Những sai lầm thường gặp khi cho trẻ ăn dặm

Những sai lầm thường gặp khi cho trẻ ăn dặm, cha mẹ cần hết sức lưu ý để tránh mắc phải khi chăm con trong độ tuổi này.

Sai lầm vì chọn thời điểm cho bé ăn dặm không hợp lý

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em, thời điểm thích hợp nhất để cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi.

Sai lầm của nhiều phụ huynh là cho con ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn so với thời điểm có thể bắt đầu. Nếu cho bé ăn dặm quá sớm, trước 6 tháng tuổi: do hệ men tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, trẻ sẽ khó khăn trong việc hấp thụ thức ăn, trẻ sẽ bị khó tiêu, gây nên tình trạng ít bú mẹ.

Cho trẻ ăn dặm quá sớm là sai lầm thường gặp khi cho trẻ ăn dặm Sai lầm khi cho trẻ ăn bột với đường

Bữa ăn của bé phải đầy đủ và cân đối 4 nhóm chất: bột-đường, đạm, béo, vitamin và khoáng. Vì vậy, tốt nhất vẫn là bột mặn với bột, thịt cá, rau, dầu ăn...

Một bát bột ngọt sẽ thiếu đạm và thừa đường, nếu có đủ thì thường lờ lợ khó ăn. Việc thừa đường sẽ làm tăng men chua trong dạ dày và ruột, dễ gây rối loạn tiêu hóa. Bột có thể ứ đọng trong ruột, cản trở hấp thu canxi và dẫn đến còi xương. Chất ngọt nhanh gây cảm giác no nên dễ làm cho trẻ trở nên biếng ăn.

Thức ăn của trẻ càng phong phú càng tốt

Đây là ý nghĩ rất sai lầm. Nhiều người cho rằng, ngay từ khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, thức ăn phải phong phú, đa đạng. Bữa ăn của trẻ phải được chế biến từ nhiều loại thực phẩm khác nhau để trẻ có thể làm quen và ăn được chúng khi lớn lên.

Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của trẻ chưa đủ khả năng tiêu hóa một số loại thức ăn, nhất là các loại thức ăn chứa nhiều prôtit, chất đạm, chất béo… Thức ăn không tiêu hóa được có thể gây dị ứng hoặc rối loạn tiêu hóa. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển và hoàn thiện hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe của trẻ.

Nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm bằng những món ăn một thành phần để theo dõi và thử nghiệm phản ứng của cơ thể trẻ với các loại thức ăn đó.

Pha sữa với các thực phẩm khác

Trộn bột với sữa là thói quen của nhiều người nuôi trẻ. Các loại sữa bột đã đủ cung cấp lượng dưỡng chất tối đa phù hợp với khả năng hấp thu của cơ thể bé. Nếu trộn thêm bột hay bất cứ thực phẩm nào khác sẽ làm thay đổi công thức tối ưu này. Hơn nữa, việc làm sữa trở nên đặc thêm sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, vàtrẻ có thể không hấp thu hết các thành phần trong sữa.

Cũng đừng pha sữa bằng nước hoa quả vì điều đó là không cần thiết; vitamin C trong nước quả có thể làm sữa trở nên khó tiêu. Vì vậy, nếu trẻ ăn sữa bột thì tốt nhất là pha theo đúng công thức hướng dẫn, pha đặc hơn sẽ gây khó tiêu, làm yếu thận, pha loãng thì không đủ dinh dưỡng.

Cách phát hiện tình trạng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh

Phương Vũ

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/song/nuoi-con/nhung-sai-lam-thuong-gap-khi-cho-tre-an-dam-d107520.html