Những ngôi chùa cổ linh thiêng nổi tiếng tại Nam Định

Mảnh đất Thành Nam - vùng đất 'địa linh nhân kiệt' nơi có truyền thống hiếu học, khoa bảng, giàu truyền thống văn hiến. Cũng là nơi phát tích triều đại nhà Trần, một triều đại hưng thịnh bậc nhất Việt Nam gắn với nhiều sự kiện lịch sử dân tộc. Có lẽ bởi vậy, nơi đây cũng trở thành mảnh đất tâm linh nổi tiếng với nhiều ngôi chùa cổ linh thiêng cổ kính có bề dày lịch sử hàng nghìn năm.

Mục lục bài viết

1.Chùa Cả – Thánh Ân Nam Định
2.Chùa Vọng Cung – thành phố Nam Định
3.Chùa Cổ Lễ

Sự kiện lịch sử chùa Cổ Lễ: 27 nhà sư cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận

4.Chùa Đại Bi

Chùa Lương

Cầu Ngói chùa Lương- cây cầu 500 năm tuổi

Mảnh đất Thành Nam – vùng đất “địa linh nhân kiệt” nơi có truyền thống hiếu học, khoa bảng, giàu truyền thống văn hiến. Cũng là nơi phát tích triều đại nhà Trần, một triều đại hưng thịnh bậc nhất Việt Nam gắn với nhiều sự kiện lịch sử dân tộc. Có lẽ bởi vậy, nơi đây cũng trở thành mảnh đất tâm linh nổi tiếng với nhiều ngôi chùa cổ linh thiêng cổ kính có bề dày lịch sử hàng nghìn năm.

1.Chùa Cả – Thánh Ân Nam Định

Chùa Cả – Nam Định

Chùa Cả tọa lạc tại phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Ngôi chùa nằm cạnh đình làng Vị Hoàng, tạo nên một quần thể kiến trúc văn hóa – lịch sử độc đáo. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Theo các nguồn sử liệu, chùa Cả được xây dựng từ thời Trần. Ban đầu, chùa được xây dựng tại Bến Ngự, là nơi tu hành của các hoàng phi, công chúa thời Trần. Đến thời Mạc Đăng Chính (1530-1539), nước sông Vị Hoàng dâng cao, bờ sông bị xói lở, người dân họ Trần ở đất Vị Hoàng đã chuyển chùa về vị trí hiện tại.

Kiến trúc chùa Cả được xây dựng theo kiểu chữ Đinh. Chính điện thờ Phật, bên phải là đền thờ thần Tản Viên, bên trái là đền thờ Cao Mang Đại vương – một vị tướng dưới trướng của Linh từ Quốc mẫu thời Trần. Chùa đã được trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính. Điện Phật được bài trí trang nghiêm với nhiều tượng cổ và cổ vật có giá trị.

Điện thờ Phật được thiết kế rộng rãi, thoáng mát, với những bức tượng Phật uy nghiêm, tỏa ra năng lượng an lạc. Chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ, trong đó có tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít, tượng Bồ Tát Quán Thế Âm bằng đồng, tượng Thập Bát La Hán bằng đất nung. Những pho tượng này không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Hàng năm, lễ hội chùa Cả được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng để tưởng nhớ công đức của các vị tiền bối đã xây dựng và gìn giữ chùa. Lễ hội có nhiều nghi lễ trang trọng, cùng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như múa lân, hát chèo.

2.Chùa Vọng Cung – thành phố Nam Định

Nằm giữa phố phường sầm uất của thành phố Nam Định, chùa Vọng Cung (tên gọi ban đầu là chùa Hành Cung) được xây dựng từ thời Gia Long (1802 – 1820), công trình được xây cất để đón tiếp vua và các quan đi kinh lý. Từ giữa thế kỷ trước, chùa là nơi mở lớp Phật học nên mang nét riêng đặc biệt giống một trường học Phật giáo với chính điện có sức chứa hàng trăm người.

Chùa Vọng Cung có khuôn viên rộng gần 3.000 m2, nằm ngay mặt phố nên thu hút đông đảo Phật tử cùng bà con trong vùng đến chiêm bái Phật, thắp hương. Kiến trúc ngôi chùa cũng đặc biệt với các tòa nhà hai tầng ngang dọc với thiết kế mái chồng diêm, đầu đao cong vút tuy là hành cung nhưng mang nét dáng những cổ tự vùng Bắc Bộ.

