Những tựa game máy thùng đáng nhớ nhất

Pong (phát hành năm 1972)

Pong là một trong những tựa game máy thùng đầu tiên được thương mại hóa và do hãng Atari tung ra thị trường vào năm 1972. Với lối chơi đơn giản, Pong đã thu hút rất nhiều người chơi hâm mộ và các hãng game khác cũng đã “sao chép” cách chơi của Pong để thực hiện hàng loạt những tựa game mini khác nhau. Chỉ với việc di chuyển hai thanh song song đánh vào trái banh ở giữa, luật chơi của Pong khá giống môn bóng bàn khi người thắng là người khiến đối phương hụt tay khi bóng tới. Cho đến hiện nay, sau gần 40 năm tồn tại và phát triển, Pong được xem là tựa game dễ tiếp cận và thân thiện nhất cho dù người chơi là game thủ ở đẳng cấp nào đi nữa. Space Invaders (1978) Nếu Pong là tựa game máy thùng đặt nền tảng cho thể loại này thì Space Invaders là nhân tố khiến các trò chơi máy thùng trở nên phổ biến và thành công đến ngày hôm nay. Với phong cách chiến đấu quái vật vũ trụ vốn đang thịnh hành thời điểm đó, những chiếc máy thùng Space Invaders đã làm cạn kiệt những đồng xu 100 yen vốn dùng để chơi game, và gần như tất cả các máy thùng được trang bị tại các khu giải trí đều là Space Invaders. Trò chơi trở thành một tựa game “đỉnh” không chỉ tại Nhật mà còn trên toàn thế giới, và sau đó hãng Atari đã mua bản quyền Space Invaders và đưa lên hệ máy Atari 2600 của mình. Trò chơi cũng đem lại thành công cho hệ máy của Atari, đồng thời cũng là nguồn cảm hứng về trò chơi điện tử đầu tiên cho Shigeru Miyamoto, cha đẻ của Mario, Donkey Kong, Zelda... khi ông trả lời phỏng vấn của tạp chí Time vào năm 2007. Pac-Man (1980) Nếu như Space Invaders nói về đề tài chiến tranh vũ trụ thì ở Pac-Man, đề tài “ăn điểm sáng” có vẻ thân thiện và đơn giản hơn rất nhiều. Được thiết kế bởi Toru Iwatani, Pac-Man là tựa game có phần tươi sáng, màu sắc hơn các người tiền nhiệm máy thùng trước đây và thu hút khá nhiều đối tượng người chơi “bình dân” bên cạnh các game thủ kì cựu. Trò chơi thành công đến nỗi gây ngạc nhiên cho chính nhà thiết kế Iwatani, và vượt qua cả niềm hi vọng của Namco vào thời điểm đó là tựa game đua xe Rally-X. Trò chơi được “tái chế” với rất nhiều phiên bản trên các hệ console hiện nay, và Pac-Man cũng là tựa game được xem là thành công nhất và có thương hiệu mạnh nhất của Namco cho đến ngày nay. Donkey Kong (1981) Mặc dù không phải là tựa game đầu tiên do Nintendo phát hành, nhưng Donkey Kong lại là trò chơi đưa tên tuổi của nhà thiết kế thiên tài Shigeru Miyamoto của hãng trở thành huyền thoại của làng game. Được thiết kế theo phong cách “platform”, nhân vật chính trong Donkey Kong là anh chàng Jumpman sẽ vượt qua hàng loạt những chướng ngại vật do một con dã nhân khổng lồ gây ra và giải cứu cô nàng tóc vàng Pauline kiều diễm. Cho đến hiện nay, Donkey Kong vẫn thuộc vào hàng những game máy thùng “kinh điển” và người chơi vẫn liên tục thử thác mình phá vỡ những kỷ lục về điểm số cao nhất trong Donkey Kong. Nhân vật Jumpman về sau được đổi tên thành Mario, và cùng với Donkey Kong, đây là hai nhân vật biểu tượng thành công của Nintendo hiện nay. Robotron 2084 (1982) Giống như tựa game Defender trước đó, Robotron 2084 cũng đưa ra ý tưởng hai cần gạt (joystick) và không cần nút bấm, đặc biệt có thêm khả năng mới: người chơi có thể di chuyển và bắn theo hai hướng khác nhau. Đây được xem là tiền đề cho cuộc cách mạng “bàn phím kết hợp chuột” trên những game bắn súng trên hệ PC và là nguồn cảm hứng cho việc thiết kế hai cần gạt trên những tay cầm máy game console như Dual Shock của Sony hoặc thậm chí là Wii với Wii Remote và Nunchuk. Robotron 2084 cũng là nguồn cảm hứng để thiết kế tựa game gần đây là Geometry Wars: Retro Evolved vốn rất thành công trên Xbox Live Marketplace, cùng hàng loạt tựa game bắn súng khác như Everyday Shooter, Mutant Storm, Cash Guns Chaos... Gauntlet II (1986) Nếu so với tiêu chuẩn game hành động hiện đại ngày