Những niềm tự hào của thể thao Việt Nam năm 2016

Với niềm đam mê, tài năng, ý chí và sự khổ luyện, họ đã đạt thành tích xuất sắc tại đấu trường Olympic và châu lục, để lại ấn tượng tốt trong lòng người hâm mộ cũng như giới chuyên môn. Xin giới thiệu cùng bạn đọc những niềm tự hào của thể thao Việt Nam năm 2016.

Hoàng Xuân Vinh, VĐV bắn súng xuất sắc của thể thao Việt Nam.

Hoàng Xuân Vinh, VĐV bắn súng xuất sắc của thể thao Việt Nam.

Người giành HCV Olympic đầu tiên

Ngày 7-8-2016, chắc chắn là ngày không thể nào quên đối với tay súng Hoàng Xuân Vinh. Sau cuộc so tài căng thẳng, hồi hộp, đến lượt bắn cuối cùng giữa các anh tài xuất sắc nhất thế giới ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã giành HCV Olympic Rio 2016 với tổng điểm 202,5, phá kỷ lục cũ thuộc về Pang Wei, thiết lập tại Olympic Bắc Kinh 2008 với 202,3 điểm. Và sau đó, anh còn giành thêm HCB ở nội dung 50 m súng ngắn bắn chậm.

Hãng thông tấn CNN (Mỹ) ca ngợi: Hoàng Xuân Vinh đã trở thành huyền thoại Olympic của Việt Nam khi là VĐV đầu tiên của đất nước hình chữ S giành HCV ở một kỳ Thế vận hội. Theo HLV đội tuyển bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung, thành tích của Xuân Vinh là kết quả của một quá trình được đầu tư và tập luyện bài bản, bởi một VĐV bắn súng muốn có huy chương tại đấu trường quốc tế thường phải rèn luyện bền bỉ từ 10 năm trở lên. Với “bộ sưu tập” huy chương phong phú: Vô địch SEA Games, huy chương vàng, bạc, đồng châu Á, Cúp thế giới; HCV, HCB Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đủ phác họa chân dung một trong những tay súng cừ khôi nhất trong lịch sử thể thao nước nhà.

Hoàng Xuân Vinh sinh năm 1974, tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Tài bắn súng của Xuân Vinh được phát hiện qua các hội thao toàn quân. Năm 2000, anh đoạt HCV đầu tiên, phá kỷ lục quốc gia súng ngắn 10m hơi nam và ghi tên mình vào đội tuyển bắn súng quốc gia ở tuổi 26. Xuân Vinh bộc bạch: “Tôi đến với bắn súng khá muộn (giữa những năm 90 của thế kỷ 20), do vậy không ngừng tập luyện để đạt thành tích tốt nhất”. Cùng với đó là kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu, những yếu tố quyết định giúp anh đạt thành công hôm nay. Theo nhận định các chuyên gia, giá trị đích thực trong chiến thắng của xạ thủ Xuân Vinh là truyền ngọn lửa tinh thần, ý chí kiên cường của một nhà vô địch đến các vận động viên trẻ, sự khổ luyện, đam mê tột cùng cho những gì mình theo đuổi. Đồng thời, giúp lãnh đạo ngành thể thao, HLV có cách nhìn nhận nghiêm túc hơn, đầu tư bài bản và dài hạn hơn cho các tài năng xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam.

“Chuyện cổ tích” về lực sĩ cử tạ người khuyết tật

Tiếp nối thành công của Hoàng Xuân Vinh, tại “sân chơi” Paralympic Rio 2016, lực sĩ cử tạ Lê Văn Công (người ngồi giữa, ảnh trên) đã giành HCV, lập kỷ lục thế giới mới ở hạng 49 kg với mức tạ 183 kg, hơn kỷ lục cũ 1 kg của chính anh.

Từng giành nhiều huy chương ở các giải đấu của khu vực, châu Á và thế giới, nhưng đây là lần đầu, VĐV 32 tuổi có HCV tại Paralympic. Lê Văn Công chia sẻ, anh rất xúc động khi lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được kéo lên ở đấu trường này. Đó là thời khắc anh đã mơ ước từ rất lâu nhưng giờ mới thực hiện được. Trong giây phút tự hào và đáng nhớ đó, Văn Công không quên dành lời cảm ơn tới ngành thể thao, những người thầy, người hâm mộ. Và đặc biệt, anh nhớ đến vợ, con – những người luôn ở bên cạnh khi khó khăn nhất.

Trưởng đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam Vũ Thế Phiệt chia sẻ, đây là tấm huy chương lịch sử và cũng là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vươn lên của Văn Công. Một người tàn tật làm các công việc bình thường đã khó, nhưng anh còn mang vinh quang về cho Tổ quốc thật đáng khâm phục.

Có thể nói, hành trình chinh phục đỉnh cao của đô cử quê Hà Tĩnh giống như một “câu chuyện cổ tích”. Sinh ra trong một gia đình nghèo, Văn Công bị khuyết tật bẩm sinh từ lúc chào đời do mẹ anh bị sốt xuất huyết khi mang thai. Chuỗi ngày vất vả, đầy mặc cảm của Văn Công tưởng như kéo dài mãi phía sau lũy tre làng. Ý thức trách nhiệm bản thân, năm 19 tuổi, anh vào TP Hồ Chí Minh học kỹ thuật điện tử tại một trường dạy nghề cho người khuyết tật. Lúc đó, Văn Công luôn nghĩ rằng, có yếu chân thì còn tay, làm được gì thì làm, không để trở thành gánh nặng cho gia đình. Vừa học, anh vừa xin làm thêm ở các xưởng mộc gần trường để chi trả cho cuộc sống. Ra trường, Văn Công tiếp tục học thêm khóa chỉnh sửa hình ảnh trên vi tính ở CLB khuyết tật trẻ vừa nhận các văn bản về đánh máy kiếm thêm với mức thu nhập ít ỏi. Sau đó, anh được giới thiệu tham gia tập luyện thể dục - thể thao tại CLB Cử tạ của Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình.

