Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 36)

Cùng với quân dân trong tỉnh, các đơn vị Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Lạng Sơn đã luôn khắc phục mọi khó khăn, dũng cảm chiến đấu, bẻ gãy các đợt tấn công của đối phương. Không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, CANDVT Lạng Sơn còn linh hoạt, mưu trí giúp đỡ, đưa hàng ngàn người dân từ 'túi đạn' về nơi an toàn. Điển hình là Đồn CANDVT Bình Nghi và Đồn CANDVT Pò Mã...

Bài 36: Linh hoạt, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu

Pò Mã: Vừa dũng cảm chiến đấu, vừa mưu trí giải cứu nhân dân

Vừa qua khỏi cổng Đồn Biên phòng Pò Mã, nhìn phía bên tay phải sẽ thấy Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của đơn vị. Trên tấm bia đá là tên tuổi, quê quán, ngày tháng cụ thể về năm sinh, nhập ngũ và hy sinh của các liệt sĩ. Phía dưới cùng là dòng chữ: Nhà bia tưởng niệm được xây dựng để tỏ lòng tôn kính, tri ân, ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh tại vùng đất này qua các thời kỳ...

Cán bộ Đồn Biên phòng Pò Mã luôn tưởng nhớ sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong công cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới. Ảnh: Phương Vy

Cán bộ Đồn Biên phòng Pò Mã luôn tưởng nhớ sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong công cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới. Ảnh: Phương Vy

Đồn Biên phòng Pò Mã (tiền thân là Đồn CANDVT Pò Mã) nằm ở điểm cuối trên tuyến biên giới Lạng Sơn (giáp với Cao Bằng). Đơn vị được giao quản lý trên 21km đường biên giới, thuộc địa bàn 2 xã Quốc Khánh và Đội Cấn, huyện Tràng Định. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nơi đây được xác định là vùng hậu cứ. Sáng 17/2/1979, khi chiến tranh xảy ra, Đồn CANDVT Pò Mã là một trong những mục tiêu trên tuyến biên giới huyện Tràng Định bị địch bắn phá ngay từ đầu. Chúng sử dụng 1 trung đoàn bộ binh, có pháo binh yểm trợ chia làm nhiều mũi tấn công dồn dập vào khu vực đồn bộ và các chốt tiền tiêu của Đồn CANDVT Pò Mã.

“Trong chiến hào, chiến sĩ vẫn bình tĩnh chờ chúng đến gần rồi mới nổ súng. Đội hình đối phương khựng lại, tiếng kèn đồng cũng tắt hẳn. Binh lính địch nháo nhác tháo chạy về phía sau, bỏ lại nhiều vũ khí, đạn dược” - Đại tá Ninh Văn Hợp, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Mã nhớ lại.

Trong lúc chiến sự đang diễn ra nóng bỏng, hàng nghìn người dân từ các xã Đức Long, Lê Lợi, Danh Sỹ (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) và xã Tri Phương, Đội Cấn, Quốc Khánh (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) dồn hết về Lũng Xá, xã Quốc Khánh. Tình thế quá hiểm nghèo, mệnh lệnh số 1 trong lúc này là phải đánh chặn địch, bảo vệ và đưa nhân dân thoát khỏi vòng vây. Đồn CANDVT Pò Mã đã hội ý cùng xã Quốc Khánh, quyết định lập 13 chốt trên 13 đường mòn đi vào hậu cứ để vừa đánh quần lộn với địch, vừa bảo vệ nhân dân. Một tuần liên tục quần lộn trong vòng vây của địch, lương thực đã hết, vũ khí cạn kiệt, nhưng với sự mưu trí, dũng cảm, cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Pò Mã đã vừa chiến đấu, vừa hết lòng bảo vệ nhân dân.

