Những sự kiện đốt nóng BĐS 2016

Hơn 100 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng được công bố, công khai “danh sách đen” hàng chục nhà cao tầng không đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhiều chủ đầu tư lớn đổ bộ vào phân khúc nhà giá rẻ…là những “điểm nóng” của thị trường bất động sản (BĐS) 2016.

Nhiều “đại gia” cắm dự án ở ngân hàng

Cuối tháng 7, Sở Tài nguyên & Môi trường TP Hồ Chí Minh đã công bố danh sách 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng . 1 tuần sau đó, Sở Tài nguyên & Môi trường TP Hà Nội cũng công bố danh sách 34 dự án trên địa bàn Thủ đô cũng đang trong tình trạng “cắm” nhà băng.

Trong danh sách hơn 100 dự án được nêu tên có khá nhiều đại gia ngành BĐS như Him Lam tại dự án Riverside lô A3, Quốc Cường Gia Lai tại khu dân cư 6B thuộc Khu đô thị Nam thành phố (huyện Bình Chánh), Công ty Nam Long thế chấp khu dân cư ở phường An Lạc (Bình Tân), Công ty địa ốc Hoàng Quân cũng thế cấp dự án chung cư ở huyện Bình Chánh…

Đã có hơn 100 dự án được công khai thông tin thế chấp ngân hàng trong năm 2016.

Còn tại Hà Nội, cũng nêu tên nhiều “đại gia” BĐS như: Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú – Invest thế chấp quyền sử dụng đất khu đất KĐTM An Hưng (Hà Đông), Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính (Khu A, B Tổ 51 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thế chấp quyền sử dụng đất, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh thế chấp 1 phần tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai dự án tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Công ty TNHH Đầu tư Capitaland - Hoàng Thành (CT09 - Khu Cổ Ngựa, Khu đô thị mới Mỗ Lao, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Việt (KĐTM Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông) thế chấp quyền sử dụng đất…

Tiếp đó, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội công bố bổ sung thêm 3 dự án trong đó tiếp tục nêu tên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh thế chấp tài sản gắn liền với đất dự án nhà chung cư tại phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy.

Việc công bố danh sách với không ít ông lớn và các dự án đình đám đã gây ra cú sốc lớn cho thị trường. Ngay sau đó, các chuyên gia đã lên tiếng trấn an thị trường giải thích việc thế chấp dự án để vay vốn là điều hết sức phổ biến trong kinh doanh BĐS – vốn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Người thu nhập thấp chính thức chia tay gói 30.000 tỷ đồng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dự kiến đến 31/12/2016 là thời điểm kết thúc chương trình sẽ giải ngân đạt khoảng 30.000 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2016, gói tín dụng hỗ trợ người thu nhập thấp có nhà để ở và đồng thời để phục hồi thị trường bất động sản đóng băng chính thức khép lại. Tất cả các khoản giải ngân vay mua nhà từ 1/1/2017 của khách hàng ký theo gói 30.000 tỷ đồng sẽ phải chịu lãi suất thương mại thỏa thuận.

Người thu nhập thấp vẫn tiếp tục chờ chính sách tín dụng ưu đãi mới.

Được đưa ra vào đầu năm 2013, giữa lúc thị trường BĐS đang ở đáy của cuộc khủng hoảng kéo dài từ giữa năm 2011, sau 3 năm đến nay, theo NHNN đã có trên 50.000 cá nhân, hộ gia đình đã cải thiện chỗ ở nhờ gói 30.000 tỷ này.

Mặc dù đầu tháng 6/2016, người thu nhập thấp cả nước đón nhận tin vui khi Chính phủ có Quyết định về mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 100. Theo đó, các nhóm đối tượng được quy định trong Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội sẽ được tiếp cận chương trình cho vay ưu đãi này.

Tuy nhiên, đến nay việc triển khai vẫn chỉ dừng lại ở một số văn bản hướng dẫn, còn yếu tố quan trọng nhất là nguồn vốn thì vẫn chưa có. Điều này đã khiến cho phân khúc nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội rơi vào cảnh trầm lắng. Người thu nhập thấp vẫn tiếp tục “dài cổ” chờ chính sách tín dụng ưu đãi mới.

