Những "nhà vô địch" bất đắc dĩ

Thông thường trong một cuộc đua, người về đích trước tiên sẽ là người vui nhất. Nhưng có những cuộc đua, thì cả người thắng, người thua khán giả và... ban giám khảo đều không vui vẻ gì.

Những câu chuyện mà chúng tôi chia sẻ dưới đây, đều liên quan đến tính hiếu thắng, muốn chứng minh là mình đúng, mà có người sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, bấp chấp cả việc làm tổn thương tâm hồn, danh dự người khác - ở đây lại chính là những người thân yêu, ruột thịt trong cùng một gia đình. Chân lý thuộc về kẻ... mạnh mồm Tôi vẫn còn nhớ như in cặp vợ chồng đó. Họ mới chuyển đến khu tập thể của chúng tôi chưa đầy năm. Mỗi lần sang nhà tôi chơi, câu chuyện "làm quà" của cô thường xoay quanh chủ đề người chồng "dốt nát" và những chiến công cô đã đạt được để tìm ra "chân lý" ấy. Hai vợ chồng cô đều là những trí thức trẻ (ấy thế nhưng với cô, chồng cô vẫn là người khiếm khuyết về tri thức). Kinh tế khá giả, nhà cửa đàng hoàng, con cái khỏe mạnh, thế mà vợ chồng cô vẫn "năm ngày 3 trận". Nguyên nhân vì hai người không hợp nhau, lúc nào cũng bất đồng quan điểm. Mà bất đồng trong "chiến lược" lớn đã đành, đằng này, từ những việc đơn giản nhất như cái áo, cái bát... hai vợ chồng cũng mỗi người một cách nghĩ. Và phương thức cuối cùng để nhất trí chính là... cãi nhau. Ai thắng, người đó là chân lý. Một lần, hai vợ chồng cô cùng ngồi xem phim. Đến đoạn cô thuyết minh đọc lời thoại tả về một nhân vật mặc áo màu xanh da trời, cô vợ thốt lên: áo kia mà gọi là màu xanh da trời. Ngay lập tức,anh chồng đốp lại, có mà em mù, con bé trên tivi nó mặc áo xanh da trời còn gì. Chỉ mỗi cái chân lý "da trời" hay "không da trời" mà cô vợ nhảy xổ vào, cãi lại. Chuyện bé xé ra to, từ chuyện màu sắc của cái áo, cô vợ hét lên, bảo chồng bất tài, còn bướng bỉnh. Anh chồng thì cũng "tiếng bấc ném đi, hòn chì ném lại", bảo vợ ngu dốt, màu xanh thế kia mà còn không biết thì đúng là không có óc thẩm mỹ. Cuối cùng, khi cơn giận lên đến cực điểm, anh chồng tát cho vợ một cái nảy đom đóm mắt để buộc vợ phải im miệng. Cái tát cũng là lời tuyên bố chính thức: Cái áo kia màu xanh da trời, cấm cãi. Hậu quả là suốt buổi tối hôm đó, cả khu tập thể chúng tôi được nghe màn cải lương sầu thảm của cô vợ. Kỷ lục của hai vợ chồng là việc đã thách nhau đập vợ hết 20 cái bát sứ. Cũng chẳng có gì to tát, chỉ vì tranh nhau xem con bé hàng xóm có... người yêu chưa, người bảo có rồi, người bảo chưa. Cuối cùng, anh chồng đập vỡ luôn cái bát cầm trên tay để uy hiếp vợ. Lập tức, vợ cũng nhảy vào, đập bát khác để chứng minh, mình không sợ chồng. Hai vợ chồng 5 ăn 5 thua, đập đến khi bà mẹ vợ phải chạy sang can ngăn, hai vợ chồng vẫn như hai con hổ hung hãn, hiếu chiến, cứ muốn chứng minh rằng mình đúng. Dù cái đúng đó cũng chẳng liên quan đến mình và chẳng giúp cho mình "lớn hơn tẹo nào". Vài lần, khi cô vợ sang tôi chơi, tôi đã khuyên