nước sẽ là một bước nguy hiểm. Nhưng chính sự chấp nhận vi phạm các giá trị dân chủ cũng thúc đẩy việc bác bỏ EU, và trong trường hợp Bulgaria và Romania, là bác bỏ các nước thành viên mới, cho dù đã gia nhập hay vẫn là ứng viên. Giám sát của EU là một con đường rất hẹp, nhưng một ngày nào đó rất có thể cần phải bước trên con đường này.

Võ Phương (PRESSEUROP, REUTERS)

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/quoc-te/182117/nhung-ngay-den-toi-cua-chinh-truong-chau-au.html