Những Rô-Bin-Xơn thời hiện đại nơi đảo thiêng

Họ là những kiểm lâm viên làm việc trên hơn chục hòn đảo nhỏ, biệt lập giữa biển trời mênh mông. Không chỉ giỏi xuyên rừng, leo núi, mà còn biết lái ca nô cao tốc, bơi lội như rái cá. Trong số này, nhiều chàng trai thuộc thế hệ 9x, chưa có gia đình, nhưng đang có cuộc tình rất đẹp.

Tình 'Ngưu Lang Chức Nữ"

Nghe tôi hỏi về những chàng kiểm lâm thế hệ 9x, anh Nguyễn Văn Trà, Hạt phó Hạt kiểm lâm Côn Đảo, cho biết: “Hạt có hơn 70 người, trong đó hơn 1 nửa thuộc thế hệ 9x, đều chưa vợ. Một số có người yêu, số còn lại vẫn đang lẻ bóng.

Trong số các bạn có người yêu ở xa, Ao Hoàng Sáng, sinh năm 1990, có mối tình đẹp, được nhiều người ngưỡng mộ. Hay Thái Đức Thọ, sinh năm 1991, cũng có người yêu ở tận Hà Tĩnh, nghe anh em nói cũng mặn nồng lắm. Sáng hiện giờ đang công tác ở đảo Bảy Cạnh. Để tôi bố trí đưa anh ra đó”.

Ao Hoàng Sáng và bạn gái

Từ đảo Lớn, chiếc ca nô rẽ sóng khoảng hơn nửa tiếng thì cập bến hòn Bảy Cạnh. Đây là một trong những đảo có nhiều bãi rùa lên đẻ nhất, vì thế, cũng là điểm “nóng” về nạn “quy tặc”. Gặp Ao Hoàng Sáng, tôi khá ngạc nhiên vì vẻ điển trai, thư sinh của chàng kiểm lâm 9x này.

Ông Lê Hữu Hòa, cán bộ kiểm lâm trạm Ông Đụng, người dẫn đường cho tôi, vừa cười vừa nói: “Chuyện tình cùa nó đẹp nên ai nó cũng khoe. Giờ cả đảo ai cũng biết”. Nghe vậy, Sáng thanh minh: “Làm gì có, chú”. Rồi quay sang tôi nói tiếp: “Ở Côn Đảo, có chuyện gì cũng khó giấu được. Còn chuyện của em, mọi người biết là lý do khác chứ không phải như chú Hòa nói đâu”.

Lúc này ông Hòa mới giải thích: “Tại vì ở các đảo nhỏ, gió mạnh lắm, sóng điện thoại lại chập chờn. Anh em nghĩ ra cách làm mấy cái “bốt” điện thoại bằng xốp, gỗ, vừa tránh gió vừa thu sóng tốt hơn. Điện thoại anh em đều để vào đây, khi có chuông thì ra nghe và phải mở loa ngoài mới nghe rõ. Nếu rời cái thùng ra là chỉ nghe tiếng gió ù ù thôi chứ không thấy tiếng nói.


"Bốt” điện thoại ở các đảo nhỏ

Mỗi lần ai nói chuyện điện thoại, mọi người gần như đều nghe hết. Anh em nhiều khi nghịch ngợm, cũng có khi muốn nghe chuyện quê nhà cho đỡ nhớ. Ấy là còn may mắn hơn trạm tôi, không có sóng điện thoại, phải đi hơn cây số lên đỉnh đồi mới có”. Sáng nói thêm: “Ban đầu em cũng ngại, nhưng sau quen, cũng muốn cho mọi người biết mọi chuyện”.

Ao Hoàng Sáng, sinh năm 1990, quê Quảng Ngãi, vào ngành Kiểm lâm năm 2011. Tính đến nay, anh có thâm niên 6 năm. Và cũng là thâm niên cuộc tình của anh với cô bạn gái Nguyễn Thị Mỹ Phượng. “Hai người đến với nhau như thế nào?”, tôi hỏi.

“Thực ra bạn gái em cũng là người Côn Đảo, tụi em quen nhau khi cô ấy chưa đi học. Hiện nay bạn em đã học năm cuối khoa Ngoại ngữ, Đại học Huế. Hồi mới xa nhau, em buồn vì nhớ, phần nữa là cũng lo… mất. Nhưng may bạn em hiểu nên mỗi khi có dịp nói chuyện với nhau là cô ấy lại động viên”.

Mối tình của chàng kiểm lâm trẻ Thái Đức Thọ, sinh năm 1991, hiện đang làm nhiệm vụ tại đảo Hòn Tre Nhỏ, cũng khá đẹp. Quê ở huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), trước khi vào ngành Kiểm lâm từ năm 2012, Thọ cũng kịp tìm được người trong mộng. Bạn gái Thọ hiện cũng đang theo học đại học tại Hà Tĩnh.


Chàng kiểm lâm trẻ Thái Đức Thọ

“Hồi mới ra đây, sóng điện thoại gần như không có. Nhiều lúc, cả mấy tháng trời không liên lạc về được. Cô ấy tưởng em “xa mặt cách lòng” nên giận. Đến khi nói chuyện được, em phải nhờ mấy chú nói hộ. Sau khi hiểu ra, cô ấy không giận nữa. Hòn Tre nhỏ là đảo khó khăn nhất trong số các đảo. Nhưng bây giờ gọi trực tiếp thì chập chờn nhưng cũng có thể nhắn tin liên lạc qua mạng xã hội được”, Thọ cho biết.