Năm 1950, nhà sư nổi tiếng Thích Tâm Tri, pháp danh Tuệ Lạng, từ chùa Quán Sứ (Hà Nội) về Nam Định mở lớp Phật học, xin được tu tạo hành cung xưa thành ngôi chùa. Từ năm 1983 – 1986, Hòa Thượng trụ trì Thích Thuận Đức đã tổ chức xây dựng lại ngôi chùa quy mô như ngày nay. Nơi đây ngoài thờ tự Phật giáo còn là một trung tâm đào tạo tăng ni của tỉnh Nam Định.

Năm 1860, đình Vọng Cung trở thành nơi lễ xuất quân của nghĩa binh Phạm Văn Nghị trong cuộc chiến chống Pháp. Năm 1947, thực dân Pháp phá hủy chùa Vọng Cung vì đây là nơi tập kết của dân quân du kích.

Năm 1950, nhà sư Thích Tâm Tri từ chùa Quán Sứ về Nam Định và xin tu tạo hành cung xưa thành ngôi chùa. Năm 1951, chùa Vọng Cung được xây dựng lại, trở thành nơi thờ Phật và tu hành của tăng ni Phật tử.

Chùa Vọng Cung nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa nét cổ kính và hiện đại. Cổng vào chùa gồm một cổng chính (tam quan) và hai cổng phụ (tả, hữu). Bước qua cổng sẽ gặp một khoảng sân rộng, bày nhiều cây bon sai tạo không gian thoáng mát.

Tầng dưới chùa là nhà tổ, nhà khách, nhà lưu niệm, nhà giảng kinh rộng rãi. Bên trái là năm ngôi bảo tháp, được xây dựng làm nơi yên nghỉ của các nhà sư trụ trì có công xây dựng chùa. Ở tầng dưới còn có một cầu thang nhỏ hình xoắn ốc, dẫn lên nơi đặt quả chuông lớn.

Ở giữa là hai cầu thang hình cánh cung dẫn lên chùa chính. Chùa chính có năm gian, một lối xây dựng độc đáo chẳng gặp ở bất cứ chùa nào trên đất nước. Mái chồng diêm, đầu đao cong vút với những thiết kế chạm khắc tuy đơn giản nhưng tinh xảo, tỉ mỉ thể hiện dấu ấn kiến trúc thế kỉ XIX.

Hai bức cửa võng ở hậu cung, viền chạm trổ đôi rồng chầu mặt nguyệt, trong chạm mai – điểu với bố cục lạ mắt mà hài hòa. Những gian thờ ở đây cũng được bày trí gọn gàng với không gian rộng để Phật tử dễ vào lễ bái. Tượng thờ đều được sơn son thếp vàng với nhiều bức tượng đẹp như Thích Ca, Phổ Hiền, Văn Thù, A Nan, Ca Diếp, Cửu Long.

Chùa Vọng Cung

3.Chùa Cổ Lễ

Chùa Cổ Lễ là một quần thể kiến trúc đạo Phật và tín ngưỡng Việt Nam ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Chùa Cổ Lễ được xây dựng thời Lý Thần Tông, do quốc sư Nguyễn Minh Không sáng lập để thờ Phật.

Năm 1902, sư Phạm Quang Tuyên về trụ trì, cho thiết kế và xây dựng lại chùa theo kiến trúc “Nhất Thốc Lâu đài” với những yếu tố kiến trúc gô-tích giống như các nhà thờ Công giáo có khá nhiều ở khu vực lân cận. Sau đó, chùa đã được trùng tu nhiều lần.

Vật liệu xây dựng là gạch, vôi vữa, mật mía, giấy bản tạo nên độ cố kết vững bền của toàn bộ kiến trúc ngôi chùa. Chùa Cổ Lễ là sự hòa nhập các yếu tố kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố kiến trúc gô-tích (Gothic) của châu Âu. Đây là một ngôi chùa thờ Phật nhưng lại mang dáng dấp một thánh đường Thiên Chúa giáo.

Trước chùa là ngôi tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao cao 32 m, có 8 mặt, dựng năm 1927. Đế tháp được đặt trên lưng một con rùa lớn, đầu quay vào phía chùa. Con rùa được nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả khá lớn, có đắp bốn con voi to bằng voi thật. Trong lòng tháp có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh. Tương truyền rằng tín đồ phật tử, khách hành hương lên đến bậc thứ 98 này, sờ tay vào bức tượng trên đỉnh tháp thì cuộc sống sẽ luôn gặp may mắn.

