Những trang văn đằm thắm về Hà Nội của Giáo sư Hà Minh Đức

Hà Nội ”Gặp gỡ với nụ cười” cũng đầy những băn khoăn của một nhà giáo với Hà Nội hôm nay và mai sau, trên con đường đô thị hóa đến chóng mặt.

Vào dịp kỷ niệm ngày bộ đội ta tiếp quản Thủ đô (10/10) năm nay 2016, Giáo sư khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội - Hà Minh Đức cho ra mắt bạn đọc cuốn bút ký về “Hà Nội một thời”.

Vài năm gần đây, có nhiều dịp hầu chuyện ông, tôi biết ông trăn trở mãi về tên cuốn sách. Cuối cùng, mượn một ý văn của nhà thơ Bulgary nổi tiếng Blaga Dimitrova (1922 - 2003), ông đặt tên cho cuốn sách là: Hà Nội “Gặp gỡ với nụ cười”. Và ở phần đầu tập bút ký, ông trang trọng kể lại Kỷ niệm về Blaga Dimitrova, tấm lòng của bà với Việt Nam và bài thơ của bà về Việt Nam “Gặp gỡ với nụ cười” (Xuân Diệu dịch).

Cuốn sách Hà Nội "Gặp gỡ với nụ cười".

Cuốn sách ngoài phần mở đầu, có ba phần. Bắt đầu phần 1 là hồi ức “Đường về Hà Nội” của chàng thanh niên Hà Minh Đức, từ vùng tự do xứ Thanh, đi bộ ra Hà Nội để xin thi vào Đại học. Hà Nội đã mở rộng lòng mình đón người con hiếu học, cưu mang ông, để ông sống trọn là “người Thủ đô” từ tháng 10/1954 đến nay. Và dĩ nhiên, những bài viết tiếp theo trong phần này, là những hồi ức của ông về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một cội nguồn của văn hóa Việt, về trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (19 Lê Thánh Tông), về Việt Nam học xá, nơi những lớp sinh viên đầu tiên của Việt Nam lưu trú những năm đầu hòa bình mới lập lại trên miền Bắc. Sử liệu về những địa chỉ này có nhiều, nhưng chúng ta trân trọng những trang viết của ông, vì ông là người trong cuộc, được sống và chiêm nghiệm cho đến hôm nay những giá trị không gì thay thế được của một thời giảng đường Đại học Việt Nam.

Làm nên cái duyên của phần I còn là hai bút ký “rất Hà Minh Đức”: “Hà Nội mùa hoa sấu rụng” và “Hồ Gươm, Hồ Tây, Hồ Bảy Mẫu - chốn hẹn hò và tâm sự của thanh niên nam nữ”. “Hà Nội mùa hoa sấu rụng” là một tập tranh bằng lời về những loài hoa và loài cây của đất Thăng Long. Ta hãy nghe những lời ông viết về hoa sấu: “Hoa sấu trắng bé nhỏ như hạt ngô nếp non, trắng tròn, mềm mại. Sau những cơn mưa đầu mùa hạ, mặt đường bóng gương nước và nổi lên những hoa sấu trong trắng. Từ cành cao rụng xuống hoa sấu rơi vào cảnh đời trôi nổi nhưng cũng đóng góp cho thành phố vẻ đẹp thoáng qua mà gây ấn tượng”. Đấy là về cây sấu, loài cây cho ra một thứ quả đặc trưng cho Hà Nội: quả sấu.

Còn về 3 địa điểm mà ông nói tới: Hồ Gươm – nơi những năm 1954-1960, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc chọn làm chốn gặp gỡ. Hồ Tây, nơi tuổi trẻ Hà Nội chung sức mở rộng đường Cổ Ngư thành đường đôi mang tên “đường Thanh Niên”. Hồ Bảy Mẫu, nơi thanh niên Hà Nội ngày đêm lao động xây dựng nên một Công viên với cái tên đã trở thành một lời thề “Thống Nhất”. Tất cả những ai đã là công dân Thủ đô thời gian đó, đều không thể quên. Với riêng tác giả, Hồ Tây còn là một đêm trăng, chèo thuyền trên hồ Tây như lạc vào “cõi thiên thai” mà trong phần III của cuốn sách này, tác giả kể lại và kể lại với một tâm thức rằng “biết bao giờ trở lại?”.

