Những phát ngôn ấn tượng nhất năm 2016

Cùng BizLIVE nhìn lại năm 2016 qua những phát ngôn ấn tượng.

“Làm sao để con cháu nông dân... có cơ hội thành lãnh đạo đất nước”

Phát biểu ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 7/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực. Nguyễn Trãi đã từng nói: “nước Đại Việt ta hào kiệt không bao giờ thiếu”. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Ngày nay, nhân tài, hiền tài của Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài không thiếu, phải tạo mọi cơ hội để người tài cùng tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hiền tài trong tương lai là thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta phải có trách nhiệm giáo dục, đào tạo lớp trẻ. Cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, dành ngân sách thỏa đáng để cải thiện phòng học, thư viện, nhà vệ sinh; lo tốt hơn điều kiện ăn ở, đi lại cho các cháu ở vùng sâu vùng xa.

Phải tạo cơ hội bình đẳng trong học tập, làm việc, thăng tiến để xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài. Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai..

“Tôi rất thanh thản khi được trở về sống với đời thường”

Đó là điều đầu tiên ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong cuộc trao đổi riêng với báo chí trước khi kết thúc nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ.

“Tôi rất thanh thản. Sau gần 55 năm chiến đấu, công tác, được Đảng, Nhà nước cho nghỉ chính sách, được trở về sống với đời thường, được thường xuyên quây quần với gia đình con cháu và được sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, đang trên đà hội nhập, phát triển và sánh vai với bạn bè trên thế giới, tôi cảm thấy hạnh phúc.

Tôi chân thành cảm ơn những tình cảm cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế.

Tôi luôn biết ơn sự hi sinh to lớn của đồng chí, đồng bào chúng ta để đất nước mình có được ngày hôm nay”, ông Nguyễn Tấn Dũng nói.

“Chúng ta bắt tay thế thôi chứ về anh nào lo anh nấy”

“Lâu nay chúng ta nói liên kết vùng nhưng chưa có cơ chế điều hành, các vấn đề nội vùng được giải quyết một cách phân tán theo lợi ích của từng địa phương. Chúng ta bắt tay thế thôi chứ về anh nào lo anh nấy”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã nói như vậy tại hội nghị “Kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” hồi tháng 8/2016.

Theo ông Thăng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của cả nước, có đô thị đặc biệt là TP.HCM. Trong những năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng này gấp 1,5 lần của cả nước và là đầu tàu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng. Hệ thống quản lý đô thị, quản lý vùng chưa theo kịp sự phát triển, chưa giúp nâng cao năng lực tăng trưởng và cạnh trạnh, nguồn lực còn phân tán.

“Vấn đề lớn nhất cản trở sự phát triển của vùng là do xử lý lợi ích cục bộ theo từng địa phương trong việc phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, quản lý đô thị… Các tỉnh, thành chưa kết nối được với nhau”, Bí thư Thăng nói.

“Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang bằng con đường nào?”

Vụ việc về ông Trịnh Xuânh Thanh - nguyên Phó chủ tịch Hậu Giang là vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận năm 2016. Tại phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ ở kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV hồi tháng 11, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho biết, ngày 31 tháng 8 vừa qua là thời hạn cuối cùng để Bộ Nội vụ báo cáo với Thủ tướng về việc con đường đi qua quy trình từ Bộ Công thương về tỉnh Hậu Giang của ông Trịnh Xuân Thanh.

“Vậy, xin hỏi Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng chưa, nếu không phải bí mật thì đề nghị Thủ tướng cho biết ông Thanh đi bằng con đường nào và cấp nào quyết định”, đại biểu Kim nêu vấn đề.

Tuy nhiên, do phiên chất vấn đã hết thời gian nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thủ tướng trả lời bằng văn bản tới đại biểu. Ngoài đại biểu Kim, còn có chất vấn của 7 đại biểu khác cũng sẽ được Thủ tướng trả lời bằng văn bản.

“Tôi không vui khi người thân được bầu làm lãnh đạo”

“Bổ nhiệm người nhà” là một trong vấn đề nổi cộm về công tác cán bộ được nhắc nhiều tới trong năm 2016. Hồi tháng 9, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin về một số lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh có quan hệ họ hàng, thân thích với Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh.

Làm rõ vấn đề này khi trao đổi với báo giới, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết, ông đã nắm được thông tin về vấn đề này và xác nhận, một số người được nêu đó đúng là có quan hệ họ hàng với ông.

Ông Vinh khẳng định, quy trình bổ nhiệm đối với những người này đều tuân thủ đúng quy định của Đảng, Nhà nước và thực tế, cá nhân ông cũng “không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo”.

