Những thương xá 'ma' ở Trung Quốc

Cửa hàng đồ hiệu lộng lẫy, nhưng chỉ có vài khách hàng qua lại ngắm nghía rồi đi… Đó là quang cảnh dễ bắt gặp tại nhiều trung tâm mua sắm ở Trung Quốc

small_2242.jpg Nằm ở ngoại ô Bắc Kinh, có diện tích sử dụng lên đến 560.000 m2, Kim Nguyên là trung tâm mua sắm lớn thứ nhì thế giới với 1.000 gian hàng, hàng chục nhà hàng, 230 thang cuốn và một sân trượt băng. Có sức chứa khoảng 50.000 khách mỗi ngày nhưng mỗi giờ nơi này chỉ có khoảng 20 khách ghé qua ngắm nghía. Gần nửa số gian hàng ở Kim Nguyên đã đóng cửa. Cùng cảnh “vắng như chùa Bà Đanh” với Kim Nguyên là Hoa Nam, trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới hiện nay rộng, 650.000 m2 của thành phố Đông Hoàn, tỉnh Quảng Đông. Khu vực mua sắm được chia thành 7 chủ đề mang tên của 7 khu vực nổi tiếng thế giới là Amsterdam, Paris, Rome, Venice, Ai Cập, Địa Trung Hải và California, với kiến trúc thiết kế đặc trưng của mỗi vùng. Hoành tráng là thế mà Hoa Nam ngày nào cũng vắng khách. Từ năm 2002 đến nay đã có hơn 500 khu trung tâm mua sắm được xây dựng ở Trung Quốc, và trong năm 2007 ít nhất 100 khu như vậy sẽ khai trương. Để cạnh tranh, giới khai thác địa ốc Trung Quốc xây dựng các khu mua sắm ngày càng khổng lồ hơn. “Đó là một nguồn cung quá lớn cho bất cứ thị trường nào”, Morgan Parker - Chủ tịch chi nhánh Hong Kong của công ty phát triển địa ốc Mỹ Taubman Centers, nhận xét. Cứ xây rồi người ta sẽ tới Các nhà đầu tư xây dựng trung tâm mua sắm thường là những người giàu lên nhanh chóng từ cơn sốt xây dựng nhà ở hồi cuối thập niên 1990 ở Trung Quốc. Kinh doanh chỗ ở bão hòa, họ chuyển sang xây dựng chỗ buôn bán với phương châm truyền thống của giới đầu tư địa ốc Trung Quốc: “Cứ xây rồi người ta sẽ tới”. Chính quyền địa phương cũng góp phần tạo nên phong trào xây dựng trung tâm mua sắm khi thoải mái cấp phép cho các dự án chỉ vì muốn cải thiện bộ mặt đô thị và phát triển thương mại địa phương. Trong phong trào này, các ngân hàng Trung Quốc “có công” không nhỏ khi nới rộng danh mục cho vay đầu tư mà không đánh giá về tính khả thi của dự án. Cách thức khai thác trung tâm mua sắm của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng không giống ai. Trong khi các nhà đầu tư phương Tây thường quản lý lâu dài dự án thì các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ bỏ tiền ra xây công trình lên rồi phân lô, bán đứt cho bất cứ ai đang có nhu cầu mở cửa hàng. Nhà đầu tư nhanh chóng thu lại cả vốn lẫn lời nhưng công trình thì không được quản lý đúng mức nên xảy ra tình trạng các dịch vụ, tiêu chuẩn của trung tâm mua sắm, và các biện pháp thu hút khách mua sắm không được duy trì. Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chi tiêu rất tiết kiệm. Thu nhập hằng năm tính theo đầu người ở nước này vẫn dưới mức 2.000 USD. Các hộ gia đình trung bình vẫn tiết kiệm hơn 25% số thu nhập. Vậy mà hầu hết các trung tâm mua sắm chỉ chăm chăm bày bán các nhãn hiệu nổi tiếng như Prada, Gucci, Fendi... Đóng ở quận Phố Đông sang trọng nhất Thượng Hải, trung tâm mua sắm SuperBrand có lúc chỉ đạt hiệu suất khai thác diện tích kinh doanh khoảng 45%, khách mua sắm thì lèo tèo. Chủ đầu tư phải mời Bob Welanetz - một chuyên gia từ Mỹ - về điều hành SuperBrand. Chuyển sang mô hình “vừa bán gạo, vừa bán mì”, Welanetz đưa các mặt hàng bình dân vào SuperBrand. Giờ đây SuperBrand là một khu tiêu tiền tích hợp vừa có khu mua sắm, vừa có nhà hàng, rạp chiếu phim, quán karaoke, tiệm cà phê, hiệu sách, tiệm Internet và cả sàn tập yoga. Mô hình “bán gạo và mì” đã mang lại sinh khí cho SuperBrand với 100.000 lượt khách mỗi ngày, hiệu suất khai thác diện tích kinh doanh đạt 95%. Nhưng số trung tâm mua sắm vừa bán gạo vừa bán mì như SuperBrand ở Trung Quốc không nhiều.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29036-nhung-thuong-xa-ma-o-trung-quoc