Những thành tựu góp phần nâng tầm nền y học nước nhà

Đầu tư hệ thống xét nghiệm tự động hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay, chính thức khánh thành phẫu thuật robot cho người lớn đầu tiên ở Việt Nam,

Đầu tư hệ thống xét nghiệm tự động hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay, chính thức khánh thành phẫu thuật robot cho người lớn đầu tiên ở Việt Nam, lấy dị vật ẩn náu ở tim 45 năm bằng nội soi, bác sĩ nghiên cứu sữa đặc biệt cho bệnh nhân nghèo… là những sự kiện đánh dấu sự chuyển mình nổi bật trong công cuộc không ngừng cải tiến nâng tầm cho ngành Y tế nước nhà.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thử thao tác trên bàn phím điều khiển robot phẫu thuật

1 ngày, 40.000 xét nghiệm và một hệ thống xét nghiệm hiện đại nhất

Năm 2016 khép lại với hàng loạt những kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại được triển khai tại các bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và khẳng định vị thế y tế Việt Nam. Sự kiện đầu tiên phải kể đến là Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đưa vào hoạt động hệ thống xét nghiệm tự động Accelerator a3600 73 tỉ đồng - một hệ thống xét nghiệm lần đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam và là hệ thống xét nghiệm hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay.

Là BV hạng đặc biệt, BV. Chợ Rẫy luôn ở trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, tại khoa Sinh hóa phải thực hiện khoảng hơn 4.000 mẫu xét nghiệm, mỗi mẫu xét nghiệm trung bình có 10 chỉ số. Như vậy, các kỹ thuật viên của khoa cần thực hiện khoảng 40.000 xét nghiệm mỗi ngày cho cả bệnh nhân nội trú lẫn ngoại trú. Đây là một khối lượng công việc khổng lồ, khiến người bệnh phải chờ đợi lâu. Bởi theo quy trình cũ, sau khi nhận mẫu, tùy từng chỉ định xét nghiệm của bác sĩ, người kỹ thuật viên phải kiểm tra, xử lý mẫu và chuyển đến các máy xét nghiệm phù hợp phải mất trung bình từ 2 - 3 tiếng đồng hồ. Vì các công đoạn chuyển tiếp làm thủ công, các loại máy hoạt động độc lập nên tốn kém nhân lực, thời gian và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Vì vậy, việc không ngừng tìm kiếm giải pháp nhằm góp phần giảm tải cũng như cải thiện tình trạng chờ đợi của bệnh nhân được xem là lý do hàng đầu để chúng tôi đưa vào hoạt động hệ thống xét nghiệm tự động hiện đại Accelerator a3600 - một xu hướng tự động hóa phòng xét nghiệm và ứng dụng công nghệ thông tin giúp quản lý tốt hiệu suất, tối ưu hóa nguồn nhân lực - đã được ứng dụng tại nhiều trung tâm y khoa hàng đầu trong khu vực và trên thế giới”, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc BV. Chợ Rẫy chia sẻ.

Hệ thống xét nghiệm hiện đại

Đây là hệ thống xét nghiệm hiện đại có tính năng tích hợp Sinh hóa - Miễn dịch - Huyết học mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân đồng thời tiết giảm được thời gian và nhân sự cho công việc này, như: giảm số lượng máu cần lấy cho việc xét nghiệm; rút ngắn thời gian thực hiện xét nghiệm xuống 50%; giảm thiểu các nguy cơ sai sót, quy trình xét nghiệm giảm từ 33 bước xuống 15 bước; số lượng mẫu lên đến 3.600 mẫu/giờ; thực hiện được gần 200 loại xét nghiệm miễn dịch và sinh hóa khác nhau - trong đó có nhiều xét nghiệm chuyên sâu giúp chẩn đoán và phát hiện sớm nhiều loại bệnh như: ung thư, tim mạch, viêm gan, bệnh truyền nhiễm khác, thận, cấy ghép…

Điều đặc biệt nhất là hệ thống xét nghiệm tại BV. Chợ Rẫy được nâng cấp rất hiện đại nhưng chi phí xét nghiệm cho người bệnh vẫn không đổi.

Lần đầu tiên dùng robot phẫu thuật nội soi cho người lớn

Thành tựu của ngành y năm 2016 được đánh dấu bằng một sự kiện rất được quan tâm: lần đầu tiên tại Việt Nam dùng robot phẫu thuật nội soi cho người lớn.