cô từ giờ trở đi hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Tôi nói, cùng là người một nhà, thì việc "chiến thắng" chồng bằng mọi giá cũng chẳng hay ho gì. Nếu muốn chứng tỏ bản lĩnh, chi bằng ra ngoài xã hội, làm những việc lớn lao. Còn khi đã về nhà, đều là người ruột thịt của nhau, nếu nhường nhịn nhau một chút mà giúp cho nhà cửa ấm êm, âu cũng là cách cư xử của người "có thế", không phải vì "bớt một lời nói" mà trở thành thấp kém. Cũng như vậy nếu làm cho nhau bị tổn thương để chứng minh mình đúng, thì cũng chẳng vui vẻ gì. Vì xét cho cùng, đó cũng là chồng mình, có phải người ngoài đường, ngoài chợ đâu. Nghe tôi nói, cô lẳng lặng cúi đầu. Chẳng biết cô có nhập tâm và áp dụng được gì cho những ngày tháng sắp tới... Dọa tự tử để... trừng phạt chồng Tôi có quen một anh chồng nọ. Một lần, giữa đêm khuya, tôi nhận được cú điện thoại cầu cứu của anh nói rằng vợ anh đã bị mất tích, cần huy động thêm người để tìm tung tích.Chẳng còn thời gian để suy nghĩ, tôi lao ra khỏi nhà, cùng gia đình anh đi tìm suốt đêm. Anh chồng mặt cắt không còn giọt máu, chân tay run lẩy bẩy cứ cầm lá thư tuyệt mệnh của vợ để lại. Trong thư, vợ anh viết vì anh đã mắng cô nên cô bị dồn tới bước đường cùng, phải chết để tự giải thoát cho mình khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Ai cũng lo cho tính mạng của cô. Bà mẹ vợ - thương con gái, mà không tiếc lời mắng mỏ con rể. Bố vợ lên cơn đau tim, phải vào bệnh viện cấp cứu. Anh chồng thì ân hận, thốt lên rằng, nếu vợ anh có mệnh hệ nào, chắc rằng từ giờ đến cuối đời, anh sẽ không thể sống yên ổn được. Cứ như thế, mọi người ai cũng hết hồn hết vía, như ong vỡ tổ. Người thì phải vào bệnh viện chăm sóc người bố đang lâm nạn vì quá lo cho con gái, người thì vận dụng mối quan hệ để truy tìm manh mối của cô. Không biết bao gia đình đêm đó cùng mất ngủ. Cho tới gần sáng hôm sau, mọi người mới nhận được tin, cô vợ đã tìm đến nhà một người bạn học cùng lớp Đại học trước đây để... ngủ nhờ. Khi thấy sự việc trở nên quá nghiêm trọng, cô vợ mới giật mình nhận ra, mình đã quá đà. Chỉ vì sự hiếu thắng và hành động thiếu suy nghĩ, muốn dạy cho chồng một bài học mà cô đã làm tổn thương những người thân xung quanh. Nhất là dọa đem tính mạng của bản thân mình để gây sức ép với những người ruột thịt. Cô đâu biết rằng, trong các loại "trả thù" thì trả thù người thân là đáng lên án nhất. Kể cả cô có quyên sinh như trong lá thư cô để lại, thì chắc chắn những người thân của cô còn lại trên đời sẽ mãi phải sống trong sự dằn vặt, ân hận. Hãy một lần sống vì người khác Nếu ai từng một lần được chứng kiến cảnh sống của cặp vợ chồng nhà giáo nhân dân Phi Vân Khanh - từng là hiệu trưởng một trường mẫu giáo có tiếng của HN, chắc chắn sẽ phải vô cùng ngạc nhiên. Bởi, căn nhà của hai vợ chồng rất tuyềnh toàng, đồ đạc chẳng có gì ngoài mấy thứ đồ gỗ từ thập kỷ trước còn sót lại. Căn nhà cũng chỉ có