Những phương cách nhận dạng tội phạm độc đáo của cảnh sát các nước

Nhờ vào phác họa chân dung do một họa sĩ thực hiện, chỉ sau 4 ngày, Công an TP Hồ Chí Minh đã phá vụ án bắt cóc trẻ sơ sinh một ngày tuổi và bắt giữ thủ phạm Lê Thị Bích Trâm.

Thực chất, phác họa chân dung nghi phạm là một chuyên ngành của môn khoa học Nhân trắc hình sự ra đời từ cuối thế kỷ XIV. Nhờ phương pháp này, nhiều tên tội phạm nguy hiểm đã sa lưới pháp luật. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ, cảnh sát thế giới còn sử dụng nhiều biện pháp khác cũng khá hiệu quả. Báo Công an nhân dân xin giới thiệu một vài phương cách nhận dạng tội phạm tiêu biểu của cảnh sát các nước.

Phác họa chân dung tội phạm

Lois Gibson nổi tiếng cả thế giới về việc vẽ phác họa chân dung tội phạm qua lời kể của nhân chứng hoặc nạn nhân.

Ngay từ khi mới ra đời, phác họa chân dung nghi phạm đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong công tác điều tra, phá án của lực lượng cảnh sát các nước. Trải qua hai thế kỷ, biện pháp này vẫn được sử dụng ở tần suất cao. Những họa sĩ vẽ chân dung nghi phạm thường được gọi là họa sĩ pháp y. Theo hãng BBC, kỹ thuật vẽ pháp y gồm rất nhiều hoạt động như phác thảo chân dung qua lời kể nhân chứng, vẽ hiện trường vụ án, chỉnh sửa hoặc nhận dạng hình ảnh, vẽ tại tòa án, mô tả bằng chứng hoặc hỗ trợ pháp y nhận diện khuôn mặt, trong đó nổi bật nhất là hoạt động xây dựng chân dung tội phạm qua lời kể nhân chứng.

Nữ họa sĩ pháp y thành công nhất thế giới, từng ghi danh vào kỷ lục Guiness thế giới Lois Gibson cho biết, ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, người ta có thể vẽ chân dung nghi phạm trên máy tính. Tuy nhiên, những nét vẽ bằng máy đó hầu như không có thần thái và khó có thể mô tả chân thực hình ảnh của nghi phạm với những nét nổi bật bề ngoài dễ nhận biết như hình xăm, vết sẹo… Vì thế, bà và nhiều đồng nghiệp khác vẫn có thói quen dùng bút chì màu đen và giấy để phác họa mặt, đầu của nghi phạm. Và với “thói quen khó bỏ” này, Lois Gibson đã giúp cảnh sát Mỹ, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phát hiện nhiều tên tội phạm nguy hiểm, cả những nghi phạm khủng bố quốc tế.

Công nghệ nhận diện bằng phần mềm máy tính

Với sự phát triển của công nghệ hình ảnh 3D, 4D, thậm chí là 5D, việc nhận diện tội phạm bằng máy tính cũng đang bắt đầu được ưa chuộng tại Anh, Mỹ và khoảng 30 quốc gia khác. Tin từ hãng AFP cho hay, công nghệ nhận diện tội phạm bằng phần mềm máy tính có bước đột phá từ sau khi nhóm nghiên cứu thuộc trung tâm Sinh trắc học CyLab, Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) công bố hệ thống chuyển đổi ảnh bình thường thành ảnh 3D, cho phép tái tạo gương mặt nghi phạm ở nhiều góc độ nhằm nâng cao khả năng nhận diện và giúp cảnh sát khoanh vùng nghi phạm nhanh hơn.

Công nghệ nhận diện bằng phần mềm máy tính đã được FBI sử dụng trong việc nhận dạng thủ phạm vụ đánh bom ở Boston hồi năm ngoái.

