Những người lính già nghẹn ngào trong "Hà Nội sau 60 ngày đêm huyết lệ"

Triển lãm ảnh tư liệu lịch sử “Hà Nội sau 60 ngày đêm huyết lệ” vừa được khai mạc chiều qua (ngày 17/2) tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, Hà Nội). Những cựu binh già từng tham chiến trong 60 ngày đêm quyết tử đã có dịp hội ngộ đầy xúc động khi cùng nhìn về Hà Nội thời máu lửa cách đây tròn 70 năm.

“Thủ đô 60 ngày đêm huyết lệ” là một cách nói “rất Hà Nội” về cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân và dân ta diễn ra vào cuối năm 1946 đầu 1947 tại Hà Nội. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh, đây được coi là sự kiện mở đầu cho cuộc Kháng chiến Toàn quốc diễn ra vào đêm 19/2/1946.

“Huyết lệ” không hề ủy mị khi sánh với tính chất hào hùng của cuộc đương đầu giữa những con người Hà Nội lần đầu cầm súng, gươm, gậy gộc đã thề “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” với đạo quân viễn chinh nhà nghề của thực dân Pháp. “Huyết lệ” lại nói lên được tính chất ác liệt của cuộc chiến dành giật từng thước đường, từng căn nhà, con phố... như ca từ trong "Trường ca Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi mô tả: “Hà Nội cháy! khói lửa ngợp trời... Hà Nội ầm ầm rung”.

Nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc trận chiến 60 ngày đêm của Thủ đô Hà Nội (17-2-1947 - 17-2-2017), Trung tâm tư liệu ảnh lịch sử "Xưa & Nay" của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Thông tin – văn hóa Hồ Gươm tổ chức triển lãm ảnh lịch sử “Hà Nội sau 60 ngày đêm huyết lệ”.

Trong 60 ngày đêm ấy, Hà Nội thực sự là một chiến địa. Cho đến nay, ngoài những lời kể của các nhân chứng, dấu tích của chiến trường Hà Nội thì hầu như không còn gì nữa. May mắn chỉ còn những tấm ảnh rất hiếm hoi ghi lại, tác giả là chính những người dân Hà Nội trở về ngôi nhà của mình sau khi chiến trận vừa chấm dứt kể từ lúc những chiến sĩ quyết tử đã thực hiện một cuộc “rút quân thần kỳ” vào đêm 17, rạng sáng 18/2/1947 để bảo toàn lực lượng, lên chiến khu tiếp tục cuộc kháng chiến với niềm tin mãnh liệt sẽ khải hoàn trở về Thủ đô.

Đoàn cựu chiến binh đã tham chiến trong 60 ngày đêm quyết tử tham gia lễ khai mạc triển lãm

Họ xúc động khi xem những bức ảnh xưa – nay của Hà Nội sau 60 ngày đêm huyết lệ

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (Trưởng Ban Liên lạc Trung đoàn Thủ đô quyết tử) cùng các cựu binh trong binh đoàn cảm tử Thủ đô xem triển lãm

Triển lãm giới thiệu khoảng 60 bức ảnh, của 3 nhà nhiếp ảnh có tiếng của Hà thành trước Cách mạng Tháng Tám 1945 là Trần Văn Nhung (1905-1952) cùng Trần Văn Vẻ (1930-1988) ở số nhà 71 Hàng Than và Nguyễn Duy Kiên (1911-1979) ở 65 Thuốc Bắc.

Hà Nội trong ảnh của 3 tác giả hiện lên với khung cảnh hùng tráng, bi thương vì bom đạn, chiến tranh tàn phá. Những ngôi nhà chỉ còn là đống đổ nát, bờ tường trống ngoác một mảng lớn, những căn nhà 2 tầng mất mái, mất cửa... có nơi chỉ toàn gạch vụn. Chiến tranh đã bóp méo, xô nghiêng những dãy nhà, hủy hoại những con đường đến biến dạng, không còn nhận ra được.

