Những tình nguyện viên ngoại quốc tại lớp học khiếm thị

Sau mỗi buổi học ở lớp, những em khiếm thị tại trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) còn được các tình nguyện viên nước ngoài dạy tiếng Anh qua chữ nổi Braille.

Câu chuyện từ tấm bản đồ nổi

Qua lời giới thiệu của cô bạn thân làm tình nguyện viên trong dự án dạy tiếng Anh cho học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, chúng tôi đến thăm lớp học của các em. Trong căn phòng nhỏ, một âm thanh "póc póc póc" liên tục phát ra khi các em đang học viết chữ nổi Braille.

Lần đầu tiên tôi được thấy bộ dụng cụ dùng để viết chữ nổi dành cho người khiếm thị, đó là giấy A4, một tấm bảng nhựa đen cùng khổ, có chia thành nhiều ô vuông nhỏ, mỗi ô vuông là một chữ cái và một thanh kim loại có gắn nhựa dùng để tạo thành từng chấm trên giấy. Tiếng giấy vở đều đặn, thuần thục, nhịp nhàng, rất gần với tiếng máy khâu khi kim dập vào vải.

Sau mỗi giờ lên lớp, Ben Huls lại miệt mài công việc khâu bản đồ để dạy học cho các em

Trung bình một lớp gồm 5 người: Ba học sinh, một tình nguyện viên nước ngoài và một tình nguyện viên Việt Nam. Trong dịp nghỉ hè này, các em được học thêm tiếng Anh, đây là môn khá mới mẻ so với các em nhưng các em ở đây đều rất ngoan ngoãn và chăm chỉ. Tình nguyện viên dù không nhiều nhưng rất tận tình và thân thiện: Ben, Christel, Lea, Coleen, Maximien, Benjamin, Bích Ngọc, Thu Trang… Anh bạn Maximien Murino, sinh viên năm thứ 3 ngành luật, tình nguyện viên người Pháp cho biết đây là lần đầu tiên cậu dạy học và lại còn là dạy cho các em học sinh khiếm thị nên ban đầu, cậu cảm thấy rất lúng túng.

Các em ở những độ tuổi khác nhau, một hoàn cảnh khác nhau theo học ở ngôi trường này nhưng ai cũng mang những ước mơ, hoài bão riêng. Ấn tượng nhất, qua những tấm bản đồ nổi, các em có thể chạm tay vào và hình dung ra được từng quốc gia trên thế giới, khu vực đại dương, lục địa, các châu lục, hoang mạc, sa mạc…

Ben Huls, tình nguyện viên kì cựu người New Zealand gốc Hà Lan, trưa nào sau mỗi buổi lên lớp cũng lại miệt mài công việc khâu bản đồ cho các em dù mắt khá kém và tay hơi run. Ben là thầy giáo đã được 13 năm và có gần chục năm làm việc với người khuyết tật. Mỗi lần Ben xỏ kim đều phải giơ lên thật cao hướng ánh sáng để nhìn cho rõ. Bàn tay người đàn ông chưa quen với công việc cần sự tỉ mỉ, nhẫn nại khá là vụng về nhưng toát lên hơn cả là sự nhiệt tình, gần gũi.

Bích Ngọc - tình nguyện viên người Đức gốc Việt chia sẻ rằng việc khâu bản đồ cần rất nhiều sự tỉ mỉ, kì công, ngay từ lúc chọn nguyên liệu. Ngọc phải chọn rất nhiều loại vải khác nhau, chất liệu phải cứng, hơi ráp và có độ sần để các em cảm nhận được dễ hơn. Đặc biệt, mỗi quốc gia, vùng địa lí phải đắp một loại vải riêng nên một tấm bản đồ nhỏ là cả một hỗn hợp các loại vải khác nhau ở trên đó. May phải khéo, chắc từng đường kim mũi chỉ, tránh xô lệch. Ngoài ra, việc dùng sợi thừng mảnh, gồ hẳn lên để may lượn theo từng đường biên giới mỗi khu vực cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và sự tỉ mỉ.

Mỗi một tấm bản đồ như một bức tranh, một tác phẩm nghệ thuật đích thực, hài hòa về đường nét, màu sắc, bố cục. Dù khi để sử dụng cho học sinh khiếm thị chỉ đạt được mục đích tiện lợi, bỏ qua hết các yếu tố về nghệ thuật nhưng dường như các em vẫn cảm nhận được nét đẹp và dự chứa đựng tình cảm mồ hôi công sức của các tình nguyện viên đến từ nhiều quốc gia ở trong đó.

