Những sân bay thử thách phi công nhất thế giới

Tầm nhìn hạn chế, đường băng ngắn hay bãi đáp bằng cát những sân bay gây khó cho phi công nhất thế giới.

Sân bay quốc tế Madeira nằm ở thành phố Santa Cruz, Bồ Đào Nha, gây xôn xao hồi đầu năm nay bằng việc đổi tên theo tên của cầu thủ nổi tiếng Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo.

Phi trường nằm ngay sát bờ biển Đại Tây Dương. Mỗi khi máy bay hạ độ cao để tiếp cận đường băng, nó lại khiến sóng biển cuồn cuộn nổi lên, hành khách sẽ cảm thấy phi cơ như thể hạ cánh xuống mặt nước.

Những người muốn chinh phục đỉnh Everest hùng vĩ thường phải bay tới phi trường Tenzing-Hillary ở Nepal. Việc cất cánh và hạ cánh trên đường băng chỉ dài khoảng 450 mét lọt thỏm trong dãy núi đòi hòi phi công và hành khách phải có thần kinh thép.

Sân bay Princess Juliana trên đảo Saint Maarten thuộc Hà Lan trên vùng biển Caribbe nổi tiếng là điểm đến mơ ước của những người thích ngắm máy bay vì đường băng nằm ngay sát bãi biển. Mỗi lần cất hạ cánh, những chiếc máy bay chở khách cỡ lớn chỉ cách đầu người tắm biển vài mét.

Sân bay LaGuardia, New York là một trong những phi trường nhộn nhịp nhất nước Mỹ. Các phi công hạ cánh ở sân bay này thường phải đối mặt với không phận chật hẹp, gió thổi ngang từ đại dương gần đó và đường băng chỉ dài hơn 2.100 mét (đường băng thông thường dài 2.400 - 4.000 mét). Năm 2015, một chiếc máy bay chở khách đã trượt khỏi đường băng và đâm vào hàng rào của sân bay này.

Xây dựng vào những năm 1920, sân bay Toncontín ở thủ đô Tegucigalpa của Honduras được xem là một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới do đường băng ngắn và gần đồi núi.

Năm 2008, một chiếc Airbus 320 đã trượt khỏi đường băng, đâm vào hẻm núi lúc hạ cánh khiến 3 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Sân bay Courchevel phục vụ khách trượt tuyết trên dãy Alps, Pháp có đường băng nhìn không khác gì một đường trượt tuyết từ trên núi xuống vì có độ dốc có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường.

Đường băng dài hơn 500 mét, dốc 18,5 %, giúp máy bay giảm độ cao nhanh khi hạ cánh nhưng để được phép đáp xuống sân bay này, phi công phải có giấy phép đặc biệt ngoài bằng lái thông thường

Sân bay trên đảo nhỏ Barra của Scotland sử dụng luôn bãi cát phẳng là đường băng dã chiến kể từ thập niên 1930 đến nay. Mỗi năm sân bay này đón tiếp khoảng 1.000 chuyến bay nhưng chỉ có thể cất hạ cánh khi thủy triều rút. Ban đêm, nhân viên sân bay đôi khi sử dụng cả đèn pha xe hơi để trợ giúp phi công hạ cánh.

Sân bay quốc tế Gibraltar nằm trên vùng lãnh thổ hải ngoại cùng tên thuộc Vương quốc Anh. Do diện tích quá nhỏ cùng địa hình đồi núi, nơi này phải chấp nhận xây dựng đường băng cắt ngang đại lộ Winston Churchill. Rào chắn di động được sử dụng để ngăn các phương tiện giao thông khác mỗi khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh.

Đường băng của sân bay nằm trên đảo Antilles của Hà Lan này không dành cho các phi công ít kinh nghiệm vì chỉ dài xấp xỉ 400 mét. Do đường băng quá ngắn nên chỉ các máy bay hạng nhẹ được phép đáp xuống và các phi công coi việc hạ cánh xuống đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với họ. Địa hình sân bay cũng không hề dễ chịu khi bao quanh là những ngọn đồi cao và vực sâu.

Theo Thảo Phan/Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/anh/nhung-san-bay-thu-thach-phi-cong-nhat-the-gioi-192631/