Những tượng đài quyết tử

Cách đây tròn 70 năm, tiếng súng của quân dân Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Chúng tôi đã tìm gặp những nhân chứng của một thời lịch sử nghe họ kể về chiến tích của quân và dân Thủ đô những ngày này 70 năm về trước. Các chiến sĩ cảm tử năm xưa ai cũng đều trên 90 tuổi nhưng ký ức về những ngày khói lửa vẫn vẹn nguyên trong trái tim họ.

Bà Nguyễn Bích Thuận.

Chuyện của người mã hóa bức điện

Chúng tôi có dịp gặp bà Nguyễn Bích Thuận- nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ, là người trực tiếp mã hóa bức điện “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và dịch bức điện của Mặt trận Liên khu I đáp lại lời kêu gọi của Bác, của Chính phủ trong những ngày mở đầu Toàn quốc kháng chiến năm 1946 vào ngày đông giá.

Đã 70 năm trôi qua, nhưng với bà Thuận, những cảm xúc khi thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc vẫn còn nguyên vẹn, như mới vừa diễn ra ngày hôm qua.

Bà kể lại: Tôi là người có may mắn gặp Bác Hồ hai lần trước khi thực hiện công việc mã hóa những bức điện. Khi nhận nhiệm vụ mã hóa bức điện Bác gửi cho quân dân Thủ đô, tôi không khỏi từ hào. Mọi thông điệp về cuộc chiến được chính tay Bác viết trong tờ giấy nhỏ gửi cán bộ, chiến sĩ Liên khu 1.

“Đọc nội dung bức điện, tôi cảm nhận được ở Bác sự quyết tâm vô hạn trong việc giữ nước. Thế nhưng, tôi cũng cảm nhận được nỗi đau của Bác khi Người kêu gọi: “Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. “Tôi đã phải kìm nén cảm xúc để mã hóa chính xác bức điện”, bà Thuận nói.

“Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, vì yếu tố bảo mật, tôi đưa tận tay đồng chí Trần Quốc Hoàn, khi đó là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ- Đặc phái viên của Trung ương tại mặt trận Hà Nội”. Ngừng một lát, giọng bà Thuận sang sảng: “Lời của Bác đã trở thành lời lịch sử, đó là lời hịch hiệu triệu toàn thể chiến sĩ, quốc dân đồng bào nhất tề đứng dậy bảo vệ đất nước, đánh đuổi giặc ra khỏi đất nước ta”.

Loạt đại bác thần thánh

Chúng tôi gặp pháo thủ Đỗ Văn Đa, 1 trong 9 người đã bắn loạt đại bác mở màn cho những ngày dữ dội của quân và dân Thủ đô năm ấy. Nhắc lại những ngày đầu tham gia tại Pháo đài Láng, ông Đa vẫn nhớ rõ từng chi tiết nhỏ nhất, tỉ mỉ kể cho người nghe những ngày tham gia tự vệ ở xã Yên Lãng (thuộc khu Đống Đa), rồi việc tiếp quản, chuyển giao Pháo đài Láng từ tay quân Pháp, quân Nhật, quân Tàu Phù rồi đến lực lượng Việt Minh.

Ông Đỗ Văn Đa.

Ông Đa kể: “Tôi không thể quên được ngày 18/12 mùa đông năm 1946. Có một người đi ô tô từ nội thành ra trao đổi và đưa cho trung đội trưởng chỉ huy Pháo đài một phong bì. Mãi đến sau này ông mới biết đó là hiệu lệnh tấn công”, ông nói và kể tiếp: Tôi nhớ như in, chiều 19/12/1946, trung đội trưởng nói: các đồng chí ăn cơm sớm, sau đó, ai ở vị trí nào vào vị trí ấy, chờ lệnh. Tối mùa đông rét đậm. Chúng tôi, những trai làng ngoại thành Hà Nội, quen làm ruộng trồng rau hơn cầm súng, đã vào vị trí nhưng rất hồi hộp, không thể hình dung được chiến sự sẽ ra sao. Đúng 20h3', cả nội thành tối om-điện tắt, trung đội trưởng dõng dạc hô khẩu lệnh: “Bắn!” Hai khẩu pháo tức thì bắn 3 loạt, 6 viên vào trong thành. Cả pháo đài rung chuyển, đất cát bay mù mịt, quần áo, mặt mũi các pháo thủ đều lấm lem”, ông Đa kể.

