Những sát thủ âm thầm thời Chiến tranh Lạnh

GD&TĐ - Craig Williamson là sát thủ chuyên hành sự từ xa, nhưng điều đó không khiến những hoạt động của nhân vật này kém hiệu quả.

Là “siêu gián điệp” Nam Phi, ông ta đã thâm nhập vào phong trào chống chủ nghĩa Apartheid trong giai đoạn 1970, trước khi được triệu hồi năm 1980 do có dấu hiệu bị nghi ngờ. Williamson đã thăng tiến tới bậc tướng trong ngành quân báo Nam Phi.

Craig Williamson

Cũng chính nhân vật này ra lệnh cho chuyên viên thiết kế bom Jerry Raven thiết kế thiết bị nổ đặc biệt, nhỏ gọn đến mức có thể đặt trong một chiếc phong bì. Năm 1982, Williamson đã sử dụng một trong những “lá thư bom” này để sát hại nhà văn kiêm nhà hoạt động lưu vong Ruth First ở Mozambique.

Năm 1984, Williamson lại gửi một “lá thư bom” khác tới cặp vợ chồng là thành viên ANC Marius và Jeanette Schoon ở Angola. Trái bom đã khiến Jeanatte và con gái 6 tuổi thiệt mạng. Giai đoạn hoạt động hai mang trong tổ chức chống Apartheid ở Nam Phi, Williamson đã biết cặp vợ chồng này khá rõ. Người ta cho rằng “lá thư bom” được gửi tới họ là để trả thù vì đã làm lộ vỏ bọc của ông ta, mặc dù Williamson luôn phủ nhận động cơ hành động này.

Năm 2000, Hội đồng Sự thật và Hòa giải Nam Phi xử trắng án cho Williamson cả ba vụ giết người, cũng như vụ đánh bom năm 1982 tại văn phòng ANC ở London.

Mehmet Ali Agca

Từ khi còn là một thanh niên trẻ, Mehmet Ali Agca đã tham gia Những con sói xám - một tổ chức phát xít mới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức này đã gửi Mehmet Ali Agca tới Syria để được huấn luyện trở thành sát thủ. Agca thực hiện vụ giết người đầu tiên năm 1979. Nạn nhân là Abdi Ipekci, tổng biên tập một tờ báo đối nghịch.

Sau vụ ám sát, Agca bị bắt nhưng nhanh chóng trốn thoát khỏi nhà tù và lẩn trốn trong nhiều năm. Trong giai đoạn này, Agca đã thực hiện thêm ít nhất là một vụ ám sát nữa. Nạn nhân là một người theo chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Đức. Sau đó, năm 1981, Agca trà trộn vào đám đông tại Rome và bắn Giáo hoàng John Paul II. Mặc dù bị trúng 4 phát đạn, nhưng Giáo hoàng vẫn sống sót và công khai tha thứ cho Agca. Không ai rõ động cơ của vụ nổ súng. Bản thân Agca cũng đưa ra nhiều tuyên bố lạ lùng và tiền hậu bất nhất.

Các chuyên gia phân tích cũng đành bó tay trước trường hợp này. Họ đều băn khoăn không rõ lý do của vụ nổ súng là do căn bệnh thần kinh của Agca hay đây là một chiến thuật đặc biệt để phân tán sự chú ý của các nhà điều tra. Ngoài ra, còn có một giả thuyết được nhiều người tán thưởng: Phải chăng Agca được tình báo Bulgaria thuê dưới sự ủy quyền của KGB, bởi cơ quan tình báo này rất không thích sự nổi tiếng và uy tín của Giáo hoàng tại Ba Lan, quê hương của ông? Dù sao đi nữa, Agca cũng nhận án tù gần 20 năm, được trả lại tự do năm 2010 và hiện sống ở Thổ Nhĩ Kỳ.

(Còn tiếp)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nhung-sat-thu-am-tham-thoi-chien-tranh-lanh-3104967-l.html