Những sự kiện giáo dục nổi bật năm 2016 (kỳ 2)

Việt Nam giành thứ hạng cao trên đấu trường quốc tế, chỉ số xếp hạng PISA của Việt Nam tiếp tục lọt top 10, đề án ngoại ngữ 2020 chưa đạt mục tiêu, nhiều trường học dừng mô hình VNEN, hành động liều mình của cô giáo cứu học sinh… là những tin tức nổi bật của ngành giáo dục trong thời gian vừa qua.

5. Việt Nam dành thứ hạng cao trên đấu trường quốc tế

Năm 2016 không chỉ đánh dấu bước trưởng thành của trí tuệ Việt Nam trong các cuộc so tài với trí tuệ thế giới mà còn cho thấy một hình ảnh Việt Nam tham gia sâu hơn, có trách nhiệm hơn vào các kỳ thi Olympic thông qua việc đăng cai tổ chức thành công Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 27 với sự tham dự của 252 thí sinh từ 68 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo đó, năm 2016, Việt Nam cử 7 đoàn với 37 học sinh tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực (Olympic Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Toán học, Tin học, Vật lý Châu Á, Tin học Châu Á).

Kết quả, 36/37 học sinh của đoàn Việt Nam đoạt giải với 9 HCV, 14 HCB, 11 HCĐ và 2 Bằng khen. Đây là năm đầu tiên, tất cả các đoàn tham dự Olympic quốc tế đều có học sinh đoạt HCV. Trong đó, HCV môn Sinh học đã phải chờ đợi suốt 15 năm qua.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo trao bằng khen cho các học sinh xuất sắc tại các kỳ thi. Ảnh: Trần Vương.

Chính thức tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel ISEF từ năm 2012, Việt Nam luôn là một trong khoảng một nửa quốc gia, vùng lãnh thổ có giải hàng năm. Năm 2016, hội thi được tổ chức tại Hoa Kỳ với 1.374 dự án của học sinh đến từ 77 nước; đoàn Việt Nam có 6 dự án tham dự. Kết quả, các em đã mang về 4 giải Ba. Đây là thành tích tốt nhất của đoàn Việt Nam sau 5 năm tham gia sân chơi Intel ISEF.

Ngày 6.12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA). Đây là kỳ đánh giá thứ 6 của PISA và là kỳ thứ 2 Việt Nam tham gia. Theo đó, học sinh Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng về năng lực khoa học, thứ 22 về toán học và thứ 32 về đọc hiểu. Theo bảng kết quả PISA 2016, học sinh Việt Nam vẫn xuất sắc giữ vững vị trí thứ 8 trong lĩnh vực khoa học với số điểm là 525 điểm. Với một nước mới 2 lần tham gia vào PISA như Việt Nam, đó cũng có thể gọi là một kết quả đáng mừng. Ngoài ra, kết quả của học sinh Việt Nam cũng cao hơn mức trung bình của học sinh các nước OECD tới 32 điểm.

6. Cô giáo liều mình cứu học sinh thoát nạn khỏi mưa lũ

Ngày 13.12.2016, với lòng dũng cảm, trách nhiệm và tình người sâu sắc, các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) và người dân địa phương đã cứu giúp và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cháu học sinh trong khi lũ về nhanh, gây ngập lụt nghiêm trọng tại trường.

Trong cơn mưa lũ lên nhanh và nguy hiểm, các cô giáo đã bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cháu với suy nghĩ “thà cô chết chứ không để trò chết”. Hành động này đã được cư dân mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt như một lời cảm ơn các cô giáo.

Các cô giáo liều mình cứu học sinh trong cơn lũ lên nhanh. Ảnh: Báo Phú Yên

Ngày 15.12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) - những người hết mình cứu giúp và bảo vệ cho các cháu học trò trong lúc cơn mưa lũ về quá nhanh không kịp trở tay.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc các cô dầm mình dưới nước lũ suốt nhiều giờ, nỗ lực tìm mọi cách đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho các cháu là hành động thật phi thường mà chỉ có tấm lòng người mẹ mới có thể làm như thế. Các cô đã tạo nên một hình ảnh rất đẹp của người giáo viên nhân dân.

Bộ trưởng mong các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp nói riêng, các cô giáo, thầy giáo trên khắp mọi miền đất nước nói chung sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững nhiệt huyết, lòng yêu nghề để cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

7. Đề án ngoại ngữ 9.000 tỉ đồng không đạt mục tiêu

Ngày 17.9, tại hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, đã xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung theo chương trình 10 năm và sẽ thí điểm dạy như ngoại ngữ thứ nhất vào năm học 2017. Tiếng Nhật cũng nằm trong lộ trình giảng dạy để trở thành ngoại ngữ thứ nhất.

Ngày 16.11, trong phiên chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, nước ta chưa thể thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Đề án Ngoại ngữ 2020. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhận trách nhiệm về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh Bộ GD&ĐT

8. Nhiều nơi dừng triển khai mô hình VNEN

Mô hình trường học mới (gọi tắt VNEN) áp dụng tại Việt Nam từ đầu năm 2013 đến nay đã nhân rộng trên toàn quốc với hơn 2.000 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS. Tuy vậy, Bộ GD&ĐT cũng đã thừa nhận, mô hình này bộc lộ một số hạn chế khiến dư luận còn nhiều băn khoăn.

Năm học 2016 - 2017, nhiều địa phương quyết định dừng nhân rộng mô hình trường học mới VNEN. Bộ GD&ĐT cũng đưa ra khuyến nghị đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

Vương Trần

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/nhung-su-kien-giao-duc-noi-bat-nam-2016-ky-2-626575.bld