Công bố hàng loạt dự án không đảm bảo PCCC

Vào đầu tháng 8, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, qua kiểm tra tổng số 1.075 công trình nhà cao tầng trên địa bàn (trong đó có 916 công trình đã đưa vào hoạt động, 151 công trình đang thi công, 8 công trình đang tạm dừng hoạt động) có 38 công trình không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC , không tổ chức khắc phục các nội dung còn tồn tại, thiếu sót về PCCC đã được cơ quan này kiến nghị, công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu, không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC.

Điều đáng chú ý là trong số 38 công trình được công bố có tới 15 chung cư, tòa nhà, công trình đang thi công - đơn vị chủ quản là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên.

Năm 2016 xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn chung cư, nhà dân.

Tháng 10 vừa qua, Cảnh sát PCCC tiếp tục “điểm mặt” 18 nhà cao tầng vi phạm về PCCC trên địa bàn thủ đô. Vấn đề PCCC tại chung cư là một trong những vấn đề nóng của thị trường bất động sản năm vừa qua. Năm 2016 cũng đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn chung cư, nhà dân, trong đó thiệt hại nặng nhất là vụ cháy tại quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 13 người chết.

Nhiều công trình thuộc “danh sách đen” vi phạm PCCC được Cảnh sát PCCC Hà Nội công bố.

Trao đổi về vấn đề này, theo ông Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, vấn đề ở đây là cần phải chỉ rõ vi phạm là gì? Vi phạm về thiết kế hay là vi phạm về mặt vận hành. Cũng theo vị Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cơ quan chức năng phải ngăn chặn buộc đơn vị thi hành theo pháp luật và khi đã có vi phạm thì vấn đề là xử phạt và phải gia hạn thời hạn phải khắc phục.

Về việc công bố “danh sách đen” về cháy nổ trong thời gian qua ông Liêm cho rằng, thực tế cháy đã xảy ra rồi chứ không phải lý thuyết nữa. “Công bố thì cũng tốt thôi nhưng quan trọng là chúng ta cần phải làm gì?” – ông Liêm đặt vấn đề.

Ông lớn xây nhà giá rẻ, cuộc chiến kiếm tỷ USD từ nhà nghèo

Cuối năm 2016, Tập đoàn Vingroup đã chính thức công bố ra mắt thương hiệu BĐS đại chúng VinCity với giá chỉ từ 700 triệu đồng/căn. Theo đó, VinCity sẽ được đồng loại triển khai xây dựng từ 200.000 - 300.000 căn hộ tại 7 tỉnh, thành phố lớn gồm: Hà Nội, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nha Trang. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các dự án của VinCity sẽ được đầu tư ở các quận huyện ngoại thành.

Những kế hoạch tỷ USD được các “ông lớn” đổ vào xây nhà giá rẻ đã “đốt nóng” thị trường BĐS.

Ngay sau khi Vingroup công bố thông tin xây dựng chuỗi dự án nhà chung cư giá 700 triệu đồng, Tập đoàn Mường Thanh đã tung ra thị trường cả nghìn căn hộ thương mại có mức giá thấp từ 9,5 triệu đồng/m2 tại dự án Thanh Hà Cienco 5 (Hà Đông – Hà Nội) với diện tích 50 – 60m2.

Trước đó đã có một loạt cảnh báo đưa ra về việc lệch pha cung – cầu của BĐS cao cấp. Những kế hoạch tỷ USD được các “ông lớn” tuyên bố đổ vào xây nhà giá rẻ đã “đốt nóng” thị trường BĐS cuối năm 2016 khiến hy vọng về chốn an cư của nhiều gia đình được thắp lên càng thêm gần. Liệu bước sang năm 2017, với sự chuyển hướng mới của những “ông lớn” nhà giá rẻ có trở thành phân khúc dẫn dắt thị trường?

Siết tín dụng vào BĐS

Tháng 6/2016, Thông tư 06 – sửa đổi một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Theo đó, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng sẽ hạ từ 60% trong năm 2016 xuống 50% từ 1/1/2017 và còn 40% từ 1/1/2018.

Hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%, được thực hiện bắt đầu từ 1/1/2017.

Hồng Khanh(tổng hợp)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/thi-truong/nhung-su-kien-dot-nong-bds-2016-349171.html