Những người 'cày nghêu' trên vùng biển Long Hòa

Người đàn bà luống tuổi có khuôn mặt gầy gò, lam lũ chốc chốc phải dừng lại để xốc cái đòn cào nghêu lên ngang eo, chân căng lê từng bước, cái lưng cứ liên tục hếch hếch lên. Thấy chúng tôi bắt chuyện, chị dừng tay quẹt vội những giọt nước trên mặt, trả lời những câu nhát gừng rồi lại bắt đầu một cuộc tảo tần nuôi con trên bãi nghêu đầy nắng gió…

Nghề cào nghêu đòi hỏi phải có sức khỏe tốt. Ảnh: Nguyễn Long

Mưu sinh nơi mép sóng

Chị Ba Hường nhất quyết không chịu ngồi nghỉ khi nói chuyện với chúng tôi mà cứ lầm lũi kéo cào, mắt chăm chăm nhìn xuống cát. Chiếc cào thi thoảng vấp phải đá hay vỏ sò lại “kịch” một cái làm cái lưng của chị chúi theo những con sóng tung bọt đục ngầu. Chúng tôi hỏi chị một câu, chị trả lời nhát gừng một câu. Chúng tôi cố hỏi dài, hỏi nhiều, cuối cùng thì chị cũng đồng ý trả lời với điều kiện “không được đưa hình lên báo”, trong khi ánh mắt vẫn không rời khỏi mặt cát…

Qua những câu đối thoại rời rạc, lộn xộn, cuối cùng thì chúng tôi cũng “vẽ” được chân dung “đời nghêu” đầy gian khó của chị Ba Hường. Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã ven biển Long Hòa (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh), chị chẳng nhớ mình bắt đầu đi cào nghêu từ bao giờ. Hồi nhỏ, khi đám trẻ con cùng xóm tung tăng nô đùa nơi mép sóng sau mỗi buổi học, Ba Hường đã được ba làm cho một cái cào vừa đủ dài để cào nghêu giúp ba má kiếm tiền nuôi em.

Nhà nghèo, đông em, Ba Hường là chị cả nên phải bỏ học, sớm lao vào dòng đời mưu sinh. Rồi Ba Hường lớn lên, gá nghĩa với một người đàn ông hơn chục tuổi, người xã bên, cũng gắn bó với nghề cào nghêu từ nhỏ. Một căn nhà tôn bé tí, xập xệ được dựng trên mảnh đất ba má Ba Hường cắt cho là tổ ấm của 5 người: 2 vợ chồng và 3 đứa con lít nhít. Đến giờ, cứ sáng dậy là hai vợ chồng đèo nhau bằng cái xe đạp cà tàng ra bờ biển bắt đầu một ngày cào thuê cho chủ bãi nghêu. Chẳng bao giờ hai vợ chồng Ba Hường ra muộn hơn mọi người bởi muốn tranh thủ càng nhiều thời gian càng tốt, đặng mang về những nụ cười cho những đứa con nhem nhuốc đang ngóng chờ ba má…

Hết “giờ làm”, anh Hai Tâm - chồng của Ba Hường từ mép biển cách đó không xa chân thấp chân cao tấp tểnh tới khu vực “tác nghiệp” của vợ để gom số nghêu mà hai vợ chồng anh vừa cào được để chờ chủ bãi nghêu thu gom và trả tiền công. Anh Hai Tâm bảo, do sức khỏe không được bằng người ta, nên vợ chồng anh thường cào được ít nghêu hơn mọi người. Nhưng xem ra, về “kỹ thuật” thì vợ chồng anh chẳng kém ai. “Cào nghêu phải có bí quyết, phải “nghe” được tiếng cào. Cào vô cái vỏ thì hắn chỉ hơi vấp. Trúng nghêu thì cát nó vồng lên…” - Hai Tâm tiết lộ.

Ngay đến cái cào của hai vợ chồng Hai Tâm cũng khác với cào của người bình thường. Thanh sắt buộc cào được uốn gần như vuông vắn trong khi của người khác lại để tròn hình bán nguyệt. Hai Tâm bảo làm thế cào cho đều, không bỏ sót. Nói về thu nhập của nghề, Hai Tâm bảo, nếu làm cật lực thì hai vợ chồng cào được khoảng 30 ký nghêu mỗi ngày, tiền công cũng thu hơn 250 nghìn đồng…

Ngồi nói chuyện với vợ chồng Ba Hường, chúng tôi mới hiểu vì sao những mảnh “đời nghêu” lại có dáng đi hao hao nhau như vậy. Anh Hai Tâm bảo, người làm cái nghề này dễ nhận ra lắm. Cứ trông thấy ai một bên vai hếch hếch lên, đi lệch sang một bên, mông vểnh ra đằng sau là chắc chắn dân cào nghêu chuyên nghiệp. Cái đời cào nghêu suốt ngày chỉ có đi giật lùi, cắm mặt xuống cát nên trời có sáng có tối, có nắng hay mưa thì cũng chỉ đến vậy. Cây cào dài cỡ 2 mét, một dây trên quàng qua vai, một dây dưới luồn qua cái vạt trâu, đeo vào hông rồi cứ thế mà cuốn lấy người ta. Cày qua cày lại, cào tới cào lui, người cào nghêu lúc nào cũng như dân cày ruộng đánh tơi cả một bãi biển dài đến vài cây số.

