Những ngôi chùa độc đáo ở Bình Định

* Bài 1: Báu vật sân chùa

* Bài 1: Báu vật sân chùa

Nhiều ngôi chùa cổ ở Bình Định là những di tích văn hóa lịch sử quốc gia, mang giá trị kiến trúc độc đáo, được đông đảo du khách gần xa tới tham quan, chiêm ngưỡng. Không những thế, trong các ngôi chùa cổ này còn lưu giữ nhiều báu vật giá trị gắn với đời sống tín ngưỡng của người dân bản địa.

Kỳ bí những pho tượng cổ

Nhiều bức tượng cổ có giá trị văn hóa, lịch sử hiện vẫn được lưu giữ trong các ngôi chùa ở Bình Định, luôn được người dân coi như báu vật. Trong đó có bức tượng Bồ tát Quán Thế Âm ở chùa Hương Mai xã biển Nhơn Hải- TP Quy Nhơn. Trong tín ngưỡng của người dân địa phương, bức tượng giống như bùa hộ mệnh che chở họ trước thiên tai trong mỗi chuyến biển của dân làng chài. Theo lời kể của những người cao niên, bức tượng vốn dĩ là một phiến đá, được ngư dân làng chài vớt được. Thấy phiến đá rất giống hình một pho tượng nên người làng thuê thợ đắp thêm xi-măng, tạo dáng tượng Phật. Điều kỳ lạ là bao nhiêu xi-măng đắp lên đều trôi tuột, chỉ đến khi tạo tượng Bồ tát Quán Thế Âm thì mới thành công. Từ đó, dân làng lập chùa thờ tượng, việc đi biển của người làng chài thuận buồm xuôi gió, làm ăn khấm khá. Dân làng tin rằng đã được tượng Bồ tát bảo bọc, che chở và coi bức tượng là báu vật vô giá, ra sức gìn giữ. Người dân xã Nhơn Hải thường kể nhiều chuyện về pho tượng cổ bằng đá mà dân gian quen gọi là tượng Phật Lồi. Pho tượng có hình dáng một vị tu sĩ trong tư thế ngồi thiền, tay trái đặt lên đùi, tay phải cầm tràng hạt, sau lưng có 12 dòng chữ Chăm cổ, mãi thời gian gần đây mới được giải mã. Về nguồn gốc của tượng được cố nhà thơ Quách Tấn ghi chép trong sách "Nước non Bình Định" như sau: "Dưới chân Hòn Mai có một bàu nước ngọt khá rộng và một ngôi chùa cổ. Chùa thờ một tượng Phật bằng đá xanh cao lớn bằng hình người. Phía sau lưng tượng có một hàng chữ bùa. Tượng này được người địa phương tìm thấy ở dưới mé bàu. Truyền rằng xưa kia tượng ở tận ngoài Lao Xanh (nay là xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn), một hôm tự nhiên biến mất. Người dân tìm mãi không thấy, sau nghe người ở Phương Mai được tượng Phật bèn tới nhìn thấy quả là tượng Phật của mình mới đòi lại. Nhưng hàng trăm người xúm khiêng mà dỡ lên không nổi, đành phải cúng lại cho người Phương Mai".

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm ở chùa Hương Mai.

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm ở chùa Hương Mai.

Cách đó không xa, tại chùa Phước Sa ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn cũng lưu giữ pho tượng Bồ tát bằng đồng rất quý. Theo lời các vị cao niên, vào khoảng năm 1919, một đêm, ông Võ Bích đi bắt còng trên triền dốc Cát Trắng bỗng thấy ánh hào quang phát ra, tới gần phát hiện một tượng Phật trồi lên khỏi mặt cát. Tượng được dân làng đem về thờ, từ đó họ ăn nên làm ra. Năm 1921, tượng bị mất trộm nhưng sau đó dân làng tìm lại được. Một năm sau, chùa Phước Sa được dựng, bức tượng đã được đưa về thờ. Năm 1978, thêm lần nữa tượng lại bị trộm nhưng cũng được tìm lại. Các nhà nghiên cứu ở Bình Định cho rằng pho tượng này có thể là tượng của người Chămpa để lại, rất có giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử.

Những pho tượng được coi là báu vật trong nhiều ngôi chùa ở Bình Định mang giá trị lớn chưa hẳn vì được làm bằng chất liệu quí giá, mà quan trọng hơn là giá trị văn hóa, lịch sử chứa đựng trong đó. Chính những báu vật vô giá ấy đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tín ngưỡng, giúp người dân có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp, chân thiện ở đời mà hướng theo.