“Trước bàn thờ tổ tiên của mình, tôi luôn tâm niệm là phải làm những gì tốt nhất cho người dân và cho đến giờ, tôi vẫn đang cố gắng hết sức để làm điều đó…”, ông Vinh nói..

“Đừng thấy doanh nghiệp ăn mặc đẹp, có tiền mà nhũng nhiễu!”

“Chúng ta phải làm sao cho mỗi doanh nghiệp khi đến các cơ quan nhà nước cảm thấy được tôn trọng và thoải mái nhất… Cán bộ đừng nhìn thấy doanh nghiệp người ta ăn mặc đẹp, có tiền mà gây nhũng nhiễu hoạnh họe. Doanh nghiệp họ phải chảy cả máu mắt mới làm ra được đồng tiền. Các cụ ngày xưa đã nói làm chảy máu mắt mới có cái ăn, các doanh nghiệp cũng như vậy”.

Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã nói như vậy tại hội nghị Đối thoại doanh nghiệp 2016.

Ông Xuân Anh cho biết để giải quyết triệt để các chi phí không chính thức, thường trực Thành ủy Đà Nẵng sẽ lắng nghe phản ánh khó khăn của doanh nghiệp và giải quyết hàng tháng. Vấn đề nào giải quyết được thì trả lời ngay, không được cũng trả lời dứt khoát không để doanh nghiệp chờ lâu.

Thêm đó, ông Xuân Anh cũng nhấn mạnh, kinh doanh phải có văn hóa, phải có đạo đức. Làm ăn thì phải đúng pháp luật, đúng đắn và không vì lợi nhuận mà làm sai. Doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì cũng sẽ xử lý nghiêm và dứt khoát.

“Vụ Formosa còn tiềm ẩn lâu dài về quốc phòng - an ninh”

Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm là nguyên nhân xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung hồi tháng 4. Sự tồn tại của Formosa ở Việt Nam là câu chuyện “nóng” năm 2016.

Tại phiên họp hồi tháng 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội nhận định: Vụ việc Formosa bước đầu giải quyết tốt nhưng vẫn còn tiềm ẩn sâu xa nhiều vấn đề lâu dài trong đó có vấn đề quốc phòng - an ninh.

Ông Đỗ Bá Tỵ nêu hàng loạt câu hỏi: “Vấn đề khắc phục môi trường bao giờ sẽ làm được để nghề cá tiếp tục? Vấn đề liên quan quốc phòng - an ninh? Việc giải ngân số tiền đền bù của Formosa sẽ được thực hiện thế nào? Trách nhiệm của các cơ quan? Tiền đến tay người dân ra sao?”.

Theo ông Tỵ, nếu không làm tốt các vấn đề này, sẽ có những vấn đề khác phát sinh như việc người dân có thể tiếp tục khiếu kiện, chưa kể khả năng các thế lực thù địch sẽ có những tác động lợi dụng.

“Tôi thấy vụ việc Formosa còn là vấn đề tiềm ẩn lâu dài. Nếu không lường trước, tình hình sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp. Vấn đề ở đây không chỉ đơn giản về kinh tế mà còn gắn với quốc phòng - an ninh”, ông Đỗ Bá Tỵ nhận định.

“ Hà Nội nhìn thấy trước thảm họa nhưng chưa có cách thoát”

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng thành phố đã nhìn thấy trước “thảm họa” nhưng không có cách nào thoát nếu thiếu tiền đầu tư.

Tôi có báo cáo Bộ Chính trị là Hà Nội đang nhìn thấy thảm họa tiến dần phía mình mà không biết làm cách nào chạy thoát”, Bí thư Hà Nội nói. Ông Hoàng Trung Hải phân tích lâu nay cứ phê phán Hà Nội xây nhà cao tầng nhưng không xây thì không có chỗ cho dân ở.

"Để giải quyết nạn ùn tắc giao thông, Hà Nội đã quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm với chiều dài 300 km nhưng đến nay vẫn chưa làm được km nào. 100 tuyến xe buýt hiện nay thì có 73 tuyến phải trợ giá, mở ra 53 tuyến xe buýt trong thời gian tới phải tăng cường trợ giá vì người dân không đi”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, một loạt dự án được Hà Nội đề nghị, trong đó có 8 tuyến tàu điện ngầm, mỗi tuyến khoảng 2 tỷ USD, hay các dự án ở báo cáo trước đây với tổng đầu tư lên tới 181.000 tỷ đồng, nếu Quốc hội không phê duyệt thì rất gay go. Quốc hội xem, duyệt cho dự án danh mục nào thì triển khai danh mục đó.

N.Mạnh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhung-phat-ngon-an-tuong-nhat-nam-2016-2349403.html