Những phát ngôn ấn tượng của lãnh đạo giới ICT năm 2016

Những phát ngôn ấn tượng trong năm 2016 của lãnh đạo các doanh nghiệp ICT không tập trung nhiều về vấn đề quản lý mà nhắm nhiều đến vấn đề khởi nghiệp. Trong đó nổi lên vẫn là lãnh đạo của FPT và Viettel, EWAY… đã gây được dấu ấn mạnh mẽ.

“Nghèo đói là sức mạnh để khởi nghiệp”

Năm 2016 được lấy là năm khởi nghiệp và phòng trào khởi nghiệp của Việt Nam bắt đầu lên cao. Rất nhiều ý kiến cho rằng khởi nghiệp cần phải có vốn đầu tư, nhưng ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho rằng sức mạnh để khởi nghiệp đó là trong tay chẳng có gì cả. Khi chúng ta chẳng có gì để mất thì chúng ta có mọi thứ để thắng, đó chính là sức mạnh của nghèo đói để khởi nghiệp thành công.

“Tôi nghĩ rằng khởi nghiệp đầu tiên là chúng ta phải bán chiếc xe máy của mình đi, bán chiếc áo vest của mình đi,…thì mới thành công vì chỉ khi ấy chúng ta mới xả thân", ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel

Ông Nguyễn Mạnh Hùng kể câu chuyện khá thú vị khi đầu năm 2004 đi sang Malaysia để học hỏi một người rất kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông. "Ông ấy hỏi “khó khăn lớn nhất của ông là gì”? Tôi bảo: “Khó khăn lớn nhất là chúng tôi là chẳng có gì”? Ông ấy nói: “Đó là sức mạnh lớn nhất của ông đấy, khi chúng ta chẳng có gì để mất thì chúng ta có mọi thứ để thắng”. Sau này nghiệm ra thì thấy cực kỳ đúng đối với Viettel. Những công ty có nhiều thứ để mất thì không có gì để thắng đâu. Cho nên “không có gì” là một sức mạnh vô cùng lớn của người khởi nghiệp. “Tôi cũng nghĩ mãi, số nào là số to nhất, chúng ta cứ nghĩ rằng, số 0 là bé nhất, nhưng thực ra đó là số to nhất vì nó chia được cho tất cả các số. Vậy khi khởi nghiệp, chúng ta hãy bắt đầu từ số 0 và hãy luôn nhớ rằng, đó là sức mạnh lớn nhất của mình", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

“Đừng ngại gian khó ngay cả khi khởi nghiệp từ căn gác xép đi thuê”

Chủ tịch FPT, ông Trương Gia Bình

Tại sự kiện gặp gỡ Hiệp hội Internet Việt Nam với chủ đề “Tổ chức kinh doanh bắt kịp xu thế toàn cầu hóa” diễn ra ngày 11/8, Chủ tịch FPT, ông Trương Gia Bình cho rằng nếu thực sự khởi nghiệp, các startup trong nước phải tự chủ, sáng tạo và đam mê.

Khởi nghiệp luôn cần sự hy sinh, nỗ lực tối đa của chính cá nhân. Bởi trong nhiều trường hợp, nếu nhận được sự hỗ trợ sớm có thể sẽ không thành công. “Khi bạn đã đầy đủ, an toàn thì thường mất đi sự sắc sảo", Chủ tịch FPT nói.

“Như câu chuyện của những người sáng lập Vatgia.com, họ ở nhờ trên gác xép, 3 năm trời không lương, ăn mì gói. Đấy chính là tinh thần khởi nghiệp”, Chủ tịch Trương Gia Bình nói, đồng thời nhấn mạnh giới trẻ muốn khởi nghiệp hãy hành động quyết liệt, không được ngại gian khó.

“Người Việt Nam thường nghĩ chuyện rất nhỏ nhưng khi có đe dọa lớn ở bên ngoài thì mới nghĩ đến chuyện lớn”

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty FPT, công ty này đã bắt đầu chiên dịch toàn cầu hóa từ năm 1998 xuất phát từ nỗi sợ hãi và phải thay đổi nếu không muốn FPT phải tan rã. Cũng theo ông Bình, người Việt Nam thường nghĩ chuyện rất nhỏ nhưng khi có đe dọa lớn ở bên ngoài thì mới nghĩ đến chuyện lớn. Bên cạnh đó, người Việt có khả năng hòa nhập rất lớn nhưng lại luôn có nỗi sợ hãi. Do đó, các doanh nghiệp muốn phát triển thì phải ra nước ngoài và đó chính là toàn cầu hòa. Lý giải cho điều này, ông Bình cho rằng, ra nước ngoài thì sẽ không sợ nữa vì bản năng của người Việt là rất muốn hiểu và không làm mất lòng người khác. Bản năng đó mà đem ra áp dụng thì chỗ nào cũng thắng”, ông Bình nói.

An ninh mạng là vấn đề “nóng” trong khoảng 2 tuần, sau đó lại nguội ngắt như chưa từng xảy ra

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC

Trao đổi tại tọa đàm “An toàn thông tin và mối đe dọa tới nền kinh tế” do Câu lạc bộ nhà báo ICT vừa tổ chức tại Hà Nội, Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC bày tỏ quan điểm lo ngại về mức độ an toàn an ninh thông tin của các hệ thống CNTT, kể cả các hệ thống trọng yếu quốc gia. Khách hàng tại nhiều nơi xảy ra sự cố mất an toàn bảo mật chỉ quan tâm, coi đây là vấn đề “nóng” trong khoảng 2 tuần, sau đó lại nguội ngắt như chưa từng xảy ra.

“Thế giới được tạo ra bởi những người chưa có kinh nghiệm”

Ông Đặng Công Nguyên, CEO của EWAY

Ông Đặng Công Nguyên, CEO của EWAY cho rằng, thế giới được tạo ra bởi các thế hệ tiếp theo, các thế hệ trẻ chưa có kinh nghiệm. Thường kinh nghiệm giống như những vết hằn trong đầu, và những biến cố hình thành nên kinh nghiệm thường là những biến cố thương đau, tức là trên một quãng đường mà anh chạy rất nhanh thì anh sẽ không nhớ quãng đường đó, nhưng nếu anh thụt hố, vấp ổ gà thì chắc chắn anh sẽ rất nhớ quãng đường đấy, nên kinh nghiệm thường là kinh nghiệm thất bại, ngã, và những kinh nghiệm đấy thường chỉ giúp cho mọi người tránh khỏi ngã chứ chưa chắc đã thành công. Vì thế EWAY tin rằng thế giới được tạo ra bởi những người chưa có kinh nghiệm, thế giới đang được dẫn dắt bởi những người chưa có kinh nghiệm. Kinh nghiệm thì chỉ là giúp ít vấp ngã, đỡ làm sai, còn đi tiên phong thì bao giờ cũng phải là người chưa có kinh nghiệm.

“Quản lý của Thế giới Di động không cần tốt nghiệp Đại học mà biết cách phục vụ khách hàng”

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thế giới Di động

“Thế giới Di động đã làm cho mọi thứ trở nên cực kỳ đơn giản. Quản lý của Thế giới Di động không cần biết nhiều, không cần tốt nghiệp Đại học mà biết cách phục vụ khách hàng, hiểu tâm lý khách hàng". Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thế giới Di động khi chia sẻ về khởi nghiệp, về việc quản lý nhân sự tại sự kiện Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam 2016 (Vietnam Young Leaders Forum 2016) ở TP HCM ngày 2/12).

PV

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/nhung-phat-ngon-an-tuong-cua-lanh-dao-gioi-ict-nam-2016-148720.ict