Tiếp theo ngôi tháp là một chiếc cầu cong ba nhịp bắc qua hồ Chu Tích (còn gọi là hồ Núi), gọi là cầu Cuốn. Mặt cầu lát gạch. Cầu Cuốn dẫn tới chùa Trình, còn gọi là Phật giáo Hội quán. Chùa Trình được xây vào năm 1936 và trùng tu vào năm 2001. Trong chùa có tượng Phật Quan Âm nghìn tay. Trước sân chùa Trình có 2 lư đồng khổng lồ.

Bên trái chùa Trình là đền Linh Quang Từ, được xây vào năm 1937, thờ Trần Hưng Đạo và hai tiến sĩ họ Đào người làng Cổ Lễ là Bảng nhãn Đào Sư Mỗ và Tiến sĩ đệ tam giáp Đào Toàn Mỗ. Bên phải chùa Trình là Khánh Quang phủ, được xây vào năm 1937, là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.

Sau lưng chùa Trình là một cái hồ lớn. Giữa hồ có một quả chuông nặng 9000 kg gọi là chuông Đại Hồng Chung. Quả chuông cao 4,2 m, đường kính 2,2 m, thành dày 8 cm. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho.

Quả chuông này chưa được đánh một lần nào nhưng dân gian truyền miệng khi đánh lên thì cả tỉnh và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng ngân của chiếc chuông Đại hồng chung này. Đây là một trong những quả chuông lớn nhất ở Việt Nam.

Nhân dân quanh vùng vì yêu mến chùa mà đúc tặng. Trong quá trình đúc chuông, nhiều người đã tháo cả nhẫn, vòng, vàng hòa tan trong đó. Khi quả chuông vừa đúc xong thì kháng chiến bùng nổ, nhân dân trong vùng đề phòng sự phá hoại của giặc nên đã đem ngâm quả chuông xuống hồ. Đến năm 1954, chuông mới được trục vớt và được đặt trên bệ đá cho du khách tham quan từ đó đến nay.

Trong chùa có tượng Phật sơn son thếp vàng bằng gỗ bạch đàn cao 4 m đặt ở trên tầng cao phải đi theo những cầu thang nhiều bậc ở hai bên mới lên đến chỗ đặt các tượng Phật. Sau lưng tượng Phật là bàn thờ với tượng Nguyễn Minh Không. Từ điện Phật, có các hành lang quanh ra phía sau nối với nhà khách và nhà tổ. Vách hành lang gắn đầy những tấm bia hậu. Ở nhà tổ có tượng Hòa thượng Phạm Quang Tuyên.

Sau nhà thờ tổ là một gác chuông lớn có kiến trúc truyền thống gồm 3 tầng 4 mặt, gọi là Kim Chung Bảo Các. Gác chuông này cao 13m40, được xây dựng vào năm 1997. Tầng 2 của gác chuông này có treo một quả chuông đồng to, cao 4m20, rộng 2m03, nặng 9.000 kg. Chuông được đúc vào năm 2003. Tầng 3 có treo một quả chuông đồng nữa đúc từ thời Lê Cảnh Thịnh, nặng 300 kg. Sau gác chuông là khu lăng mộ tổ của chùa.

Nhờ lối kết hợp tinh hoa kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố của phong cách kiến trúc phương Tây, chùa Cổ Lễ đã trở thành một danh lam ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Sự kiện lịch sử chùa Cổ Lễ: 27 nhà sư cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận

Ngày 27/2/1047, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Hòa thượng Thích Thế Long đã chủ trì buổi mít tinh trọng thể làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư “cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận” để bảo vệ quê hương. 27 nhà sư này là những người yêu nước đến từ nhiều địa phương trong tỉnh Nam Định. Song, trong số này cũng có người đến từ Nghệ An, Hải Phòng, Ninh Bình. Hôm đó, tại buổi lễ Cởi áo cà sa, chư ni Thích Đàm Nhung xúc động đọc lời phát nguyện:

“Cởi áo cà sa khoác chiến bào
Việc quân đâu có quản gian lao
Gậy thiền quét sạch loài xâm lược
Theo gót Trưng Vương tỏ nữ hào”.