Rét căm căm mà mồ hôi vã ra như tắm. Chúng tôi như trẻ nhỏ, sung sướng vui mừng không kể xiết khi trinh sát báo về pháo bắn vào Thành đã trúng đích. Các mẹ các chị gánh cơm nước lên tiếp tế cho bộ đội cũng rất phấn khởi. Đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi lời khen ngợi biểu dương càng làm cho chúng tôi thêm tự hào.

Đêm hôm sau, giặc Pháp bắn vào trận địa, đại bác rơi vào làng, nhà cháy, dân bị chết và bị thương, nhưng đội tiếp tế vẫn gánh cơm lên trận địa. Những rá cơm nghi ngút khói ấm áp tình quân dân. Bọn mo-ran đầm già ngày nào cũng bay vè vè trinh sát. Ngày 21/12/1946, bằng cách ngắm bắn trực tiếp (vì không có máy ngắm), chúng tôi đã hạ được một chiếc rơi ngay trong nội thành.

Ngày 22/12/1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi thư khen: “Gửi lời khen tinh thần của các chiến sĩ Pháo đài bắn chính xác mục tiêu khiến ai nấy đều hết sức vui mừng. Sáng hôm sau, Đại tướng nhận định: “Pháo đài Láng bắn loạt đạn tối qua là loạt đạn thần thánh của dân tộc ta, là thắng lợi lớn vì bọn thực dân đang có âm mưu phá thành đánh ta. Ta đã đánh trước nó được ít phút, phá tan âm mưu của địch”.

Sau loạt đại bác hiệu lệnh của Pháo đài Láng, quân và dân Hà Nội quyết liệt giao chiến ở các nơi suốt cả đêm 19/12 đến sáng ngày 19/12. Tiếng súng không ngớt, cả bầu trời Thủ đô rực sáng. Đến tối 21/12, trinh sát báo có 2 tàu chiến của Pháp từ Hải Phòng lên chở rất nhiều binh lính Pháp, đỗ ở bến Phà Đen.

Vào khoảng 11h đêm, các pháo thủ Pháo đài Láng bắn ra 3 phát đạn vào tàu chiến khiến chúng điên cuồng bắn trả. Trong trận này, đã có không ít mất mát, hy sinh. Hai pháo thủ của Pháo đài Láng hy sinh. Một người dân làng Láng tử vong và một người khác bị thương. Từ ngày 23/12 trở đi, bộ binh và nhân dân Thủ đô các cửa ô Hà Nội quyết liệt chiến đấu chống quân Pháp, giam chân địch trong thành, còn các pháo thủ Pháo đài Láng tiếp tục đào hầm, chuẩn bị đạn dược, vũ khí chờ lệnh chiến đấu.

Ngày 12 tháng Giêng năm 1947, các chiến sĩ Pháo đài Láng được lệnh rút quân lên Việt Bắc. Khi đi các pháo thủ đã tháo một cơ bẩm và một máng đạn mang đi. Đến bến đò Đan Sỹ, Hà Đông, anh em giao cho Ủy ban chiến đấu đang trực chiến để tiếp tục hành quân.

Ông Đỗ Văn Đa chia sẻ: “Đồng đội ở Pháo đài Láng tuy đã mất nhưng con cháu họ luôn tự hào về những cống hiến của cha ông trong những ngày chiến đấu ở Pháo đài Láng. Tên tuổi của các pháo thủ đã gắn liền với Pháo đài Láng và đó không chỉ là niềm vinh dự của họ mà là niềm vinh dự của mọi người dân Yên Lãng nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa nói chung”.

Nguyên Khánh

Từ khóa

toàn quốc kháng chiến tượng đài quyết tử

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/nhung-tuong-dai-quyet-tu/141627