Những phát ngôn tâm huyết của doanh nhân

Tại buổi đối thoại với Thủ tướng, nhiều doanh nhân đã có những phát ngôn rất tâm huyết, thẳng thắn khi nói về thực trạng mà các doanh nghiệp (DN) đã gặp phải trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Hữu Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa: Không phải dễ thì để cho công, khó thì đẩy cho tư

Ông Nguyễn Hữu Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa

Nói về những vấn đề y tế, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa - Nguyễn Hữu Đệ, Chủ tịch Công ty Hợp Lực đã kiến nghị Chính phủ không cho phép xây bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viện công, thống nhất quy trình khám chữa bệnh giữa Bộ Y tế và bảo hiểm xã hội, các quy định về khám chữa bệnh cho người nghèo, thông tuyến khám chữa bệnh.

“Cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không nên làm nữa, phải tạo cơ chế bình đẳng giữa bệnh viện công và tư. Tránh tình trạng cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư” - ông Đệ nêu kiến nghị.

Ông Đệ cũng kiến nghị với Chính phủ cần tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức viên chức cơ sở trực tiếp làm việc với doanh nghiệp khi mà tình trạng các chậm trễ trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính vẫn còn phổ biến.

“Ở địa phương cán bộ đi chơi quá nhiều. Tránh tình trạng mua quan bán chức như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để đẩy nhanh việc cải cách” - ông Đệ cho biết.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH: Chú ý chất lượng sản phẩm ngay từ trong nước

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH

Tôi đã tham gia nhiều hội nghị và đã kiến nghị cần ban hành ngay quy chuẩn về an toàn thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm sữa.

Theo bà Hương, chữ tín trong kinh doanh là bao gồm chữ tín của DN và của cả doanh nhân nhưng chữ tín này đang bị đánh đồng. Dù có tiêu chuẩn sữa học đường nhưng hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể về dạng sữa lỏng.

Chủ tịch TH cho biết tới giờ không hiểu vướng mắc ở đâu mà vẫn chưa thể ban hành được tiêu chuẩn sản phẩm, nhất là về sữa. Hiện nay đang có sự quên lãng rất lâu về dạng sữa lỏng. Ở các nước tiên tiến, người ta chỉ dùng sữa bột và sữa tươi, nhưng ở Việt Nam lại lạm dụng sữa tiệt trùng. Tiệt trùng chỉ là biện pháp công nghệ tiệt trùng hoặc thanh trùng, còn sữa lỏng được phân loại là sữa hoàn nguyên hay sữa pha lại, sữa hỗn hợp. Mặc dù Bộ Y tế đã làm rất tốt rồi, lấy rất nhiều ý kiến của rất nhiều DN và cộng đồng nhưng đến hôm nay vẫn chưa ra được tiêu chuẩn sữa lỏng, không hiểu vướng mắc từ đâu?

Để biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới, theo bà Thái Hương, trước hết phải làm tử tế ngay trong nước, phải ban hành tiêu chuẩn sản phẩm để DN cạnh tranh lành mạnh.

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga: Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, kiến nghị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân phát triển; mong Chính phủ sớm có văn bản cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5, để DN tư nhân cạnh tranh bình đẳng với với khu vực kinh tế khác.

Bà Nga cũng góp ý sớm có văn bản cụ thể hóa chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự để bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN, nâng cao tư duy dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư và khắc phục các rủi ro kinh doanh.

Ông Trần Hồng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist: Quảng bá du lịch còn hạn chế vì thiếu ngân sách

Ông Trần Hồng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist

Đại diện của Saigontourist cũng xin kiến nghị về quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Hiện nay, Bộ VHTT-DL mỗi năm được cấp ngân sách 2 triệu USD, trong khi đó Thái Lan 80 triệu USD, Malaysia 61 triệu USD. Đề nghị các doanh nghiệp cần đóng góp thêm vào quỹ này. Như vậy, Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng phát triển du lịch.

Ông cũng cho rằng nên có các chính sách hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Ví dụ, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đầu tư vào Bản Giốc và phát triển rất tốt. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ để có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tại vùng sâu, vùng xa.

CEO HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải: Cải cách sẽ biến Việt Nam thành “con hổ mới” ở châu Á

CEO HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải

Hiện chưa rõ số phận TPP ra sao nhưng CEO HSBC Việt Nam khuyến nghị Chính phủ vẫn nên tiếp tục các cải cách theo cam kết TPP. Đây là cơ sở tạo ra cơ hội lớn cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Tuy thời gian gần đây doanh nghiệp Việt hụt hơi hơn so với khối ngoại, nhưng ông Hải vẫn tin tưởng, đất nước chỉ có thể phát triển nếu có đội ngũ doanh nghiệp nội khỏe, bền vững. Do đó, doanh nghiệp trong nước cũng cần cải cách, nâng cao kỹ năng quản trị, áp dụng khoa học công nghệ, tiếp tục tham gia chuỗi cung ứng với doanh nghiệp FDI.

Việt Nam đang ở lợi thế lớn dựa vào nhân công giá rẻ, làn sóng FDI là cơ hội vàng để cải cách đất nước. Chính phủ tiếp tục cải cách, tạo điều kiện Việt Nam trở thành "con hổ mới" của châu Á.

Thống đốc Lê Minh Hưng: Bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhấn mạnh sự kiên định trong điều hành của Chính phủ trong việc bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đã tạo môi trường thuận lợi cho DN.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hoạt động tín dụng đã đạt được những kết quả tích cực, tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt 18,25%. Năm 2017, tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm; đến cuối tháng 4/2017, tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây; trong đó tín dụng VNĐ tăng 5,87% và tín dụng ngoại tệ tăng 4,64%.

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, trong đó đặc biệt là các dự án hiệu quả, các doanh nghiệp, dự án đầu tư có chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cạnh tranh được trong khu vực và thị trường thế giới; các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Vân Lam

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/nhung-phat-ngon-tam-huyet-cua-doanh-nhan-d57945.html