Những nhịp chuyển động trong 'Ngẫu hứng'

Ngày 9.3, tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhóm 'Lục giác' gồm 6 họa sĩ (Hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội) sẽ có buổi triển lãm lần đầu ra mắt công chúng mang tên 'Ngẫu hứng'. Với khoảng 50 bức tranh với nhiều chất liệu, tùy thuộc sở trường từng họa sĩ, cuộc bày chung thể hiện sự đa dạng và tôn trọng sáng tạo mỗi cá nhân.

Đàn chim Việt - tranh của Nguyễn Thị Minh.

Ra đời sau chuyến đi thực tế sáng tác ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đầu năm 2016, họ đều là các họa sĩ ít nhiều được biết đến từ trước như: Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Thị Minh, Ngô Thành Nhân, Phùng Mỵ Trâm, Trần Ninh và Nguyễn Thị Hồng Phương. Mặc dù ở các độ tuổi khác nhau (5X, 6X, 8X) nhưng “Lục giác” lại có điểm gặp gỡ chung ở tinh thần say mê nghề nghiệp, ham học hỏi và mong muốn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Vẽ cây, vẽ hoa, hay chân dung, người xem có thể đọc được cảm xúc thực của từng họa sĩ trong những bức tranh.

Ở họa sĩ Nguyễn Ngọc Hà là sự tròn đầy bừng nở; họa sĩ Phùng Mỵ Trâm là sự trong sáng, ngây thơ; họa sĩ Ngô Thành Nhân làm chủ nhịp chậm trong chuyển động, họa sĩ Nguyễn Hồng Phương - lãng mạn với sự bí ẩn, họa sĩ Trần Ninh - lãng đãng cổ xưa thời hiện đại và sự nhẹ nhàng, duyên dáng trong tranh của Nguyễn Thị Minh. Mạch cảm này ghép lại thành một phòng tranh “Ngẫu hứng” nhưng không hoàn toàn ngẫu hứng, mỗi một lối vẽ, cách vẽ lại chứng đựng ý nghĩ, tình cảm riêng mỗi người.

Điểm chung của 3 họa sĩ nữ Nguyễn Thị Hồng Phương, Nguyễn Thị Minh, Phùng Mỵ Trâm là thiên về dùng gam màu tươi tắn. Tranh của Nguyễn Thị Hồng Phương lại tươi một cách rạng rỡ, chị thích hoa và vẽ nhiều hoa. Đó là cái cớ để chị thể hiện cảm xúc, thể hiện vẻ đẹp nữ tính không đơn giản. Do vậy những bông hoa trong tranh chị đẹp mà không quá mượt mà, trau chuốt. Hơn nữa, việc dùng màu tương phản kết hợp việc đặt nhiều màu ấm bên cạnh màu trắng đã truyền thêm nhịp điệu chuyển động cho bức tranh. Tranh của Hồng Phương có sự lãng mạn, bí ẩn. Có thể thấy rõ điều này qua bức “gà hóa công”: Các sắc xanh, đỏ, vàng, cam, hồng, tím, trắng… đứng cạnh nhau, trộn với nhau cùng tôn lên hình ảnh gà - công, nếu nhìn kỹ hơn, ta sẽ thấy hình ảnh “gà - công” thấp thoáng trên dáng lưng cô gái ngồi xoải tóc.

Hoa tình yêu - tranh của Nguyễn Thị Hồng Phương.

Cũng dùng gam màu tươi để làm nổi bức vẽ, nhưng tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Minh lại nữ tính một cách nhẹ nhõm. Đàn chim bông lấy cảm hứng từ những con chim thổ cẩm của người H’mông nhìn qua thấy ngay đó không phải những con chim thật, chúng là những con chim được “ghép” họa tiết sặc sỡ trên thân mình. Nhưng khi vào tranh, mang theo những cái đuôi mềm như lụa, chúng mang lại cho người xem cảm giác hiện hữu có thực về sự nhẹ nhàng tươi vui của bầy chim đang chuẩn bị chao lượn, nhảy nhót. Chúng làm mềm không gian mà chúng đậu, làm mềm những đường ngang, đường dọc tưởng như cứng chắc, khô khan trong bức tranh.

Vẽ chân dung, tranh của Họa sĩ Phùng Mỵ Trâm mang vẻ tươi sáng, nhẹ nhàng. Các bé gái, thiếu nữ với dáng dấp đoan trang, âm tính luôn là hình ảnh chủ đạo trong tranh. Mỵ Trâm tạo ra một không gian “ước lệ” trong tranh, người xem cảm giác luôn có một tấm rèm ngăn cách chủ thể với thế giới xô bồ sau lưng họ. Cho nên các cô gái dù có suy tư hay thả hồn đi đâu đó vẫn được bình yên trong không gian sống của riêng mình…

Thiếu nữ và quả táo - tranh của Phùng Mỵ Trâm.

Ngoài những bức tranh sơn dầu, acrylic, triển lãm này còn có thêm tranh sơn mài của họa sĩ 8X Trần Ninh - một thành viên khá tích cực, từng bày tranh trong các cuộc triển lãm của nhóm “sơn ta” trước đây. Tranh của Ninh có vẻ đẹp của sự lãng đãng, không khí xa xưa, đồng thời vẫn thấy được nhịp chuyển động của sự vật, cây cối, con người hiện tại. Những gốc cây to, nhiều rễ vừa như những “cây đời” vừa là nhân chứng của thời gian, vừa bao phủ thời gian lên bức tranh. Ấn tượng thời gian bao phủ “lan sang” cả những bức vẽ không có cây (chỉ có con người) trong tranh anh. Mặc dù có những bức tranh Ninh vẽ con người chiếm một không gian rất lớn, nhưng người xem vẫn cảm nhận hình ảnh con người đó thực sự nhỏ bé, hư vô đặt trong không gian mở rộng, nối dài mà họ “buộc” phải liên tưởng…

6 họa sĩ giống như 6 cạnh của một lục giác, đều có những cách riêng để làm nghệ thuật cho mình. Có họa sĩ, vừa là thành viên của “Lục giác” vừa là thành viên của nhóm họa sĩ khác. Lý tưởng nhất là ở mỗi nơi họ sẽ tìm được một miếng ghép vừa vặn, để hiểu hơn về mình, hiểu rõ tình yêu họ dành cho nghệ thuật. Dấu ấn nghệ thuật là của cá nhân, phụ thuộc trước hết vào mỗi cá nhân. Khi “nội giới” của cá nhân mở rộng thì thế giới nghệ thuật của họ cũng mở rộng. Những nhóm nghệ thuật thực sự, nếu không phải là một “hình thức” cộng gộp đơn thuần của những người cùng nghề, nó có thể tạo ra những chuyển động nhỏ để làm thành chuyển biến lớn.

Hải An

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nhung-nhip-chuyen-dong-trong-ngau-hung-644879.bld