Ngày 10/12, BV. Bình Dân (TP.HCM) công bố thực hiện thành công phẫu thuật nội soi bằng robot và khánh thành khu phẫu thuật bằng robot. Đây là hệ thống robot phẫu thuật đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép điều trị tại Việt Nam. Bệnh nhân Nguyễn Văn T. (64 tuổi) ở Quảng Ngãi bị u đại trực tràng là bệnh nhân đầu tiên được robot phẫu thuật.

Theo TS.BS. Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV. Bình Dân, phương pháp mổ nội soi bằng robot là một công nghệ hiện đại, một bước tiến mới của y học. Phẫu thuật robot đã khắc phục được những hạn chế của phẫu thuật nội soi truyền thống và mổ mở, trở thành trợ thủ thông minh trong phòng phẫu thuật dưới sự điều khiển của các bác sĩ phẫu thuật viên được đào tạo chuyên sâu về nội soi robot.

Một lợi điểm rất lớn nữa của phẫu thuật nội soi bằng robot giúp giảm nguy cơ tai biến, biến chứng, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh sau phẫu thuật. Kỹ thuật này cũng làm giảm tối đa các tổn thương mô, gân, cơ tối thiểu cho người bệnh. Hệ thống robot phẫu thuật rất hiệu quả đối với điều trị u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, thận ứ nước, teo đường mật, bắc cầu động mạch vành, chỉnh sửa van tim…

“Phẫu thuật bằng robot chính là bước phát triển ứng dụng kỹ thuật cao trong ngành Y tế Việt Nam. Đây là cơ hội để người dân Việt Nam được hưởng những tiến bộ khoa học hiện đại nhất trong chăm sóc y tế”, đánh giá của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại lễ khánh thành khu phẫu thuật nội soi bằng robot tại BV. Bình Dân.

Lấy dị vật 45 năm ở tim bằng nội soi

Một trường hợp chưa từng có trong y văn nhưng các bác sĩ BV. Đại học Y Dược TP.HCM đã thực hiện rất thành công. Cụ thể, bệnh nhân Mai Thị T. 59 tuổi, ngụ tại Gò Vấp, TP.HCM, mắc dị vật trong tim 45 năm, đã may mắn được các bác sĩ phẫu thuật nội soi thành công.

Khi siêu âm tim ghi nhận người bệnh bị hở van 3 lá rất nặng, tim phải dãn lớn, có chỉ định phẫu thuật sửa van 3 lá. Tuy nhiên, khi xem phim X-quang ngực thẳng và chụp mạch vành, các bác sĩ phát hiện trong tim có một mảnh dị vật cản quang.

Bệnh nhân đã được phẫu thuật ngày 22/8/2016 qua nội soi. Dị vật được tìm thấy ghim trong nhĩ phải, nằm sát đường đi của động mạch vành phải. TS.BS. Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, chia sẻ: “Người bệnh đã rất may mắn, vì chỉ cần lệch vài milimét, mảnh dị vật sẽ làm tổn thương động mạch vành phải, và tính mạng của người bệnh khi đó sẽ khó lòng mà giữ được”.

BS. Nguyễn Hoàng Định thăm bệnh

Một thành công rất lớn của các bác sĩ BV. Đại học Y Dược TP.HCM nói riêng và của ngành y tế nói chung chính là dẫu phẫu thuật nội soi tim là một kỹ thuật được triển khai hết sức thận trọng. Bởi mổ tim cần phải sử dụng máy tuần hoàn ngoài cơ thể để thay thế cho hoạt động của tim và phổi trong lúc phẫu thuật. Hơn nữa, các thao tác thực hiện trên tim khá tinh tế và phức tạp, vì vậy việc triển khai kỹ thuật nội soi hay kỹ thuật ít xâm lấn trong mổ tim được áp dụng chậm hơn so với các chuyên ngành khác.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, phẫu thuật tim nội soi đã trở thành thường quy tại BV. Đại học Y Dược với gần 200 trường hợp mổ thành công. Các bệnh lý hiện có thể giải quyết tốt bằng phẫu thuật nội soi gồm có bệnh van tim như: sửa hoặc thay van hai lá, sửa van ba lá, thay van động mạch chủ, u nhầy tim và sửa chữa một số bệnh lý tim bẩm sinh như: thông liên nhĩ, thông liên thất, kênh nhĩ thất bán phần. Phẫu thuật nội soi tim giúp giảm thời gian thở máy sau mổ, thời gian điều trị hồi sức và tổng thời gian nằm viện sau mổ; giảm việc truyền máu và các chế phẩm của máu..., giúp cho quá trình điều trị bệnh nhẹ nhàng hơn, thời gian hồi phục nhanh hơn.