Ngay sau đó,27 nhà sư đã “cởi áo cà sa”, chính thức lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Theo lịch sử để lại, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các nhà sư đã lập nên nhiều chiến tích; tuy nhiên có 12 nhà sư đã hy sinh tại các mặt trận chiến trường. Các nhà sư còn lại, sau khi xong nhiệm vụ cứu nước, có người tiếp tục ở lại quân ngũ giữ nhiều chức vụ cao, có người lại trở về cửa thiền tu hành, giữ nhiều trọng trách quan trọng khác trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đây là một kì tích, dấu ấn hết sức đặc biệt của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo tỉnh Nam Định, chùa Cổ Lễ nói riêng. Phải nói rằng, sự kiện 12 nhà sư hy sinh nơi chiến trường đã trở thành 1 sự kiện quan trọng, đầy tự hào trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Năm 1999, để tưởng nhớ công ơn của những nhà sư đã anh dũng hy sinh bảo vệ đất nước, nhà chùa cùng một nhóm ni sư đã xây dựng một vườn tượng trong khuôn viên chùa.

4.Chùa Đại Bi

Chùa Đại Bi (ở thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) là một trong những danh lam cổ tự nổi tiếng của xứ Sơn Nam xưa vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính thời Hậu Lê và thời Nguyễn (thế kỷ 17 – 19). Chùa Đại Bi là một trong những danh lam cổ tự nổi tiếng của xứ Sơn Nam xưa.

Đây là một di tích hiếm hoi ở vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng thờ Đức Thánh Từ Đạo Hạnh. Với lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chùa Đại Bi có tới 60 gian phần lớn làm bằng gỗ lim. Toàn bộ di tích được bố cục cân đối chắc khỏe.

Chùa gồm các thành phần kiến trúc: tam quan, chùa chính, hai dãy hành lang, gác chuông, nhà Tổ. Toàn bộ công trình được bố cục cân đối, hài hòa. Bên cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, chùa Đại Bi còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật rất có giá trị.

Đáng chú ý nhất là 10 tấm bia và 10 đạo sắc phong thần, trong đó tấm bia cổ nhất khắc vào đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị 4 (1679), đạo sắc sớm nhất vào ngày 8.8 niên hiệu Cảnh Hưng 28 (1767).

Chùa Lương

Chùa Lương (hay còn gọi là chùa Trăm gian) có tên chữ là Phúc Lâm Tự, được xây dựng vào cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16. Sử sách ghi lại rằng, khi việc quai đê lấn biển đã giành nhiều kết quả, đời sống dân cư dần ổn định, 4 ông tổ cùng các dòng họ dồn sức chăm lo đời sống tinh thần bằng việc xây dựng đền, chùa, bắc cầu, mở chợ.

Chùa Lương lúc đầu có quy mô nhỏ, trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng, đặc biệt là những lần trùng tu lớn vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Hiện nay, chùa có quy mô khá lớn, gồm 100 gian, mang phong cách kiến trúc của nhiều thời đại, nhưng rõ nét vẫn là phong cách của thế kỷ 17 và 18. Phía trước chùa là khuôn viên hồ sen, rộng hàng ngàn mẫu. Khuôn viên chùa Lương được chia làm hai khu vực gắn bó chặt chẽ với nhau.

Khu thứ nhất có 49 gian, là nơi tập trung những công trình quan trọng nhất của ngôi chùa bao gồm: Tiền đường, tam bảo, gác chuông, hậu đường và hai dãy hành lang Đông – Tây được liên kết lại theo lối giao mái, bắt vần, tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hòa. Đặc biệt, tiền đường có 5 gian được thiết kế không vươn theo trục dọc mà phát triển theo trục ngang, nên có dáng thấp với mái ngói uốn cong mềm mại. Đây là nơi thể hiện đậm nét nhất lối kiến trúc thời hậu Lê.

Khu thứ hai cũng có 49 gian bao gồm nhà tổ “Quan âm các”, nhà khách, tăng phòng, nhà trọ, nhà bếp, cũng xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ truyền. Phía Bắc chùa có hàng chục tháp mộ, gắn với tổng thể kiến trúc của ngôi chùa. Đặc biệt, phía trước ngôi chùa có một giếng nước cũng được xây dựng hết sức công phu, độc đáo. Thành giếng được tạo thành bằng những chiếc cối đá xếp vòng tròn chồng từng lớp lên nhau. Nguồn nước ngọt mát, trong vắt.