một phòng, nằm trong khu tập thể Kim Liên cũ. Ấy thế nhưng, họ không bao giờ bị cái "nghèo" đó chi phối đến tình cảm vợ chồng cũng như cách ứng xử giữa hai người. Lúc thấy Đạm - chồng nhà giáo Phi Vân Khanh còn sống, dù đã già, nhưng họ vẫn gọi nhau là anh em. Cô giáo Phi Vân Khanh kể, gần như họ rất ít cãi nhau. Không phải vì họ không bất đồng quan điểm, mà là hai người luôn luôn tự nhận phần thua về mình để xung đột không đi quá đà. Có nhiều khi, lời chồng nói ra cô cũng chưa thực sự đồng ý. Nhưng, không bao giờ cô "khẩu chiến" lại ngay mà luôn ghi nhận để rồi một lúc khác sẽ tự ngồi suy ngẫm lại xem đúng và sai đến đâu. Cô giáo Khanh còn nói, cô luôn cho rằng, cuộc sống vợ chồng tưởng dài mà hóa ra ngắn,vì vậy, sống tốt và làm cho nhau vui được ngày nào thì phải gắng làm. Họ đã sống thực sự thanh bình cho đến ngày một ngày cách đây 2 năm, thầy giáo Đạm đột ngột ra đi vì đột quỵ. Cũng cùng khu tập thể với tôi, có một cặp vợ chồng đã sắp đến ngày làm đám cưới Vàng. Họ đã có một đàn cháu chắt ríu rít. Cụ ông thuộc tuýp người nổi tiếng khó tính nên mọi người bảo nhau, may mà cụ ông lấy được cụ bà, nếu không họ chắc đã ly dị từ cách đây 50 năm trước. Quả như mọi người nhận định, cụ bà rất nền nã và rất mực chiều chồng. Có những lúc, ông tỏ ra khó tính kỳ lạ, nhưng, không hề thấy cụ bà phản ứng lại. Quen tính gia trưởng, cụ ông hay thích chỉ đạo bà cụ ngay từ cách đi chợ, mặc cả trong khi cụ bà mới là người thạo việc nhà và ngày ngày ra phố, tiếp xúc với chợ búa và giá cả thị trường. Hàng xóm chúng tôi, nhiều người trêu cụ bà: Ông thích chỉ đạo, sao cụ không để cho ông tự đi mà mua. Cụ cứ ở nhà cho sướng. Ông không làm được, phải xin lỗi thì cụ mới tha cho. Nhưng,cụ bà lại chỉ cười. Cụ bảo, cụ biết thừa ông chỉ thích nói vậy thôi chứ trong thâm tâm, ông cũng hiểu không thể thạo việc mua bán bằng vợ. Vì vậy, cụ bà có mất gì đâu nên cứ để cho ông ra oai với con cháu một chút, còn thực hiện ra sao thì cụ bà vẫn lựa vào thực tế mà làm. Thay vì mắng cụ ông là "già rồi, lẩm cẩm, biết gì mà nói", cụ bà bảo cụ ông "ông cứ yên tâm nghỉ đi, tôi hiểu rõ ý ông rồi, để từ từ tôi liệu làm thế nào cho vẹn cả đôi đường". Thế là cụ ông - dường như chỉ chực tìm cớ cáu giận - lại phải nhũn như chi chi, ngoan ngoãn nghe lời bà. Có những lần, hình như cụ ông còn sai mười mươi, nhưng, cụ bà cũng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở. Cụ bà bảo, có anh hùng gì đâu việc chiến thắng người thân nhất đó lại là chồng mình - một cụ ông đã ở vào tuổi gần đất xa trời. Cãi nhau để giành chiến thắng, thì mình sướng miệng một chút đấy nhưng đổi lại, sẽ đem lại sự bực bội cho chồng thì cả hai cũng đâu thể sống khỏe. Cứ thế, với chủ trương "lạt mềm" buộc chặt mà đôi vợ chồng đó đã cùng nhau bước qua bao sóng gió cuộc đời. Theo Vũ Hoàng Phúc Đời sống gia đình

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/yeuvasong/445256/index.html