Ông Hòa cho biết, làm kiểm lâm ở Côn Đảo rất khó có người yêu. Vì ngoài khó khăn về điều kiện công tác, ở đảo nhỏ thì một tháng có vài ngày nghỉ, về đảo lớn. Nhưng trên đảo lớn cũng rất ít nữ giới.

“Hồi xưa, tôi phải “đấu” với khoảng 20 người khác mới giành được vợ đấy”, ông Hòa cười, khoe. Chính vì thế, ngoài những người có gia đình, có bạn gái, còn nhiều kiểm lâm trẻ khác chưa có người yêu.

Những người vợ tuyệt vời

Lực lượng kiểm lâm Côn Đảo phần lớn đều quê ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị... chính vì thế, khi bước chân ra đảo, hầu hết họ đều phải xa gia đình, vợ con. Điều đó có nghĩa, những người vợ, người mẹ ở quê nhà phải làm thêm thiên chức là trụ cột gia đình.


Thành viên trạm kiểm lâm Hòn Tre Nhỏ, Côn Đảo

Anh Dương Quang Hiếu, mới 28 tuổi nhưng đã phải sống xa vợ con, 2 tháng về 1 lần, cho biết: “Nhiều lúc nằm một mình, nhớ vợ, nhớ con kinh khủng. Nhưng vì nhiệm vụ. Cũng may là vợ tôi là người biết thông cảm, lại đảm đang. Nếu không, tôi khó mà yên tâm công tác được”.

Còn anh Lê Tiến Dũng, một trong những người có thâm niên công tác trên đảo lâu nhất, và chỉ còn vài năm nữa là về hưu, cho biết: “Từ bao năm nay vợ tôi tảo tần ở quê Quảng Bình, 6 tháng mới gặp chồng một lần, nhưng mọi chuyện gia đình cô ấy đều lo chu toàn. Bây giờ, các con đều đã trưởng thành, tất cả đều nhờ một tay vợ cả đấy”.

“Những người phụ nữ khi chấp nhận lấy anh kiểm lâm ở đất liền đã là can đảm, vì nghề này đi nhiều, lắm rủi ro, thu nhập lại ít. Nhưng nếu lấy kiểm lâm Côn Đảo thì còn can đảm hơn nhiều lần. Vì ngoài những khó khăn trên, còn phải chấp nhận thiếu thốn tình cảm vợ chồng, một tay quán xuyến chuyện gia đình, vừa làm mẹ vừa làm cha nuôi dạy con cái”, ông Hòa tâm sự.

Có lẽ, chính nhờ có hậu phương tốt, những mối tình đẹp mà lực lượng kiểm lâm ở Côn Đảo đã làm tốt nhiệm vụ. Và tại Côn Đảo, nhiệm vụ vô cùng quan trọng là bảo vệ đàn rùa. Mỗi năm, từ tháng 4 đến tháng11 là thời gian vích vào bãi cạn đẻ trứng, cũng là thời gian anh em kiểm lâm cực khổ nhất. Nhiều đối tượng sẵn sàng làm tất cả để ăn trộm, từ vích mẹ đến trứng. Nên phải canh giữ 24/24. Riêng lực lượng kiểm lâm trẻ, chưa vợ và các anh không có gia đình ở đảo thì có khi mấy tháng liền không nghỉ ngày nào.

“Hồi năm 2015, em bị stress, bị ám ảnh vì hình bóng những đối tượng chuyên trộm vích cứ lởn vởn trong đầu. Có đêm, em đang nằm ngủ lơ mơ trên võng thì mơ thấy rõ ràng đối tượng Phạm Văn Tân đang vào bãi trộm trứng, em vùng dậy, xách cây rựa chạy ào ra bãi. Làm mấy anh em đang trực bên cạnh giật mình lao theo. Ai ngờ đó chỉ là mơ. May là sao khi tên Tân bị bắt, việc bảo vệ vích nhẹ nhàng hơn, nhưng chưa phải hết hẳn đâu. Mình chỉ cần lơ là một chút là tụi nó vào trộm ngay”, Ao Hoàng Sáng kể.

“Bãi rùa đẻ chẳng có nhà cửa, nếu mưa gió thì sao?”, tôi hỏi. “Hồi trước nếu mưa thì đội mưa, trú dưới gốc cây thôi. Sau này, hạt có làm mỗi bãi một cái chòi lá để trú mỗi khi mưa. Còn tạnh ráo thì phải ra ngay bãi canh chừng, chứ chui vào chòi không quan sát hết được. Ra đó, chủ yếu vẫn là “màn trời chiếu đất” thôi.

Côn Đảo có 16 đảo thì 12 đảo có trạm kiểm lâm, mỗi trạm có từ 3 - 5 người, toàn lính trẻ. Cuộc sống ở các đảo nhỏ còn thiếu thốn trăm bề nhưng anh em lính trẻ chưa bao giờ than thở về những khó khăn mà họ đối mặt hàng ngày. Thời điểm rùa đẻ, anh em lại càng vất vả hơn, có những anh làm liên tục 4 - 5 tháng không nghỉ ngày nào.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nhung-ro-bin-xon-thoi-hien-dai-noi-dao-thieng-post186600.html