Từ khi bắt đầu tập luyện, Văn Công tiến bộ rất nhanh. Một năm sau, anh được chọn dự Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc tại Hà Nội và đoạt HCB ở hạng cân 48kg, năm 2005. Nhờ quyết tâm cao, sự bền bỉ hiếm có, Văn Công liên tục giành thêm nhiều huy chương. Tại giải đấu ASEAN Para Games 2007, anh giành HCV hạng 49kg với mức tạ 152,5kg. Năm 2013, tại Giải vô địch cử tạ người khuyết tật châu Á diễn ra ở Malaysia, Văn Công bước lên bục cao nhất với thành tích 175kg, phá kỷ lục châu Á. Tại ASEAN Para Games VII, anh có chiến thắng ấn tượng ở hạng 49 kg, với mức tạ 176 kg, bằng với thành tích kỷ lục thế giới của VĐV Yakubu…

Dũng mãnh trên sàn đấu, nhưng ngoài đời, Văn Công là người chồng, người cha hết mực thương yêu vợ, con. Với số tiền thưởng hơn 400 triệu đồng sau khi giành HCV Paralympics Rio 2016, anh dự định dùng lo việc học cho hai con nhỏ, mua sắm thêm dụng cụ, thiết bị tập luyện, làm thêm nghề sản xuất ampli và các thiết bị âm thanh. Giới chuyên môn cho rằng, chiến công của Văn Công đã mang lại tự hào cho Tổ quốc; thể hiện nghị lực, ý chí, lòng quyết tâm vượt khó và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của thế hệ trẻ Việt Nam. Hy vọng lực sĩ cử tạ này sẽ còn gặt hái nhiều thành tích trong tương lai.

Cô gái “vàng” trên đường đua xanh

Nhìn vào bảng thành tích của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên (ảnh trên), sinh ngày 9-11-1996, tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, mới thấy nhận xét trên là hoàn toàn chính xác. Những người yêu thích môn bơi từng chứng kiến sự tỏa sáng của cô tại SEA Games 28 - năm 2015 ở Singapore với 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ và lập tám kỷ lục mới. Không chỉ có vậy, Ánh Viên còn giành HCĐ ở nội dung 200m hỗn hợp và HCB ở cự ly 400m hỗn hợp cá nhân ở chặng 1 Giải FINA World Cup 2015 tại Moscow (Nga). Tại chặng 2 ở Paris, Ánh Viên tiếp tục giành thêm 1 HCB nội dung 400m hỗn hợp cá nhân; đoạt HCV nội dung 200m hỗn hợp, HCĐ nội dung 800m tự do tại Đại hội Thể thao quân sự thế giới ở Mungyeong (Hàn Quốc). Năm 2016, ở Giải bơi vô địch châu Á lần thứ 10 diễn ra tại Nhật Bản, cô giành HCV 400m hỗn hợp cá nhân với thời gian 4 phút 37 giây 71, nhanh hơn người về đích thứ hai là VĐV Nhật Bản, Shimizu Sakiko gần 3 giây; ba HCĐ ở cự ly 200m tự do, 200 m hỗn hợp cá nhân và 800m tự do. Ngoài việc mang về cho đoàn Việt Nam tấm HCV đầu tiên tại giải đấu này, nữ kình ngư còn lập kỷ lục mới, phá kỷ lục cũ là 4 phút 41 giây 29 do VĐV Trung Quốc Liu Jing lập năm 2002.

Ánh Viên tâm sự: “Tôi giành nhiều huy chương, phá nhiều kỷ lục ở một số giải đấu nhưng luôn nỗ lực tập luyện, hướng về phía trước. Bởi nếu hài lòng với những gì đạt được, tôi sẽ thất bại ngay từ bây giờ chứ không phải chờ tới ngày mai”. Và để có được những vinh quang trên, Ánh Viên đã phải khổ luyện trong thời gian dài. Nhiều năm cô xa nhà đến 365 ngày. Sống xa gia đình, mỗi ngày Ánh Viên tập luyện từ 8 - 9 tiếng đồng hồ trong bể bơi với khối lượng rất lớn, thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt rất nghiêm khắc. Nhưng với ý chí kiên cường và niềm đam mê, cô đón nhận tất cả một cách nhẹ nhàng và biến những khó khăn thành động lực để vươn lên. Chính vì vậy, tờ New Paper đã gọi Ánh Viên với biệt danh “Cô gái thép”.

Trong cuộc sống, Ánh Viên rất hiền lành và có phần nhút nhát. Các chuyên gia nhận định, với việc tiếp tục tập huấn dài hạn tại Mỹ, Ánh Viên sẽ còn “gặt hái” thành công trong thời gian tới. Những thách thức, những đỉnh cao phía trước đang vẫy gọi cô gái 20 tuổi trẻ trung và tràn đầy nhựa sống của vùng đất Chín Rồng. Và tất cả đều chờ đợi những chiến công tiếp theo của Ánh Viên.

ANH NINH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/thethao/item/31547402-nhung-niem-tu-hao-cua-the-thao-viet-nam-nam-2016.html