Những người bước qua lầm lỗi

Được sự giúp đỡ, động viên của các cấp chính quyền, nhiều người mãn án tù ở xã Quảng Phước (Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế) sau khi trở về địa phương đã nỗ lực vượt qua mặc cảm, khó khăn để vươn lên làm lại cuộc đời. Họ là những tấm gương điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù vừa được Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế biểu dương.

Giữa cái nắng chói chang đầu tháng 8, chúng tôi tìm về trang trại của anh Lê Đình Cầu (trú thôn Thủ Lễ 3, xã Quảng Phước). Nhìn khu trang trại với mô hình phát triển kinh tế VAC trên vùng cát rộng lớn 4ha mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm mới hiểu rõ ý chí vượt khó, nghị lực vươn lên của một người từng có quá khứ lầm lỗi.

Anh Cầu nhớ lại, vào một ngày giữa năm 2005, khi đang điều khiển xe máy chở trứng đi bán, do quá vội để kịp phiên chợ nên anh chạy lấn làn đường bên trái và không may gây ra vụ tai nạn giao thông khiến một người đi đường bị thương tích.

Sau vụ tai nạn này, anh bị cơ quan chức năng khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và sau đó bị TAND huyện Quảng Điền xử phạt 1 năm tù giam. Những ngày thi hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế, anh Cầu được các cán bộ Trại tạm giam giúp đỡ, động viên rất nhiều để cải tạo tốt.

“Ngày mãn án tù trở về địa phương, nhiều đêm tôi trăn trở, suy nghĩ không biết mình phải bắt đầu từ đâu, phải làm gì để kiếm tiền nuôi vợ con, bên cạnh đó là cảm giác tự ti, kì thị của xã hội khiến bản thân luôn bất an. Thế nhưng, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự thăm hỏi, động viên của các đồng chí Công an xã Quảng Phước đã giúp tôi có thêm nghị lực để hòa nhập với cộng đồng”, anh Cầu chia sẻ.

Quyết không lùi bước trước khó khăn, thực hiện chính sách phát triển kinh tế trang trại, anh Cầu được UBND huyện Quảng Điền cấp 4ha đất tại rú cát để trồng rừng, xây dựng trang trại. Sau gần 10 năm ròng rã, bằng sức lao động của chính mình, anh đã “biến” vùng rú cát hoang sơ xanh bóng những cây tràm, cây ăn quả.

Anh còn thuê máy móc đào 3 hồ thả cá, nuôi 1.000 vịt đẻ, hàng tháng cung cấp cho thị trường gần 5.000 con vịt thịt; mạnh dạn học tập, đầu tư 2 lò ấp trứng với số lượng trứng ấp và nở con đạt 450.000 trứng/năm.

Với sự dám nghĩ dám làm, mô hình trang trại đã giúp gia đình anh Cầu thu nhập hằng năm đều đặn 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động địa phương.

Ngoài anh Cầu, trên địa bàn xã Quảng Phước còn có rất nhiều tấm gương hoàn lương làm kinh tế giỏi. Một trong số đó phải kể đến ông Nguyễn Lượm (60 tuổi, ở thôn Mai Dương).

Ông Lượm phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản.

15 năm trước (2002), ông Lượm vi phạm pháp luật và lãnh án 6 năm tù giam. Những ngày tháng thi hành án tại Trại giam Bình Điền (Tổng cục VIII, Bộ Công an) là những chuỗi ngày ông sống trong sự hối hận, bởi vì chỉ một phút nông cạn để rồi phải chia xa vợ con, gia đình. Thế rồi, được sự động viên, giáo dục kịp thời của cán bộ quản giáo, ông đã tích cực rèn luyện, chuyên tâm hướng thiện.

Nhờ cải tạo tốt nên trong thời gian thi hành án, ông Lượm được giảm án 2 lần với thời gian 1 năm 9 tháng tù. Năm 2006, ông được Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá ra tù trước thời hạn.

“Ngày trở về với cộng đồng, điều không tránh khỏi là sự mặc cảm với quá khứ, thiếu tự tin với bản thân nên quá trình phấn đấu hướng thiện, hòa nhập cộng đồng của tôi gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, nhớ lại lời dạy của các cán bộ quản giáo nên tôi đã cố vượt qua những điều ấy để làm lại cuộc đời”, ông Lượm bày tỏ nỗi lòng.

Với quyết tâm vực dậy kinh tế gia đình, ông Lượm xin xã Quảng Phước cấp 1ha diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Chính quyền địa phương còn hỗ trợ giúp ông vay vốn đắp đê, cải tạo hồ, mua giống tôm. Từ một vài vụ nuôi đầu tiên có lãi, ông mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi thủy sản ở thôn Mai Dương, đồng thời làm thêm 1,5 mẫu lúa, giúp 5 người con có điều kiện ăn học.

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/nhung-nguoi-buoc-qua-lam-loi-452730/