Độc đáo chùa cổ Thập Tháp

Có từ hơn 300 năm trước, chùa Thập Tháp ở TX An Nhơn là một trong những ngôi chùa cổ nhất Bình Định với quần thể kiến trúc độc đáo. Từ năm 1990, chùa đã được công nhận là Di tích Quốc gia. Vào tháng Giêng mùa lễ hội, đông đảo du khách thập phương đến viếng chùa. Đưa chúng tôi tham quan khuôn viên chùa, Đại đức Thích Nhật Hỷ (trú trì chùa Thập Tháp) kể, khoảng hơn 300 năm trước chùa Thập Tháp đã được thiền sư Nguyễn Thiều (1648-1728) kiến tạo nên. Lúc đầu, chùa được xây dựng trên nền đất của 10 ngôi tháp bị đổ, gạch của những ngôi tháp đổ được dùng để xây chùa. Trải qua hàng trăm năm với nhiều đời trụ trì, ngôi chùa không ngừng được kiến tạo, mở mang thêm. Đồng thời, nhiều công trình kiến trúc có giá trị trong chùa cũng luôn được các trụ trì chú trọng trùng tu, gìn giữ tới ngày nay.

Đại đức Thích Nhật Hỷ cho biết, một trong số các công trình kiến trúc nổi bật của chùa là Ngôi chánh điện do Thiền sư Thiệt Kiến Liễu Triệt cho trùng kiến vào năm 1749, nhà Phương trượng do Quốc sư Phước Huệ xây vào năm 1924. Thời Hòa thượng Minh Lý trụ trì chùa Thập Tháp (1871-1889) cũng đã tạo lập rất nhiều tượng Phật đến nay vẫn còn như tượng Tam thế Phật, Chuẩn đề, Ca Diếp, A Nan, tượng Thập bát La Hán, tượng Thập điện Minh Vương, Hộ pháp, Tổ sư Đạt Ma... Bên cạnh đó chùa cũng sở hữu quần thể khoảng 20 tháp mộ của các đời trụ trì và một tháp Hội đồng với kiến trúc độc đáo. Nguồn tích của tháp Hội đồng được Đại đức Thích Nhật Hỷ cho biết, vào năm 1876, trong lúc khai khẩn vùng đất hoang sau chùa phát hiện nhiều hài cốt của lính Tây Sơn và nhà Nguyễn chết trong trận chiến ở thành Hoàng Đế, Hòa thượng Minh Lý trụ trì chùa lúc đó đã cho gom lại, xây một tháp để thờ cúng, gọi là tháp Hội đồng.

Đại đức Thích Nhật Hỷ kể về nguồn tích Tháp Trắng.

Ngoài ra, trong quần thể tháp mộ của các đời trụ trì, có một tháp đặc biệt, gọi là Tháp Trắng. Tháp mộ này là của Hòa thượng Thiệt Kiến Liễu Triệt, xưa kia vốn trụ trì chùa Thiên Mụ (Huế), được triệu về trụ trì chùa Thập Tháp sau khi sư phụ là Hòa thượng Minh Giác mất. Trong quần thể di tích tháp mộ độc đáo về kiến trúc còn có một tháp mộ khác cũng rất đặc trưng là tháp Bạch Hổ. Về nguồn gốc tháp Bạch Hổ được các nhà sư trong chùa lý giải, gắn liền với giai thoại từ thời Hòa thượng Liễu Triệt trụ trì chùa. Lúc đó, có một con Bạch Hổ thường quanh quẩn trong khuôn viên chùa, nhưng không làm hại ai. Một thời gian sau con Bạch Hổ chết, các sư trong chùa tìm thấy xương hổ phía khuôn viên sau chùa, Hòa thượng trụ trì chùa đã cho lập xây tháp mộ thờ đến nay...

Có nhiều giai thoại về chùa cổ Thập Tháp được truyền tụng trong dân gian địa phương, song, trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân Bình Định, ngôi chùa là điểm tựa tinh thần rất lớn. Hằng năm, mỗi dịp lễ, Tết người dân thập phương lại tìm về chùa Thập Tháp để thành kính cầu nguyện, với mong ước cuộc sống bình yên, an lành.

Hải Quỳnh
(còn nữa)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_159392_nhu-ng-ngoi-chu-a-do-c-da-o-o-bi-nh-di-nh.aspx