Nghề nhọc nhằn

Theo anh Tư Thắng, một người cào nghêu chuyên nghiệp, ở khu vực ven biển Long Hòa này có khoảng 200 người chuyên hành nghề cào nghêu thuê. Ở các bãi nghêu, từ sáng sớm cho đến mờ mịt tối, người ta thường thấy những cái dáng lụi cụi xuôi ngược, đan nhau từ đầu cho đến cuối bãi. Nơi dân cào nghêu làm việc thường ở những bãi cát sát triền biển. Một lượt cào kéo dài 10-20 mét. “Cào trên cát khô hay ở chỗ xâm xấp nước đã mệt, nhưng cào dưới nước còn nặng hơn nhiều. Người già, phụ nữ, trẻ em hiếm khi làm được 8 giờ/ngày, thanh niên khỏe mạnh cũng chỉ duy trì được sự tập trung và sức khỏe trong 4-5 giờ đầu, về sau công việc chỉ trôi theo quán tính. Một ngày gập lưng trên bãi, nếu cào khỏe, dân cào chỉ nhặt nhạnh được chừng đôi yến nghêu loại tạp, còn không thì mươi ký là nhiều…” - Anh Tư Thắng giãi bày.

Còn theo Út Lâm, một “thợ nghêu” tuổi đời còn rất trẻ, nếu làm việc cần mẫn thì mỗi người sẽ “đi” không dưới 20 cây số/ngày. Thời điểm bắt nghêu tùy thuộc vào con nước lên xuống, có ngày 8 giờ, cũng có khi 4 giờ sáng, người cào nghêu thuê đã phải dậy. Cào nghêu “ngon ăn” nhất là ở vùng nước xâm xấp, khi đó chỉ cần dùng tay và chân sục xuống lớp cát là có thể bắt được nghêu. Khó khăn hơn là ở khu vực nước triều đã rút cạn, người cào nghêu phải lấy niềng cào rồi lượm nghêu lẫn trong cát. Có thể nói, trên bước đường mưu sinh của những người cào nghêu thuê luôn hiện diện bóng dáng của sự nhọc nhằn. “Việc bị vỏ sò, vỏ ốc, mảnh chai cắt tay chân là quá thường. Còn cái tật lệch lưng thì ai chẳng mắc, vấn đề là nặng và nhẹ thế nào thôi” - Út Lâm nói.

Một phụ nữ đang “tác nghiệp” trên bãi nghêu. Ảnh: Nguyễn Long

Con nước dần cao, những người cào nghêu lầm lũi tiến vào bờ. Chúng tôi theo vợ chồng chị Ba Hường về nhà và không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh cả 5 con người phải sống chen chúc trong căn nhà tạm chẳng có gì đáng giá ngoài những bộ quần áo cũ và nồi niêu lỏng chỏng. Anh Hai Tâm tâm sự: “Thế đã là may lắm rồi đó! Nghề này đâu có nhiều tiền! Những khi vào mùa thì nghêu nhiều, thu được tiền nhưng tháng chỉ được ít ngày thôi. Sau đó, nghêu vơi dần, thu nhập chẳng được là bao và khi cạn nghêu rồi, thì phải ở nhà “ngồi chơi xơi nước”…”.

Chúng tôi chia tay vùng biển Long Hòa vào lúc trời đã xẩm tối. Qua đêm nay, một ngày mới lại về với những “đời nghêu” ven biển tất bật mưu sinh bên mép sóng, để lại những dấu chân nhọc nhằn hằn sâu trên cát. Cho đến giờ, biển Long Hòa không ồn ào hay ít nhất là vẫn chưa ồn ào, dù nghe đâu, sắp tới sẽ có nhiều dự án du lịch đổ vào.

Sóng thật nhẹ bởi gió thổi cũng thật nhẹ. Đến cả những rặng phi lao chắn cát kia cũng chẳng mấy khi có cơ hội reo lên. Có lẽ chỉ có cái cào mà những “đời nghêu” đang “cày” kia là nặng. Có thể đối với những “đời nghêu”, đó chỉ là một trong những công việc hàng ngày mà họ phải làm nhưng chúng tôi vẫn hi vọng vùng biển này sớm phát triển đúng với tiềm năng của nó, để những thân phận đang gắng gỏi kiếm sống kia bớt đi những khoảng trống mà sóng biển xa xăm chưa thể lấp đầy…

Nguyễn Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-cay-ngheu-tren-vung-bien-long-hoa/