Maximien Murino, sinh viên năm thứ 3 ngành luật, tình nguyện viên người Pháp đang dạy học cho những em học sinh khiếm thị

Thiếu sách học chữ nổi

Vấn đề mà các tình nguyện viên ở trường Nguyễn Đình Chiểu quan tâm nhất hiện nay đó là còn thiếu nhiều sách cho các em khiếm thị học. Hiện tại có ba loại sách cơ bản là sách chữ nổi, sách chữ to và sách nói. Sách chữ nổi được in bằng hình và chữ nổi giúp người học có thể dùng tay sờ và đọc được. Sách nói là sách được chuyển đổi từ sách in sang bằng cách đọc và ghi âm trên băng đĩa rồi nghe lại. Sách chữ to là chữ được in khổ to, nét đậm, hình ảnh được điều chỉnh về kích thước, chi tiết, màu sắc và độ tương phản. Tuy nhiên trường mới có sách giáo khoa, còn sách môn công nghệ và giáo dục công dân bằng chữ nổi vẫn chưa có.

Bà Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng trường Nguyễn Đình Chiểu cho biết: "Trường bắt đầu làm sách từ năm 2002, mỗi năm, trường in hơn 3.000 cuốn sách chữ nổi và sách phóng to cho các em khiếm thị học. Đối với những môn xã hội như Địa, Sử, Văn… thì dễ làm, còn những sách tự nhiên như Lý, Toán, Hóa làm rất mất thời gian vì có nhiều hình và ký hiệu đặc biệt. Ngoài SGK theo nội dung của Bộ, trường còn in nổi các loại sách dạy nghề, truyện, tiếng Anh, sách tham khảo, thiếu nhi… phục vụ cho học sinh trong trường. Do quá trình làm sách chữ nổi khá phức tạp nên giá mỗi bộ sách khá cao, tùy theo lớp học sẽ có giá 1-6 triệu đồng cho nên ít người làm dẫn đến tình trạng thiếu sách".

Tôi hỏi Minh và Tùng về việc học văn hóa của các em ở trường thế nào. Minh kể mọi chuyện diễn ra bình thường, các em học chung lớp với các học sinh mắt sáng, cũng phải làm bài tập như nhau, tham gia học thể dục chạy vài vòng quanh sân, không có sự phân biệt đối xử nào cả. Tùng bảo mỗi cái thiếu sách học, nhất là sách công nghệ. Đang ngập ngừng, Tùng nói tiếp: "In sách tốn tiền Nhà nước lắm chị à, bọn em cũng chẳng dám đòi hỏi gì…".

"Nhìn" người qua tiếng bước chân

Dù vẫn biết người khiếm thị có đôi tai khá thính nhạy do phải dùng đôi tai để thay cho đôi mắt thì tôi vẫn không khỏi thấy bất ngờ Tùng, một học sinh khiếm thị chào tôi và cô giáo Phương khi em đang đi cách chúng tôi hơn 10m nữa. Tôi hỏi Tùng chẳng nhẽ chỉ cần nghe một âm thanh rất nhẹ như vậy mà em cũng đoán ra là cô giáo của mình sao.

Tùng cười khẽ bảo: "Nghe là một phần chị ạ. Cái quan trọng là phải cảm nhận. Đầu tiên là âm thanh phát ra từ đôi giày thế nào, êm hay là lộc cộc, người đi có dồn nhiều lực vào bàn chân hay không, những bước đi khoan thai chậm rãi hay là mau mắn, vui tươi. Họ đi bình thường hay vừa đi vừa nhịp chân, nhảy nhót… Qua chừng đó âm thanh phát ra từ cách đi đứng, em có thể phần nào đoán được tính cách người đối diện và đó là ai. Em nghe thấy tiếng bước chân là nhận ra ngay đó là cô giáo chủ nhiệm".

Tùng bảo, thường thì người khiếm thị bọn em sẽ đi học nghề mát - xa để mưu sinh. Nhưng Tùng muốn được học và có thể phát huy được những khả năng khác của bản thân trong cuộc sống. "Em thích làm nghề chăm sóc khách hàng qua điện thoại. Giờ em đang học tiếng Anh để thực hiện điều đó đây", Tùng cười thích thú.

Quỳnh Nguyên

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/gap-cac-tinh-nguyen-vien-ngoai-quoc-tai-lop-hoc-khiem-thi-a94878.html