Những 'sóng gió' chờ đón năm 2017

Việc ông Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2017 có thể sẽ mở đường cho những “con sóng” lớn gây ra tác động mạnh mẽ cả trên chính trường và thị trường kinh tế toàn cầu.

Việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đời thứ 45 sẽ mở đường cho những "sóng gió".

Chính trường “dậy sóng”

Theo dự báo của các chuyên gia, ngay tại thời điểm vị tỷ phú New York chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng vào ngày 20/1/2017, cả thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trên chính trường, với những nỗi lo trước các chính sách đổi mới “táo bạo” của người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama. Điển hình trong vấn đề an ninh thế giới, ông Donald Trump đã nhiều lần cảnh báo, sẽ rút Mỹ khỏi các nghĩa vụ quốc tế và nhường lại một phần gánh nặng an ninh cho các đối tác và đồng minh, chẳng hạn như NATO…

Bên cạnh đó, trong mối quan hệ đồng minh với Hàn Quốc, giới phân tích dự đoán, chính quyền mới của ông Donald Trump chắc chắn không thể thoát khả năng phải đương đầu với mối đe dọa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Dù Mỹ tập trận thường niên với quân đội Hàn Quốc, hay tàu hải quân Mỹ bị phát hiện đến gần bờ biển CHDCND Triều Tiên thì Bình Nhưỡng luôn phản ứng dữ dội. Năm 2016, CHDCND Triều Tiên gây chấn động thế giới bằng 2 vụ thử hạt nhân liên tiếp và các vụ phóng thử tên lửa… bất chấp lệnh trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) cùng các nước trên thế giới. Giới quan sát đang theo dõi liệu ông có áp dụng lập trường cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng, qua đó khiến căng thẳng tiếp tục gia tăng.

Đối với các nước châu Âu, tình hình an ninh - chính trị sẽ tiếp tục phải đương đầu với những khó khăn tiếp diễn, khi tiến trình đàm phán việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit có khả năng diễn ra vào cuối tháng 3/2017 và gia tăng nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố. Bởi, trong năm 2017 các nước khu vực EU bao gồm Đức, Pháp… sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử. Giới chuyên gia suy đoán EU sẽ giải thể, song không phải ngay lập tức. Câu hỏi đặt ra trong năm 2017 là những cuộc bầu cử này ảnh hưởng tới tiến trình giải thể ở mức độ như thế nào. Dù những người ôn hòa hay cực đoan chiến thắng, châu Âu vẫn rơi vào tình cảnh tan vỡ thành những khối khu vực.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chính trường Hàn Quốc sẽ tiếp nối cuộc khủng hoảng từ vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye và bạn thân là bà Choi Soon-sil. Dự đoán, nếu Tòa án Hiến pháp thông qua việc luận tội, Tổng thống Hàn Quốc sẽ bị cách chức, khi đó Chính phủ nước này sẽ chính thức tổ chức cuộc bầu cử vào 60 ngày sau đó.

Kinh tế toàn cầu khó khăn

Mở đầu cho những “con sóng” lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, không thể thiếu việc ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi các thỏa thuận thương mại đa phương để tập trung phát triển kinh tế của nước Mỹ sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống. Lạm phát được dự báo sẽ quay trở lại đeo bám thị trường toàn cầu, khiến ngân hàng T.Ư các nước phải từ bỏ những chính sách phi truyền thống và áp dụng các phương pháp thắt chặt tiền tệ.

Động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ chắc chắn làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu trong đầu năm 2017. Thị trường thế giới nhiều khả năng phải trải qua một thời kỳ biến động khi Eurozone đứng trước nguy cơ sụp đổ vì Brexit và những tranh chấp về thương mại có khả năng khiến các nhà đầu tư hoang mang, dễ dẫn tới các phản ứng quá khích.

Brexit có thể khiến, nước Anh “tuột khỏi tay” vị trí ảnh hưởng ở khu châu Âu xét trên khía cạnh sáng kiến thương mại quốc tế. Kinh tế khó khăn cùng các chính sách thắt lưng buộc bụng, thắt chặt chính sách tiền tệ chắc chắn sẽ gây ra một số biến động trong lòng xã hội châu Âu và thế giới, kích thích chủ nghĩa dân tộc gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu. “Vết thương kinh tế càng kéo dài, phản ứng chính trị càng mạnh mẽ. Tổn thương kinh tế sẽ gây ra tác động trầm trọng nhất với châu Âu và Mỹ”, một số chuyên gia cảnh báo.

Theo dự đoán của giới chuyên gia, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có khả năng bị đe dọa, khi đối mặt với chính quyền mới của ông Donald Trump. Bởi, trước đó vị tỷ phú New York từng tuyên bố sẽ áp thuế cao đối với các mặt hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, nhận định về kinh tế của Trung Quốc, nhà bình luận kinh tế trưởng Martin Wolf của tờ Financial Times cho rằng, kinh tế Trung Quốc năm 2017 có thể vẫn giữ mức tăng trưởng 5 - 6%.

Nhà bình luận kinh tế trưởng Martin Wolf của tờ Financial Times nhận định, những yếu tố chính trị bấp bênh dẫn đến nhiều nền kinh tế tiếp tục trì trệ, ví dụ như kinh tế Italia. Vấn đề chính trị tại EU trở nên ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. Đây là yếu tố rủi ro chính của khu vực này.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhung-song-gio-cho-don-nam-2017-276829.html