Những nữ sinh gây 'bão mạng' năm 2016

Biết 7 thứ tiếng, 17 tuổi nhận 12 học bổng của các trường ĐH danh giá nhất thế giới, được tặng hoa cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, đạt học sinh giỏi quốc gia nhưng trượt ĐH... đó là những nữ sinh “nổi như cồn” trong năm 2016.

Nữ sinh đạt học sinh giỏi quốc gia nhưng... trượt đại học

Đó là trường hợp của em Đặng Thị Huyền, người dân tộc Hoa (thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) là học sinh của Trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp 2 - 3 Yên Minh, Hà Giang, đạt 27,5 điểm nhưng vẫn “trượt” ĐH. Huyền còn đoạt giải 3 môn Địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia dành cho học sinh lớp 12.

Tháng 11.2016, khi được mời lên Hà Nội dự lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu, Huyền mới biết mình trượt ĐH vì không nắm rõ thông tin về điểm mới trong xét tuyển năm 2016.

Huyền đã viết tâm thư cầu cứu và nhờ phóng viên Dân Việt gửi tới Bộ GD-ĐT. Sau đó, Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị ĐH Luật Hà Nội xét trúng tuyển cho em Huyền. Do sinh viên đã học gần hết học kỳ I nên Trường ĐH Luật quyết định bảo lưu kết quả cho thí sinh Đặng Thị Huyền. Em sẽ nhập học Trường ĐH Luật Hà Nội vào năm 2017.

Nữ sinh “nhại” 7 thứ tiếng

Đó là em Trần Nguyễn Khánh Vy - cựu học sinh lớp 12, Trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), người khiến cư dân mạng năm 2016 phải “sôi sục” thích thú vì khả năng "nhại" nhiều thứ tiếng trong ít phút.

Những ngoại ngữ Khánh Vy thể hiện trong clip gồm: tiếng Thái; tiếng Trung; tiếng Hàn; tiếng Anh; tiếng Ý và tiếng Việt. Clip được quay tại Trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An.

Ngoài khả năng “nhại” ngoại ngữ, Vy còn có khả năng “nhại” giọng nhiều vùng miền khác nhau. Hiện Vy đang là sinh viên của ĐH Ngoại giao.

Con gái người lao công nhận học bổng 7 tỷ đồng từ Harvard

Rất nhiều người biết đến Trần Thị Diệu Liên - cô gái sinh năm 1997, cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, đã xuất sắc nhận được học bổng 7 tỷ đồng của trường ĐH danh tiếng Harvard.

Nhưng điều khiến nhiều thế hệ sinh viên nể phục có lẽ vì hoàn cảnh gia đình của Liên. Em là con của người mẹ lao công và người cha làm biển quảng cáo ở TP.HCM. Em đã hoàn toàn dựa vào năng lực cá nhân để nhận được học bổng “khủng”.

“Nổi như cồn” vì giấc mơ lương khởi điểm 2.000USD/tháng

Phạm Thị Thanh - sinh viên Học viện Kỹ thuật mật mã - vô tình “nổi như cồn” khiến nhiều cư dân mạng phải “lùng sục” tìm kiếm chỉ với câu hỏi: “Phải học tập và làm việc thế nào để có lương khởi điểm 2.000USD/ tháng?”.

Câu hỏi này của cô đã làm thổi bùng lên hai luồng ý kiến trái chiều, tạo ra làn sóng dư luận mạnh mẽ. Một bên là cư dân mạng trong đó có nhiều người trẻ, những doanh nhân thành công, những chuyên gia giáo dục cho rằng ước mơ này của nữ sinh là khá viển vông. Nhất là khi ước mơ đó lại được đặt trong bối cảnh tỷ lệ sinh viên ra trường không có việc làm tại nước ta đang... cao ngất.

Tuy nhiên, cũng có một bộ phận không hề nhỏ sinh viên, các nhà tuyển dụng lại ủng hộ tinh thần cầu tiến, chủ động hoàn thiện bản thân mình để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của nữ sinh Phạm Thị Thanh.

Nữ sinh tặng hoa Tổng thống Mỹ Barack Obama

Trần Mỹ Linh - SV ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội - là cô gái có vinh dự tặng hoa Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay khi ông bước chân xuống sân bay Nội Bài trong chuyến thăm Việt Nam.

Ngay sau đó, hình ảnh về cô gái Việt trong tà áo dài thướt tha chào đón Tổng thống Obama đã lan tỏa khắp các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều người dùng mạng xã hội bày tỏ sự ngưỡng mộ khi ngắm nhìn khoảnh khắc ấy, đồng thời ra sức tìm kiếm thông tin cá nhân của bạn trẻ may mắn này.

17 tuổi, nhận học bổng 12 trường ĐH hàng đầu thế giới

Đó là nữ sinh Võ Tường An - nhân vật “quyền lực” nhất mùa tuyển sinh quốc tế năm 2016. Cô gái Việt đã xuất sắc chinh phục hơn 10 trường ĐH hàng đầu thế giới, trong đó có 4 cái tên “đình đám” góp mặt ở nhóm trường Ivy league là ĐH Harvard, Yale, Cornell, Dartmouth và ĐH Stanford (nơi có tỷ lệ trúng tuyển thấp hơn so với bất kỳ trường Ivy League nào).

Tường An đã quyết định chọn học Đại học Stanford.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nhung-nu-sinh-gay-bao-mang-nam-2016-735330.html