Những người Mỹ chúc mừng Ngày Độc lập của Việt Nam

Vào thời điểm giữa buổi lễ hôm đó, hai chiếc máy bay Tia chớp P-38 của Mỹ sà xuống thấp ngay trên quảng trường. Hầu hết mọi người đều tin đây là lời chào mừng của Mỹ dành cho chính quyền non trẻ của Việt Nam.

Nhiều người nước ngoài, trong đó có người Mỹ, đã nghiên cứu rất kỹ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bản tuyên ngôn độc lập mà Người đã đọc trước hàng vạn đồng bào ở Quảng trường Ba Đình sáng 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tạp chí Khám phá xin trân trọng giới thiệu một góc nhìn của tác giả David G.Marr, trích trong cuốn sách Bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh do Chương trình Đông Nam Á thuộc Đại học Cornell (New York – Mỹ) phát hành năm 1995.

Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Khi tiếng vỗ tay và reo hò lắng xuống, Ông Hồ Chí Minh giới thiệu từng bộ trưởng, và tất cả đều làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Ông Võ Nguyên Giáp khi đó bước tới và nghiêm trang đọc một diễn văn dài để nhấn mạnh thêm cho bản Tuyên ngôn của Hồ Chủ tịch. Sau đó, Ông Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ thông tin và tuyên truyền, đã thông báo cho khán thính giả về buổi lễ thoái vị của Bảo Đại ở Huế ba ngày trước, sau đó trao thanh kiếm hoàng gia và ấn cho chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là một người có khả năng ăn nói thiên bẩm, Bộ trưởng Trần Huy Liệu dường như đã làm cho những người tham dự buổi lễ cười ồ lên và vỗ tay khi mô tả sự suy tàn của chế độ quân chủ.

Đại diện cho Tổng bộ Việt Minh, ông Nguyễn Lương Bằng sau đó đã có phát biểu ngắn gọn, trong đó khẳng định đánh Pháp là điều cấp thiết. Vào thời điểm giữa buổi lễ hôm đó, hai chiếc máy bay Tia chớp P-38 của Mỹ sà xuống thấp ngay trên quảng trường. Hầu hết mọi người đều tin đây là lời chào mừng của Mỹ dành cho chính quyền non trẻ của Việt Nam.

Phần cuối của buổi lễ là lời tuyên thệ long trọng của người dân nhằm khẳng định sự trung thành với Chính phủ lâm thời và với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một lời thề bảo toàn nền độc lập của tổ quốc, “thậm chí có dẫn đến hi sinh mạng sống của chúng ta”, một lời hứa không giúp đỡ Pháp nếu họ quay trở lại xâm lược. Trong tuyên bố cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cầm micrô và tiên đoán:

"Chúng ta sẽ phải trải qua nhiều khốn khó và đau khổ hơn nhiều. Đồng bào phải ủng hộ chính quyền, để sau này có thêm nhiều buổi ăn mừng và thắng lợi!"

Những nhóm người có mặt ở quảng trường sau đó đã diễu hành ra phố một cách có tổ chức, giải tán ở hồ Hoàn Kiếm, và gia nhập vào bầu không khí hân hoan cho đến giờ giới nghiêm.

Khung cảnh một cuộc mít tinh ủng hộ chính quyền cách mạng mới thành lập của người dân trước Nhà thờ Lớn Hà Nội.

Trở lại bản Tuyên ngôn của Hồ Chí Minh, chúng ta có thể nói gì về vị thế của nó như một “văn bản” khác biệt với buổi lễ ngày 2 tháng Chín tại Hà Nội? Điều tôi (tác giả David G.Marr) thấy đáng chú ý nhất là tính sắc sảo của bài văn, kết cấu chặt chẽ, không giả tạo. Gần như không từ nào có thể được coi là thừa. Ví dụ điển hình nhất cho tính súc tích là câu: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”.

Nhiều sự kiện chính trị đương thời, chất chứa nhiều ý nghĩa chính trị, được gói gọn trong chín từ. Thực ra ông Hồ Chí Minh có thể giảm câu đó xuống còn tám từ, nhưng lại chọn cách cho Bảo Đại có được danh tước bình dân bằng cách dùng từ vua, thay vì Hoàng đế.

Lối nói cô đọng này ngay lập tức gợi lại những tác phẩm kinh điển Trung Hoa thời Chiến quốc, vốn là thứ rất quen thuộc với nhiều người Việt những năm 1940, tương tự như cách mà nhiều người Mỹ nhận ra nhiều đoạn trích ngắn từ Kinh Cựu ước. Dĩ nhiên, ông Hồ Chí Minh thời trẻ có đọc kinh điển Trung Hoa, và từ đầu thập niên 1940, ông đã thấy tác dụng hữu ích khi đóng vai trò là một trí thức Khổng giáo trong một số dịp nhất định.

Dù vậy, ấn tượng phong cách nói chung của Tuyên ngôn Độc lập là nó mang tính đương đại, chứ không truyền thống. Ông Hồ Chí Minh không chêm vào bất kì dòng thi ca nào, vốn là điều thường được người ta mong chờ ở các Nho gia. Những câu chữ gọn gàng của ông có thể phần nhiều nhờ vào ba thập niên tiếp xúc với các bản văn xuôi hiện đại của Pháp, Anh, và Nga, và nhờ vào sự nghiệp hoạt động chính trị bí mật và dạy học, hơn là nhờ vào Tuân Tử hay Mặc Tử.

Ông không rắc vào bài diễn văn của mình những thuật ngữ ngoại lai, vốn là điều thường thấy ở giới trí thức Việt Nam ngày đó. Thay vì vậy, người ta cảm thấy ảnh hưởng Tây phương ít trực tiếp hơn, thể hiện ở việc tránh dùng các câu văn biền ngẫu, lối phát triển logic rõ ràng, và thẳng thắn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành ra một phần tư toàn bộ bản tuyên ngôn để công kích những đặc điểm cụ thể của chế độ thực dân Pháp nhằm tăng chất hùng biện cho bản Tuyên ngôn, trong đó từ “chúng” được sử dụng 14 lần liên tục để gọi những kẻ thực dân.

Ở đây, ông rõ ràng lấy cảm hứng từ các bản cáo trạng tư pháp kiểu Tây phương hoặc cụ thể hơn là từ những lời cáo buộc chống lại Vua George III trong bản Tuyên ngôn Mỹ, chứ không phải lối công kích kẻ thù của các vị vua nước Việt, lối tranh cãi giữa các già làng, hay lối cãi nhau giữa chợ.

Khám Phá

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/ho-so-su-kien/nhung-nguoi-my-chuc-mung-ngay-doc-lap-cua-viet-nam-c51a568989.html