Những ngày nắng nghĩ về một Đà Nẵng mát xanh

Dân Hùng

(Cadn.com.vn) - Dù chưa có bình chọn hay thi thố gì thì khách quan mà nói, Đà Nẵng vẫn hội đủ những yếu tố để có thể gọi tên là một “thành phố xanh”. Đó là màu xanh của biển, của rừng, của sông, của ruộng đồng và của cỏ cây hoa lá trong lòng phố phường. Sự đa dạng của màu xanh của Đà Nẵng làm cho ta cảm nhận được một sự “tươi xanh” trong và ngoài đô thị mà không phải địa phương nào cũng có được. Tuy nhiên, những mảng xanh hiện nay của Đà Nẵng, dù có thể hiện dưới nhiều sắc thái khác nhau nhưng vẫn chưa tạo ra được cái màu xanh mang tính bền vững của một đô thị hiện đại. Trong bối cảnh những ngày hè nắng nóng rất đặc trưng của miền Trung này, đi trên những con đường Đà Nẵng có cảm nhận rằng, cái gay gắt của nắng hè vẫn chưa được làm dịu hết do còn thiếu cảnh quan của hồ nước của các công viên, các lối đi bộ, đi dạo dọc theo những hàng cây trong những vườn dạo, tiểu cảnh và nhất là những điểm, đài phun nước trong thành phố.

Trước hết nói về đài phun nước. Đà Nẵng đã đang trong thời điểm của những ngày hè nắng nóng, bóng mát của cây xanh là rất cần cho mọi người, không những để tranh thủ trú nắng mà còn làm dịu mát bầu không khí. Tuy vậy, như thế vẫn chưa đủ. Có một thứ làm mát nữa, ở Đà Nẵng tuy chưa nhiều nhưng cũng nên phát huy tính năng của nó, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng như hiện nay. Đó là các đài, bể phun nước. Hiện Đà Nẵng có 3 điểm có thể phun nước để làm “dịu mát” không khí, đó là trước Trung tâm Hành chính thành phố, vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương và Ngã ba Quang Trung - Ông Ích Khiêm. Một thành phố hiện đại nên có những đài phun nước để phun chứ không nên chỉ để... làm cảnh hay chỉ phun vào mỗi dịp lễ. Nếu phát huy các đài phun nước hiện có và xây dựng thêm các điểm phun nước mới, với thời gian phun có thể từ 6 giờ sáng đến 22 giờ mỗi ngày. sẽ tạo nên những điểm nhấn góp phần tạo cảm giác thích thú cho mọi người khi vui chơi giải trí, bất kể thời tiết có nắng nóng. Đặc biệt, hệ thống phun nước nếu được gắn với hệ thống đèn âm nước, tạo nên vẻ đẹp lung linh khi về đêm. Đây chính là “thiên đường lý tưởng” cho các cặp tình nhân hẹn hò, các cặp uyên ương chụp hình cưới lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời. Đây cũng là nơi các bạn trẻ tụ họp gặp gỡ, sinh hoạt câu lạc bộ; là nơi các cụ già ra thư giãn dạo bộ...

Màu xanh ở tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng).

Một điểm “xanh- mát” khác nên quan tâm đầu tư là những “công viên mini”, vườn dạo mà Đà Nẵng hiện còn rất thiếu. Đất để làm các công trình đó, nên chăng khai thác tối đa diện tích đất mồ mả mà thời gian qua đã được thành phố giải tỏa di dời đi, nằm rải rác ở các quận, đặc biệt là Hải Châu và Thanh Khê, có diện tích từ vài chục đến vài trăm mét vuông. Có thể là hình dạng không vuông vức nhưng để cải tạo thành những công viên, vườn dạo là rất nên quan tâm, thay vì chỉ để ghép thửa cho nhà dân nào đó gần kề. Những chiếc ghế đá dưới tán cây xanh, vài thiết bị luyện tập thể thao đơn giản bên những khóm hoa hay một đài phun nước nho nhỏ xuất hiện trong khu dân cư, sẽ tạo điều kiện cho mọi tầng lớn nhân dân, nhất là người già và trẻ em có nơi nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, góp phần tăng thêm bầu không khí trong lành, tạo không gian xanh và sự dịu mát, đặc biệt là trong những ngày hè.

Triển khai công việc này sẽ do Viện Quy hoạch xây dựng, phối hợp với Công ty Công viên- Cây xanh thiết kế quy hoạch chi tiết, trong đó chỉ định cụ thể vị trí, chủng loại cây xanh. Ưu tiên cho các khu đất nằm ở khu dân cư có mật độ dân số từ cao đến thấp. Sau khi quy hoạch chi tiết được duyệt, UBND các quận sẽ có trách nhiệm chỉ đạo UBND các phường và Tổ dân phố liên quan công bố quy hoạch và vận động nhân dân tại khu vực, các nhà tài trợ, tổ chức việc trồng cây đúng chủng loại, đúng vị trí thiết kế quy hoạch theo hình thức xã hội hóa như vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí mua cây theo đúng loại yêu cầu, tiền nhiều thì mua cây to, tiền ít thì mua cây bé hơn và tổ chức trồng. Công ty Công viên - Cây xanh có trách nhiệm công bố các địa chỉ cung ứng cây xanh đạt yêu cầu và hướng dẫn kỹ thuật trồng, đề xuất giải pháp về quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây xanh sau khi trồng đối với từng khu cây xanh, vườn dạo. UBND thành phố sẽ xem xét đầu tư các hạng mục còn lại như đường dạo, đèn chiếu sáng trang trí, thiết bị... theo từng trường hợp cụ thể. Việc chăm sóc, quản lý các công viên vườn dạo này sau khi hình thành, sẽ giao cho Tổ dân phố tại địa bàn là phù hợp nhất.

Để có một Đà Nẵng xanh sạch, tươi mát nên quan tâm từ những vấn đề cụ thể, dễ thực hiện như vậy. Những khuôn viên xanh - mát lớn nhỏ, được kết nối nhịp nhàng với nhau sẽ mang đến một hình ảnh thiên nhiên hài hòa và gần gũi. Đó cũng là yếu tố quan trọng làm cho Đà Nẵng phát triển bền vững, trở thành một thành phố vừa hiện đại lại rất gần gũi với thiên nhiên.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_151202_nhu-ng-nga-y-na-ng-nghi-ve-mo-t-da-na-ng-ma-t-xanh.aspx