“Hà Nội 36 phố phường” là nói về một “vùng lõi” của nội thành Hà Nội. Hà Minh Đức có cái duyên được ở nhiều năm trong cái vũng lõi ấy. Rất may, thời ấy cái hào khí của “60 ngày đêm Liên khu I” vẫn rạng ngời. Những trang viết của ông về phố Hàng Khay, Tràng Tiền, Hàng Ngang, Hàng Đào… thấm đẫm nhịp sống vốn có của nó. Và, đúng là “cái yêu” của một Giáo sư Văn chương, ông viết về “từ một phố sách Đinh Lễ đến một cửa hàng sách cũ Bát Đàn” như nói về một nét rất riêng của Hà Nội.

Năm nay đã ngoài 80, Giáo sư Hà Minh Đức đã có hơn 60 năm sống ở Hà Nội. Ông đã gặp gỡ, chuyện trò, ghi chép các cuộc gặp với nhiều nhà văn, nhà văn hóa lớn của đất nước và Hà Nội… Sự nghiệp của họ, văn chương của họ đã được ông viết thành sách, có cuốn tái bản nhiều lần… Nhưng dường như với ông vẫn chưa đủ. Cho nên ở phần III tập sách Hà Nội “Gặp gỡ với nụ cười” do NXB Công an nhân dân in lần này, ông lại dành những trang đằm thắm nói về “những nhà văn viết về Hà Nội”. Cùng với những nhân vật nhà văn, ông viết về “những năm Hà Nội chống Mỹ”, về “ẩm thực Hà Nội”.

Là một giáo sư Đại học khả kính, ông không câu nệ, hết nhảy xích lô người này đến nhảy xe ôm người khác để đi đến tận cùng ngóc ngách” đất Tràng An”. Tôi đã một lần được làm “xe ôm” cho ông, đi đến một quán ăn mà ông cho rằng “thoạt nhìn như Tụ Nghĩa Đường trong Lương Sơn Bạc”. Bởi thế, những trang viết của ông về nguời đạp xích lô, ông giáo cấp 3 chạy xe ôm,người lái taxi thật và sống động tới mức tôi đã định lấy lời của một nhân vật “ngày vui nhất là ngày hôm nay” làm đầu đề cho bài viết này.

Không thể khác được, Hà Nội "Gặp gỡ với nụ cười” cũng đầy những băn khoăn của một nhà giáo với Hà Nội hôm nay và mai sau, trên con đường đô thị hóa đến chóng mặt. Nhưng đấy không phải là mục đích cuối cùng của ông. Bởi vậy, kết thúc tập sách là một chùm thơ ông viết tặng Hà Nội.

“Chuyện Rùa thiêng đã trở thành cổ tích

Cho em học từng ngày trong sách

Cho bà kể chuyện cháu nghe…

Năm tháng trôi qua

Người ơi còn nhớ

Năm xưa Hồ Gươm có một cụ Rùa?” (Bài thơ “Rùa thiêng” tr.276).

Giới thiệu tập bút ký Hà Nội”Gặp gỡ với nụ cười” của Giáo sư Hà Minh Đức, nhà thơ Hữu Thỉnh viết “Giáo sư Hà Minh Đức viết văn mà không muốn làm văn. Một người uyên thâm luôn coi trọng thực chất. Những trang văn như không hề có chút trang trí nào, nó rất thật, một sự thật nguyên khối, đôi khi còn chút xù xì. Tác giả không muốn làm văn, như đã nói, và không muốn đánh bóng sự thật, để cuộc sống hiện ra ở dạng đậm và mộc nhất. Phải dụng công, và phải giàu tiềm lực lắm mới có thể làm được như vậy. Xin chúc mừng Giáo sư”./.

Trương Cộng Hòa/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-trang-van-dam-tham-ve-ha-noi-cua-giao-su-ha-minh-duc-564618.vov