nay, dòng Gauntlet là một trò chơi khá đơn giản với việc điều khiển bốn chiến binh khám phá một hang động mê cung, tiêu diệt đối thủ và ăn “máu”. Đó là tất cả với một game hành động cách đây gần 25 năm, nhưng điều đặc biệt là Gauntlet II hỗ trợ đến 4 người chơi phối hợp với nhau (coop), điều mà hiếm game hành động nào hiện nay thực hiện được. Có thể nói Gauntlet II là tựa game đầu tiên đặt nền móng cho thể loại hành động nhập vai, và đặc biệt là tính năng tổ đội (party) trong game MMO. Street Fighter II - The World Warrior (1991) Thể loại song đấu 2D bắt đầu bùng nổ từ những năm đầu thập niên 90, phần lớn là nhờ vào thành công của hai dòng game Street Fighter của Capcom và Fatal Fury/King of Fighters của SNK. Tuy nhiên, phiên bản Street Fighter II được chú ý nhiều hơn đối thủ King of Fighters với dàn đấu sĩ thiết kế sâu sắc và những tuyệt chiêu có đặc trưng riêng khá đẹp. Cùng với thời gian, Capcom phát triển dòng game của mình với việc nâng cấp, đưa vào những đấu sĩ mới, cách chơi mới và đặc biệt ở khía cạnh đồ họa, dòng game đã có những bước chuyển vượt bậc so với người tiền nhiệm. Phiên bản mới nhất Street Fighter IV với đồ họa 3D kết hợp 2D và lối chơi song đấu truyền thống đã đạt được thành công vang dội, hứa hẹn dòng game song đấu của Capcom này sẽ còn thăng hoa trong tương lai. Mortal Kombat (1993) Nếu như làng game Nhật có thể tự hào với Street Fighter và King of Fighters, làng game phương Tây cũng có một đại diện khá đình đám là Mortal Kombat, tựa game song đấu do Midway phát triển và phát hành. Khác với những tựa game song đấu châu Á, Mortal Kombat sử dụng đồ hoạt dạng hình chụp nhân vật và đưa vào game thay vì vẽ tay. Do vậy, các đấu sĩ trong Mortal Kombat có vẻ “thật” hơn, nhưng do giới hạn kỹ thuật nên các động tác ra đòn còn khá cứng nhắc và không được nhuần nhuyễn. Trò chơi của Midway còn nổi tiếng qua mức độ bạo lực khá cao của các đấu sĩ khi ra đòn, đặc biệt là những chiêu kết liễu “fatality” tuy khá máu me nhưng lại đẹp mắt. Mortal Kombat hiện nay tuy không đủ sức cạnh tranh với những game song đấu đến từ Nhật Bản nhưng chất lượng trò chơi luôn ở mức khá tốt, đặc biệt là phiên bản mới nhất Mortal Kombat vs. DC Universe với sự góp mặt của những siêu anh hùng truyện tranh của DC Comics. Virtual Fighter (1993) Cũng dễ hiễu khi đa số những game trên máy thùng đều thuộc thể loại đối kháng/song đấu, do tính chất cạnh tranh kỹ năng và thành tích vốn có của hệ máy này. Trong khi thể loại song đấu 2D vẫn đang phát triển, Virtual Fighter xuất hiện năm 1993 lần đầu tiên đã đưa đồ họa 3D vào những game song đấu trên máy thùng. Hệ thống điều khiển thuận tiện, sâu sắc cùng với dàn nhân vật khá cân bằng của Virtua Fighter đã thu hút không ít các fan của game song đấu. Một trong những điểm nhấn của Virtua Fighter là yếu tố “dễ chơi nhưng khó pro” giúp trò chơi trở thành tựa game song đấu 3D hấp dẫn. Virtua Fighter cũng đặt tiền đề cho những trò chơi song đấu 3D về sau như Soul Edge (Soul Calibur), Tekken, Dead or Alive... Dance Dance Revolution (1998 tại Nhật, 1999 trên toàn thế giới) Dance Dance Revolution (DDR) phát hành lần đầu tại Nhật năm 1998 và nhanh chóng trở thành một hiện tượng về game âm nhạc và vũ điệu. Hiện nay đã có hơn 50 phiên bản DDR được phát hành với những phong cách khác nhau, nhưng nhìn chung trò chơi vẫn giữ được nét trẻ trung sôi động trong các bước nhảy, và thậm chí những người chơi tại Nhật còn hẹn hò, thi thố tài năng nhảy với nhau tại những trung tâm giải trí máy thùng có trang bị DDR. Dòng game nhảy của Konami cũng cho thấy âm nhạc và vũ điệu khi kết hợp cũng sẽ tạo ra một trò chơi cực kì thu hút giới trẻ, và DDR cũng là tựa game tiên phong của trào lưu game âm nhạc hiện nay với những cái tên nổi bật như Guitar Hero, Rock Band, Beatmania... Thư Ly | > >>|

Nguồn PC World: http://www.pcworld.com.vn/pcworld/magazine_gm.asp?atcl_id=5f5e5d585a5e56&t=mzdetail