Nói không quá, mổ nội soi là một cuộc cách mạng trong phẫu thuật tim.

Ghép tạng xuyên Việt

Người mẹ vượt lên tất cả nỗi đau để đưa ra một quyết định nhân văn: hiến xác con để cứu người. Các “bàn tay vàng” của bác sĩ BV. Chợ Rẫy TP.HCM và BV. Việt Đức Hà Nội đã giúp người mẹ ấm lòng vì từ tạng hiến của con trai mẹ đã mang lại sự sống cho 6 người đang trong tình trạng thập tử nhất sinh.

Đây là sự kiện vô cùng nhân văn và cũng là sự kiện khẳng định trình độ chuyên môn của các y bác sĩ Việt Nam.

Cụ thể, chiều 25/4, BV. Chợ Rẫy thông báo nam thanh niên 20 tuổi gặp tai nạn giao thông bị chết não, gia đình đồng ý hiến tạng. 4 bệnh nhân được ghép thành công tại BV. Chợ Rẫy và 2 bệnh nhân ở Hà Nội tương thích với các thông số tạng là tim, gan được hiến. Để ghép thành công cho 2 bệnh nhân ở Hà Nội, từ 5h sáng ngày 26/4, đoàn y bác sĩ BV. Việt Đức từ Hà Nội đã bay vào TP.HCM để nhận tạng. Ngay khi tạng được chuyển lên máy bay, kíp phẫu thuật tại Việt Đức đã mở lồng ngực và ổ bụng của 2 bệnh nhân để sẵn sàng thực hiện ghép lập tức lúc tạng về. Nam bệnh nhân được ghép quả tim của chàng trai, năm nay 64 tuổi từng bị suy tim, đặt stent 9 lần, thời gian sống chỉ tính bằng ngày. Người nhận khối gan hiến tặng lâu nay suy gan giai đoạn cuối, 54 tuổi.

Chia sẻ tại lễ trao tặng kỷ niệm chương cho gia đình người hiến tạng và khen thưởng tập thể BV. Chợ Rẫy, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế xúc động: “Hành động này không phải ai cũng làm được và nghĩa cử cao đẹp này đã mang lại sự hồi sinh cho 6 bệnh nhân. Tôi cũng đánh giá cao sự nỗ lực không ngừng của Ban lãnh đạo và các êkíp của BV. Chợ Rẫy và BV. Việt Đức đã tham gia vào ca ghép tạng, sự chủ động phối hợp rất nhuần nhuyễn từ việc đánh giá chức năng của các tạng cho đến việc trang bị y cụ, máu, thuốc cho ca ghép và thuốc dự phòng... để mang lại kết quả tốt nhất cho quá trình nhận và ghép tạng”...

Xin tri ân người hiến tạng, tri ân những bàn tay vàng của các cán bộ y tế Việt Nam.

Bác sĩ nghiên cứu sữa đặc biệt cho bệnh nhân nghèo

Ngày 17/12, PGS.TS.BS. Tạ Thị Tuyết Mai - Trưởng khoa Dinh Dưỡng, BV. Nhân dân Gia Định TP.HCM đã vinh dự nhận giải thưởng Kova ở hạng mục kiến tạo với công trình: “Hội chứng kém dung nạp lactose ở bệnh viện nặng: tỉ lệ mắc, chẩn đoán và hiệu quả nuôi dưỡng của sữa đậu nành bổ sung sữa bột nguyên kem và probiotic”.

Tạo ra một loại sữa dành cho người bệnh nặng kém dung nạp lactose cần nuôi ăn bằng ống thông. Đây là sản phẩm sữa có độ đạm cao đầu tiên ở Việt Nam được nghiên cứu để nuôi ăn bệnh nhân nặng. Lượng sữa cần nuôi ít hơn nhưng hiệu quả cải thiện dinh dưỡng tốt hơn sữa cao năng lượng trên thị trường.

Đặc biệt giá thành chỉ bằng 1/4, giúp người nghèo có thể điều kiện chi trả. Nghiên cứu có ý nghĩa nhân văn, mang lại lợi ích cho gia đình bệnh nhân và BV. Áp dụng từ tháng 1/2016, đến nay đã nuôi ăn thành công hàng trăm bệnh nhân cần nuôi ăn bằng ống thông ở BV. Nhân dân Gia Định và BV. Ung bướu TP.HCM.

Công trình hiện đã đăng ký bằng độc quyền sáng chế và hướng tới thương mại hóa, đóng hộp để mang lại lợi ích cho người bệnh.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhung-thanh-tuu-gop-phan-nang-tam-nen-y-hoc-nuoc-nha-n127375.html