Những người gìn giữ tinh thần Olympic

Đấy là nơi mà những cuộc cạnh tranh diễn ra khốc liệt và căng thẳng. Nơi có không ít hành động phản cảm, những lời qua tiếng lại không đáng có ngoài sàn đấu. Nhưng ơn trời, ở đấy còn có những câu chuyện đẹp, đầy rung cảm, theo đúng tinh thần Olympic.

Nếu phải kể ra những chuyện không hay thì đấy là những lùm xùm về nghi án doping của thể thao Nga, đến nỗi câu hỏi: "Có nên để người Nga tham dự Olympic hay không?" đã gây tranh cãi lớn.

Khi cuộc chơi chính thức diễn ra thì giữa VĐV bơi lội của Australia và Trung Quốc cũng diễn ra những tiếng bấc tiếng chì quanh chủ đề doping. Rồi trên sân bóng, người ta khó tiêu hóa nổi những tình huống "đá chân, đá người...", chứ không phải "đá bóng" trong trận tứ kết giữa chủ nhà Olympic Brazil và Olympic Colombia.

Trận đấu mà cứ hễ ngôi sao Neymar của ĐT chủ nhà có bóng là những cầu thủ đối phương lại lao vào triệt hạ, và khi không thể làm chủ được cảm xúc, Neymar phản ứng lại thì mọi thứ đã nóng lên rừng rực. Phải nói, nếu trận đấu này không được điều khiển bởi một trọng tài cương quyết, cao tay ấn thì khả năng nó đổ bể giữa chừng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Nếu những chuyện như thế này tạo cảm giác ngột ngạt thì trên đường chạy 5.000m nữ mới đây người ta lại được chứng kiến những hình ảnh nhân văn, cao thượng đầy xúc động. Ở đấy, một VĐV người Mỹ đã bị trật gân, quỵ ngã chỉ sau khoảng 3.000 m.

Nhiều VĐV khác thấy vậy, điềm nhiên chạy qua, vì với họ khi ấy mục tiêu thành tích là mục tiêu số 1, mục tiêu không dễ gì thay thế. Riêng một VĐV của New Zealand có tên Nikki Hamblin đã chủ động dừng lại, đỡ VĐV Mỹ dậy, và hẳn nhiên sau đó cả hai người đều không có tên trong danh sách giành huy chương.

Theo báo giới phương Tây, Hamblin nói với người đồng nghiệp không may: "Vẫn còn 2.000m nữa. Dù không còn cơ hội đạt thành tích nhưng bạn hãy đứng dậy, hoàn thành nội dung thi đấu này". Sau đó, ở vạch đích, hai VĐV này đã ôm chầm nhau nức nở.

Bây giờ thì nhiều tờ báo lớn trên thế giới đang đồng loạt nhắc đến cái tên Hamblin cùng đất nước New Zealand của cô. Có thể nói, dù không giành được bất cứ huy chương nào nhưng Hamblin thực sự đã giúp cho nền thể thao nước mình, thậm chí đất nước mình nói chung ghi được một hình ảnh thực sự đẹp đẽ trong lòng người. Hình ảnh mà với nó, không ít thì nhiều, giá trị mềm - quyền lực mềm của nền thể thao quốc gia này sẽ tăng lên.

Hình ảnh đẹp của VĐV người New Zealand và VĐV người Mỹ trên đường chạy.

Nếu tinh thần Olympic được thể hiện một cách tuyệt đẹp trong câu chuyện của Hamblin thì ở trên sàn Judo, đoàn Ai Cập cũng có một hành động cứng rắn, quyết liệt với chính VĐV của mình để bảo vệ tinh thần ấy. Chẳng là sau trận đấu với võ sĩ Or Sasson của đoàn Israel, võ sĩ El Shehaby của Ai Cập đã từ chối bắt tay đối thủ.

Vì những vấn đề tế nhị liên quan đến tôn giáo, sắc tộc mà nhiều VĐV Hồi giáo Ai Cập vốn không muốn thể hiện sự thiện chí, hòa hảo với các VĐV của Isarel. Tuy nhiên theo khuyến cáo của Ủy ban Olympic quốc tế, khi đã thi đấu ở sân chơi này, các VĐV cần gạt tất cả những khác biệt về chính trị, tôn giáo để thể hiện tinh thần thể thao mã thượng.

Với riêng môn Judo, việc các VĐV bắt tay sau trận đấu thậm chí còn là một yêu cầu bắt buộc. Vì vậy, thái độ của El Shehaby bị đánh giá là rất phản cảm và vì thế anh đã bị chính đoàn thể thao nước mình đuổi về nước ngay sau trận đấu. Sự nghiêm khắc mà lãnh đạo đoàn thể thao Ai Cập dành cho VĐV của mình được báo giới, dư luận quốc tế đánh giá cao.

Giữa một cuộc chơi đầy những bon chen tính toán, thật may vẫn có những con người, bằng hành động và quyết định của mình đã bảo vệ đến cùng tinh thần Olympic!

Nét đẹp trong trường bắn

Kỳ Olympic này, thể thao Việt Nam hạnh phúc với chiếc HCV bắn súng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Cần nhắc lại cho đến trước lượt bắn cuối cùng Hoàng Xuân Vinh và một xạ thủ chủ nhà, 24 tuổi vẫn đang cạnh tranh nhau quyết liệt, và với việc Xuân Vinh không thành công lắm ở loạt bắn áp chót, ai cũng nghĩ chiếc HCV sẽ thuộc về VĐV chủ nhà.

Hàng loạt CĐV ở nhà thi đấu hò reo, phấn khích với VĐV Brazil, và chắc chắn muốn làm tất cả để đoàn thể thao Brazil khi ấy đoạt được chiếc HCV đầu tiên của đại hội. Nhưng sự xuất sắc đến khó tin của Hoàng Xuân Vinh ở lượt bắn cuối cùng đã làm đảo lộn tất cả - lượt bắn mà với nó, Vinh lên đỉnh, trong khi ngược lại, VĐV chủ nhà mất một chiếc HCV tưởng đã nằm chắc trong tay.

Thế mà chính VĐV này sau đó vẫn đến bắt tay, tươi cười chúc mừng Hoàng Xuân Vinh. Và ở trên khán đài nhà thi đấu, các CĐV chủ nhà cũng không có bất cứ phản ứng nào với VĐV của chúng ta. Đấy cũng là những hình ảnh đẹp mà các VĐV, CĐV của ta cần nhớ và học tập.

Ngọc Anh

Hiếu Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao-quoc-te/nhung-nguoi-gin-giu-tinh-than-olympic-404673/