“Khi mở cuộc tấn công lớn vào Lũng Xá, không gặp sự phản kháng nào, tưởng quân ta đã rút, chúng yên tâm hạ trại nấu ăn. Đúng lúc đó, từ các cửa hang, các mỏm núi, hỏa lực ta đan thành lưới lửa trùm xuống. Lán trại chúng vừa dựng lên bị thiêu cháy nham nhở; súng đạn địch văng tứ tung. Đến cuối tháng 2/1979, hơn 10.000 bà con đã được Đồn CANDVT Pò Mã và chính quyền địa phương giải cứu, đưa về nơi an toàn” - Đại tá Ninh Văn Hợp nhớ lại.

Trận Lũng Xá là một trận đánh đẹp của sự phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa CANDVT, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đây là trận đánh thể hiện sinh động tình quân dân cá nước, để lại trong lòng nhân dân hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ CANDVT. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, Đồn CANDVT Pò Mã đã đánh bật 11 cuộc tấn công của địch, tiêu diệt hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí, trang bị. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, đặc biệt là giải cứu hơn 10.000 người dân, tháng 12/1979, Đồn CANDVT Pò Mã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều tập thể, cá nhân của đơn vị cũng được tặng thưởng các danh hiệu cao quý khác.

Đồn CANDVT Bình Nghi: Linh hoạt, mưu trí trong đánh địch

Trạm kiểm soát Biên phòng Bình Nghi (Đồn Biên phòng Bình Nghi) nằm ở đoạn cuối cùng của con sông Kỳ Cùng, trước khi sông đổ sang Trung Quốc. Trong khuôn viên trạm kiểm soát, ngay bên cạnh con sông Kỳ Cùng thơ mộng là nơi đặt nhà bia tưởng niệm 11 anh hùng liệt sĩ của đơn vị đã không tiếc máu xương để trấn giữ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Nghi tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Vi Toàn

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Nghi tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Vi Toàn

Theo Trung tá Trịnh Đức Tùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Nghi: Đơn vị được giao quản lý địa bàn 02 xã Đào Viên; Tân Minh huyện Tràng Định và gần 30km đường biên giới với 77 cột mốc. Nơi đây có địa hình khá phức tạp vì phần lớn đường biên giới chạy theo các sườn đồi đỉnh núi cao, cũng có nhiều đoạn chạy theo hạ lưu sông Kỳ Cùng.

Năm nay tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng ông Hoàng Văn Tin, nguyên Đồn trưởng Đồn CANDVT Bình Nghi (giai đoạn 1979-1980) vẫn không quên được những ngày khói lửa chiến tranh. Ông Tin nhớ lại: Trước khi xảy ra chiến tranh, địch đã có nhiều hành động khiêu khích, tung lực lượng xâm nhập vào sâu trong đất ta dò la tin tức, bắt cóc cán bộ và dân ta... Sáng 17/2/1979, địch đã dùng hỏa lực bắn dồn dập vào trận địa của đơn vị nhưng do làm tốt công tác chuẩn bị, hầm hào, công sự được xây dựng kiên cố, vững chắc nên lực lượng của ta không ai bị thương vong. Khi bộ binh địch tràn lên, CB, CS đơn vị đã dũng cảm chiến đấu, đẩy lùi các đợt tấn công của chúng...

Sau nhiều lần bị thất bại nặng nề do sự phản công của ta, địch tập trung lực lượng, nhiều vũ khí hạng nặng tiếp tục bắn phá. Để bảo toàn lực lượng, Đồn CANDVT Bình Nghi phải liên tục cơ động vừa di chuyển địa điểm vừa tổ chức đánh địch. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên tới đâu, ta cũng có sẵn hầm hào công sự để đánh trả lại quân địch. Hàng chục đợt tấn công của đối phương đều bị thất bại trước sự chiến đấu mưu trí, dũng cảm của CB, CS Đồn CANDVT Bình Nghi; hàng trăm tên địch đã bị tiêu diệt.

Mưu trí, dũng cảm, lập nhiều thành tích trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc, Đồn CANDVT Bình Nghi vinh dự được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng thưởng 1 lá cờ “Tuổi trẻ anh hùng”; Bộ Tư lệnh CANDVT tặng thưởng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. Ngoài ra, còn có 13 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng; 5 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Bài 37: Tuổi xuân gửi lại biên cương

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-36-post468262.html