Tổng thể kiến trúc chùa Lương ở khu vực chính đã thể hiện trình độ điêu luyện, khiếu thẩm mỹ tinh tế của những nghệ nhân dân gian. Nổi bật nhất là các vì của tòa tiền đường được chạm khắc mang hình dáng con rồng với nhiều tư thế khác nhau như: Rồng chầu mặt nguyệt, rồng cuốn thủy, rồng vuốt râu, rồng ngậm ngọc, rồng cùng ngựa, chim, cá vui đùa.

Hai dãy hành lang Đông – Tây là nơi lưu giữ gần 40 bia văn bia, chia làm hai khối: “Bia vuông tạc tượng, bia tròn ghi công”. Nội dung văn bia phong phú, ghi lại công lao khai sáng ra ngôi chùa của 4 ông tổ cũng như số lần trùng tu, nâng cấp, công sức đóng góp xây dựng chùa của các thế hệ sư trụ trì.

Cầu Ngói chùa Lương- cây cầu 500 năm tuổi

Cầu Ngói – di tích đặc biệt

Cầu Ngói chùa Lương được thiết kế theo lối kiến trúc “Thượng gia hạ kiều” (trên nhà dưới cầu) là một trong những công trình nghệ thuật độc đáo, qua thời gian vẫn giữ được nét cổ xưa và là một trong ba cây cầu ngói đẹp nhất Việt Nam hiện nay.

Cầu bắc qua con sông Hoành chảy dọc xã Hải Anh, cách chùa Lương khoảng 150m. Cây cầu được xây dựng với 40 cột tròn xếp thành 6 hàng cột để gánh 6 vì, đỡ 9 gian nhà trên cầu. Dãy hành lang hai bên cầu là những tấm phản dài làm bằng gỗ lim. Với lối kiến trúc dân gian cổ xưa, nhìn từ xa, cây cầu uốn cong tựa như cầu vồng.

Cầu Ngói được đặt trên 18 chiếc trụ đá rất chắc chắn. Mỗi trụ đá cao khoảng 4-5m, phần chân chôn sâu xuống lòng sông, bên trên ăn khớp với thân cầu. Vòm nhà cầu được làm bằng gỗ lim vững chãi, hệ thống xà ngang, xà dọc to, chắc, nâng đỡ các rầm, sàn. Với trình độ gia công tỉ mỉ, khéo léo của người xưa, hệ thống cột, kèo thượng lương, hoành rui, xà máng đều được bào bóng, sàn cầu là những tấm ván gỗ dài chắc chắn.

Trải qua gần 500 năm, cây cầu vẫn giữ được sự chắc chắn, trường tồn. Những nét chạm khắc trên cầu tuy đơn giản, song vẫn thể hiện được hài hòa lối kiến trúc cổ truyền của cha ông xưa. Hệ thống mái nhà cầu được lợp bằng ngói vảy rồng, có hình mũi hài âm dương, nhìn từ xa sẽ thấy tựa hình con rồng đang vươn mình bay lên. Chính sự mềm mại, uyển chuyển trong lối kiến trúc đã tạo cho cầu ngói chùa Lương sự tinh tế, khác biệt so với những cây cầu ở các nơi khác.

Ngoài giá trị về nghệ thuật kiến trúc, cầu Ngói – chùa Lương còn được biết tới là cái nôi cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm của quân và dân Hải Hậu. Do có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến, cả trong thời kỳ đổi mới, năm 1990, cụm di tích này đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Với những thông tin trên, quý phật tử thập phương đã có hiểu biết tường tận hơn về bề dày lịch sử chùa cổ kính tại Nam Định, giúp ích cho việc hành hương chiêm bái Phật được trọn vẹn. Những ngôi chùa này không chỉ linh thiêng mà còn sở hữu cảnh quan đẹp thiên nhiên, kiến trúc độc đáo trời Lý – Trần, và là chốn sinh hoạt văn hóa, cầu phúc của mọi người khi có dịp tới mảnh đất Thành Nam.

Tác giả: Ngọc Thắng (t/h)

Nguồn tham khảo:

Wikipedia

Báo điện tử Dân Việt

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/nhung-ngoi-chua-co-linh-thieng-noi-tieng-tai-nam-dinh.html