Những phát minh kì diệu từ cơ thể con người

Cơ thể con người từ lâu vẫn là nguồn cảm hứng để các nhà khoa học phát minh ra những điều kì diệu. Mới đây, các nhà nghiên cứu đã có bước tiến lớn trong lĩnh vực y sinh khi lần đầu tiên kết nối trực tiếp não người với internet. Và cùng với đó, một công ty startup đã thu thập các dữ liệu di truyền của hàng triệu người để phát triển các loại thuốc mới.

Liên kết não người với máy tính

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Wits ở Johannesburg, Nam Phi đã tạo ra bước đột phá lớn trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh. Theo một báo cáo được công bố trên Medical Express, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đã tạo ra cách kết nối bộ não con người với Internet trong thời gian thực.

Dự án có tên "Brainternet" này sẽ biến não của người thành “nút” để kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT) trên World Wide Web. Các nhà nghiên cứu đã thu thập tín hiệu sóng não EEG từ một thiết bị có tên Emotiv EEG được kết nối với đầu của người dùng.

Sau đó, các tín hiệu được truyền đến một máy tính Raspberry Pi giá rẻ. Máy tính sẽ trực tiếp truyền dữ liệu tới một giao diện lập trình ứng dụng và hiển thị dữ liệu trên một trang web mà ai cũng có thể truy cập được.

Ông Adam Pantanowitz, giảng viên trường ĐH Wits ở bộ môn Kỹ thuật điện và Thông tin và cũng là giám sát của dự án, cho biết: “Brainternet mở ra một biên giới mới trong hệ thống giao diện não - máy tính. Hiện tại, chúng ta vẫn còn thiếu các dữ liệu để hiểu cách bộ não con người làm việc và xử lý thông tin.

Vì vậy, Brainternet tìm cách đơn giản hóa sự hiểu biết của một người về bộ não của họ và bộ não của người khác. Điều này được thực hiện thông qua việc giám sát liên tục hoạt động của não cũng như cho phép bộ não thực hiện một số hoạt động tương tác”.

Liên kết não với máy tính (Ảnh: Internet)

Nhóm nghiên cứu hiện đang nhắm tới việc tạo ra những trải nghiệm tương tác giữa người sử dụng và bộ não của họ. Một số chức năng này đã được xây dựng trên trang web nhưng ở phạm vi rất hẹp – nó chỉ giới hạn trong các cử động như di chuyển cánh tay.

"Chúng tôi sẽ cải tiến Brainternet để phân loại âm thanh,giọng nói thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh. Chúng sẽ cung cấp dữ liệu cho một thuật toán học máy để xử lý. Trong tương lai, thông tin có thể được truyền đến bộ não ở cả hai hướng: đầu vào và đầu ra”, ông Pantanowitz cho biết.

Những ứng dụng trong tương lai của dự án này có thể mở ra một số đột phá thú vị trong máy học và các giao diện máy tính – não như như dự án Neural Lace của Elon Musk hay Kernel của Bryan Johnson. Dữ liệu thu thập được từ dự án cũng sẽ giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về suy nghĩ của chúng ta và tìm ra cách để tận dụng những kiến thức đó – nhằm tăng cường sức mạnh của bộ não.

Chế tạo thuốc từ DNA của người

Mới đây, công ty khởi nghiệp nghiên cứu và phân tích di truyền 23andMe đã gọi vốn thành công gần 200 triệu đô trong vòng tài trợ mới nhất. Công ty hiện đang được định giá khoảng 1,5 tỷ đô la tiền mặt, tăng 500 triệu đô so với năm 2015.

Trong vài tháng qua, 23andMe đã tăng cường ngân sách để tiếp tục mở rộng việc nghiên cứu về di truyền nhằm sớm tung ra sản phẩm thuốc mới chế tạo từ DNA của con người. Việc CEO của công ty là Anne Wojcicki lựa chọn nhận tài trợ từ các tổ chức tư nhân cho thấy công ty chưa muốn công khai sản phẩm vào thời điểm này.

23andMe nổi tiếng với các sản phẩm gốc có nguồn gốc từ con người. Họ đã cho thực hiện những xét nghiệm gen cá nhân để đưa ra dự đoán về khuynh hướng xuất hiện các đặc điểm di truyền của một cá thể, ví dụ như hói đầu, mù lòa, và các bệnh như Parkinson.

Tuy nhiên vào năm 2013, Cục Quản lý Dược Liên bang (FDA) đã yêu cầu 23andMe ngừng bán những sản phẩm thử nghiệm này. Trong năm 2015, FDA lại chấp thuận chấp thuận cho 23andMe bán lại các sản phẩm này nhưng nó không hề giống với các sản phẩm trướ đó.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, 23andMe đang nghiên cứu di truyền theo một hướng khác. Sau khi bị cấm bán sản phẩm xét nghiệm gen, công ty đã bắt đầu nghiên cứu sâu hơn và nhận thấy tiềm năng từ xét nghiệm di truyền.

Vào năm 2015, 23andMe đã thuê Richard Scheller - người trước đây phụ trách việc chế tạo dược phẩm tại Genentech 14 năm vào làm nhân viên của công ty. Hai công ty trước đây đã từng hợp tác để thực hiện một dự án nghiên cứu có giá trị hàng triệu đô la.

Chế tạo thuốc từ DNA (Ảnh: Internet)

Genentech đã mua quyền truy cập thư viện thông tin DNA của 1,2 triệu người từ 23andMe. Những người tham gia vào quá trình thu thập dữ liệu được lựa chọn có đưa dữ liệu di truyền của họ vào Ngân hàng sinh học (Biobank) hay không và trả lời các câu hỏi khảo sát bổ sung. Hiện nay nguồn dữ liệu khổng lồ này đang hỗ trợ đắc lực cho các nhà nghiên cứu tìm ra loại thuốc mới.

Ví dụ, một câu hỏi yêu cầu người tham gia khảo sát cho biết các biểu hiện cụ thể khi họ thức dậy vào buổi sáng. Dựa vào các gợi ý hữu ích này, các nhà nghiên cứu sẽ phát triển loại thuốc điều chỉnh sự tỉnh táo của con người..

Từ lâu, 23andMe từng đề nghị hợp tác với một số công ty khác nhưng không khả quan và có lẽ công ty sẽ sẽ tự mình phát triển các phương pháp điều trị. Công ty đã mở một phòng thí nghiệm thuốc vào năm 2016, và nhờ vào khoản tài trợ gần đây, họ sẽ có điều kiện trang bị thêm thiết bị và cơ sở hạ tầng cho việc nghiên cứu.

Bích Trâm (Futurism)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nhung-phat-minh-ki-dieu-tu-co-the-con-nguoi-c7a570949.html