Cựu binh ghi lại cảm xúc về một thời máu lửa chinh chiến

Ngoài những hình ảnh gắn với quá khứ 60 ngày đêm huyết lệ của Thủ đô thì sự thay đổi của Hà Nội ngày nay cũng được nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo ghi lại với cùng góc máy để tạo nên sự đối sánh giữa xưa – nay. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo chia sẻ, riêng thời gian chụp lại những địa điểm trong ảnh đã xác định được vị, trí, tọa độ đã mất khoảng 1 tuần. Khó khăn nhất là việc nhận dạng các địa điểm trong những tấm ảnh chụp Hà Nội sau 60 ngày đêm. Ông cùng với nhà sử học Dương Trung Quốc và những người đã cao tuổi sống ở Hà Nội chỉ nhận dạng được 7-8 địa điểm. Sau đó, ông đưa những địa điểm chưa xác định được lên facebook nhờ cộng đồng mạng, thì số địa điểm được xác định tăng lên nhiều, nhưng vẫn rất ít ỏi so với số ảnh tư liệu có được. “Rất may và hay là một cuộc chơi này có rất nhiều bạn hào hứng tham gia cùng chúng tôi thì dần dần mới được 32 tấm ảnh được xác định địa điểm” – ông nói.

Những cặp ảnh xưa – nay được trưng bày ở tầng 1

Với những tấm ảnh chụp lại, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo cũng sử dụng màu đen trắng chứ không dùng màu sắc vì ông “không muốn để người xem nhìn thấy độ vênh về cảm xúc giữa xưa và nay”. Ông cũng chọn thời gian chụp lúc sáng sớm, khi mọi hoạt động của phố phường còn chưa náo nhiệt, ồn ào xe cộ để “nhìn lại Hà Nội, tuy có khác nhau về kiến trúc nhưng vẫn có nét mềm mại”. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo đánh giá, triển lãm là dịp truyền tải những hình ảnh Hà Nội với quá khứ lịch sử đầy bi tráng, hào hùng tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, những thế hệ sinh sau cuộc chiến để biết rõ và hiểu hơn về Hà Nội.

Nhờ những cặp ảnh xưa – nay, người xem sẽ hình dung được Hà Nội đã vững vàng, hiên ngang để vượt qua những thử thách to lớn của lịch sử trong quá khứ. Cũng từ những đống đổ nát, khát vọng sống, sự hồi sinh được ươm mầm sinh sôi.

Tầng 2 là những tấm ảnh chưa thể xác định được địa điểm

Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (nguyên Phó tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô) cho biết, triển lãm lịch sử này không những giúp nối liền quá khứ với hiện tại mà còn khêu gợi, nêu cao ý thức trách nhiệm của mọi người đối với quá khứ và hiện tại, tin tưởng vào việc giữ vững chủ quyền của đất nước.

Cựu binh Nguyễn Hiệp Hòa (90 tuổi, Trưởng đài Vô tuyến tiện, phụ trách Thông tin Sư đoàn 308) rưng rưng tâm sự: “Tôi là người Hà Nội và đã chiến đấu trong 60 ngày đêm Hà Nội. Hôm nay nhìn lại những bức ảnh tôi thấy rất xúc động, có lẽ lần xem này là lần cuối cùng với thế hệ chúng tôi. Tôi rất tự hào vì được tham gia vào trận đấu. Tôi còn nhớ đêm tôi ra khỏi Hà Nội đói lắm, nhìn người ta bán hàng, bánh chưng nhưng không có tiền mua. Bây giờ nhìn con cháu ngày nay được học hành, ăn mặc tử tế thôi thấy rất phấn khởi. Tôi không biết nói gì hơn, cảm ơn các nhà nhiếp ảnh đã chụp lại những tấm ảnh chân thực”.

Triển lãm ảnh tư liệu lịch sử “Hà Nội sau 60 ngày đêm huyết lệ” diễn ra từ ngày 17/2 tới hết ngày 27/2 tới, tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/nhung-nguoi-linh-gia-nghen-ngao-trong-ha-noi-sau-60-ngay-dem-huyet-le