Nghĩa là khác với cách thông thường là ghép từng bộ phận của khuôn mặt, công nghệ mới này cho phép nạn nhân và nhân chứng sàng lọc nhanh khuôn mặt giống với nghi phạm (được tạo ra trên máy tính) rồi từ đó tạo ra khuôn mặt thật của nghi phạm. Nhận thấy đây là một phương cách làm việc hợp lý, đỡ tốn thời gian và công sức của cơ quan điều tra, mới đây, FBI đã tạo lập một dự án phân tích sinh trắc học trị giá 1 tỷ USD với tên gọi “Hệ thống nhận dạng thế hệ mới” (NGI) trong đó bao gồm cả việc nhận dạng giọng nói và phân tích ADN để nhận diện hình dạng khuôn mặt nghi phạm.

Nhận diện tội phạm qua ánh mắt nạn nhân

Khi đã nói đến công nghệ nhận dạng nghi phạm, không thể không nhắc đến một nghiên cứu thành công mới của các giáo sư thuộc Trường Đại học Glasgow, Scotland. Từ nghiên cứu này, cảnh sát Anh và Scotland đang áp dụng cho các vụ án liên quan đến bắt cóc và thủ phạm chụp ảnh nạn nhân rồi gửi về cho gia đình để làm bằng cớ tống tiền. Theo đó, bằng cách phóng to vào phần ánh mắt của người được chụp trong bức ảnh, người ta có thể thu được hình ảnh khuôn mặt của người đứng đằng sau camera, giúp các nhà điều tra tội phạm có thêm thông tin để phá án.

Trong một cuộc họp báo hồi tháng 12 năm ngoái, chuyên gia Rob Jenkins tại Trường Đại học Glasgow đã giải thích rằng, những bức ảnh được chụp bằng chiếc Hasselblad H2D39 megapixel, với ánh sáng đầy đủ và vật thể cách máy 1m đã giúp ông phát hiện và phân tích các phản chiếu trong mắt của những người bị chụp ảnh. Ngoài ảnh của người đối diện, các phản chiếu cũng có thể thu lại được hình ảnh của quang cảnh xung quanh, giúp các nhà điều tra xác định vị trí nơi xảy ra sự vụ.

Và bí mật về đội quân siêu nhận dạng

Bên cạnh các biện pháp công nghệ cao, khó ai có thể ngờ được rằng lực lượng cảnh sát Anh và Phần Lan cũng đang sử dụng một phương pháp khá đặc biệt là dùng người có trí nhớ siêu phàm (thường được biết đến với tên gọi “đội quân siêu nhận dạng) và chó biết nhận diện khuôn mặt để tìm kiếm tội phạm.

Đội quân siêu nhận dạng của Anh, theo tờ Telegraph miêu tả, được thành lập từ năm 2011 và hiện có khoảng 200 người. Các nghiên cứu của các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, não của những thành viên trong “đội siêu nhận dạng” có khả năng phân loại từng khuôn mặt người, từng đặc điểm nhận dạng… và sau đó hồi tưởng lại khuôn mặt, phát hiện các khuôn mặt này trong những đám đông. Trên thế giới, cứ 100 người lại có 1 người được xếp vào loại “siêu nhận dạng” nhưng hầu hết những người này lại không hề biết họ có kỹ năng đặc biệt như vậy.

Cho đến nay, những phương pháp nhận dạng tội phạm phổ biến nhất phải kể đến nhận dạng bằng thị giác, nhận dạng bằng đôi tay hoặc bằng thanh giác. Nhận dạng bằng thị giác tức là tìm các đặc điểm khác biệt của tội phạm qua mống mắt, võng mạc. Cách thức này thường khó và không phải lúc nào cũng thực hiện được. Trong khi đó, nhận dạng bằng đôi tay lại khá dễ dàng bởi người ta có thể phân biệt và phát hiện tội phạm qua dấu vân tay và hình dạng bàn tay với những đường chỉ tay… Nhưng việc này chỉ có hiệu quả nếu tội phạm không dùng găng tay. Còn nhận dạng bằng giọng nói thì lại phải phụ thuộc vào trí nhớ và sự nhận biết của nạn nhân hoặc nhân chứng. Nếu có băng ghi âm thì cảnh sát có thể sàng lọc giọng nói trong hồ sơ tội phạm đã có

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/quocte/2014/1/220853.cand