Những vấn đề của sáng tác điện ảnh và phim truyền hình

Sáng nay, Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức tọa đàm mở nhằm tổng kết và đánh giá hoạt động nghệ thuật sáng tác điện ảnh, phim truyền hình Việt Nam hiện nay.

Đến với buổi tọa đàm, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các đạo diễn, nhà làm phim cùng những người tâm huyết với điện ảnh Việt Nam đã có những ý kiến xác đáng, chân thành về những vấn đề của sáng tác điện ảnh và truyền hình Việt Nam hiện nay. Tọa đàm diễn ra sôi nổi với rất nhiều ý kiến trăn trở khác nhau, nhưng cùng một mong muốn làm sao cho sáng tác điện ảnh, phim truyền hình được khơi thông.

NSND Đạo diễn Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đặt vấn đề: số lượng phim Việt Nam ngày càng được sản xuất tăng nhanh nhờ xã hội hóa, nhưng chất lượng nghệ thuật của các phim làm ra lại không tỷ lệ thuận với sản lượng phim làm ra. Vì thế vai trò và nhiệm vụ của Ban lý luận phê bình và Hội đồng nghệ thuật của Hội là cần thiết và cần chủ động vào cuộc, tổ chức đánh giá những cái được và chưa được nhằm rút kinh nghiệm, góp phần xây dựng thị hiếu lành mạnh cho công chúng yêu điện ảnh, đồng thời động viên giới sáng tác điện ảnh truyền hình.

PGS.TS Trần Luân Kim, trưởng Ban Giám khảo hạng mục phim truyện điện ảnh cho biết có 19 bộ phim tham gia tranh giải và tất cả đều do tư nhân bỏ vốn. Các đề tài: Tâm lý xã hội có khoảng 14 phim, trong đó số phim đa thể loại rất nhiều, nên khó phân loại rạch ròi. Thể loại Hài có 3 phim, hành động có 02 phim, ma quái kinh dị có 01 phim. Đề tài về thành phố tập trung nhiều hơn: hình ảnh bộ đội giúp dân; chống lũ lụt; các cô gái quê lên thành phố kiếm sống… tương đối đa dạng. Khá nhiều phim miêu tả hiện tượng tiêu cực: bảo kê, tiêu cực nhức nhối. Nhiều tác giả đề cập đến tình yêu đẹp, hoặc tình yêu vật chất và còn nữa là bộ mặt của hận thù và sự trả thù nổi lên rõ rệt. Xu hướng chú ý đến câu chuyện nhức nhối làm cho tỷ lệ phân bố đề tài mất cân đối. Nhiều phim chen hài trong cách kể chuyện. Tuy năm nay đã giảm bớt phim “hài nhảm”, nhưng vẫn còn nhiều pha pha hài đặt không đúng chỗ, đã ảnh hưởng đến mạch cảm xúc của khán. Hình ảnh và kỹ thuật, nghệ thuật âm thanh trong nhiều bộ phim đã được cải tiến, bài bản, kỹ thuật hơn, chuyên nghiệp hơn. Việc nhiều chuyên viên nước ngoài ở các bộ phận chuyên môn khác nhau tham gia làm phim, khiến diện mạo phim Việt được cải tiến hơn. Nghệ thuật xử lý ngôn ngữ, chi tiết, nhịp điệu đã có sự tiến bộ tạo nên một số phong cách. Tuy nhiên, vẫn còn một số phim cách kể chuyện còn cũ, gây nhàm chán. Có nhiều bộ phim đưa vào nhiều cảnh ồn ào, la hét không cần thiết. Do chưa xác định rõ nghệ thuật thể hiện phim nên ở nhiều phim cách kể khá lộn xộn, pha trộn hài lẫn vào trong tâm lý nên giá trị không cao. Kỹ thuật thể hiện võ thuật, hành động đã có bước tiến rất lớn. Nhiều nhà làm phim đã làm chủ kỹ thuật, xử lý hình ảnh khá đẹp. Tuy nhiên, trong phim hành động cảnh đuổi bắt, đánh nhau quá nhiều, có xu hướng bắt chước Tây. Rất nên nên chỉnh đốn lại. Ngoài ra, còn quá nhiều cảnh đánh đấm bị lạm dụng, trong khi lại thiếu màn khoe võ dân tộc. Một số phim được thể hiện theo ý tưởng, ước lệ là tốt, nhưng lại hạn chế do nhiều chỗ gây khó hiểu. Quy mô dàn dựng bối cảnh tiến bộ nhiều, thể hiện sự cố gắng. Ở nhiều phim, đua nhau mô tả các nhân vật đồng tính, đã gây nhàm chán. Nhiều chỗ còn dài dòng trở thành thừa, thể hiện trong cách kể, trong nhiều cái kết của một số phim. Thu âm trực tiếp có cái hay, nhưng một số diễn viên không có thanh giọng nên khó nghe. Tình trạng chung là kịch bản còn yếu, là điều các nhà quản lý nên quan tâm. Đã và đang hình thành thế hệ diễn viên xuất hiện nhiều gương mặt mới, lăn xả, nhiệt huyết. Theo ông, nếu có thị trường tốt, thì lớp trẻ sẽ có khả năng làm nên thành công mới.

NSND Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thay mặt Ban Giám khảo hạng mục phim truyện truyền hình nhận xét về chất lượng phim năm nay. Theo ông, có 550 tập phim truyền hình tham gia dự thi gồm VFC, HTV, và nhiều phim từ nguồn xã hội hóa. Đài truyền hình Vĩnh Long cũng tham gia phim với đặc điểm miền Tây nổi bật. Có dòng phim chính luận, nhưng ất ít các phim nói về nông thôn, sản xuất kinh doanh… mà đa phần thiên về câu khách. Phim về Tâm lý xã hội vẫn chiếm tỷ lệ nhiều. Một số phim có phong vị độc đáo, thú vị vùng miền như: Sông phố nhà ghe... Dòng phim điều tra vụ án, lại đi sâu vào xã hội hội đen, lộ rõ sự ảnh hưởng của nội dung nước ngoài. Hình ảnh người công an chỉ xuất hiện cuối cùng. Tạo ra sự nhàm chán giống nhau. Phim về miền núi, hải đảo, phần lớn chỉ dừng ở mức minh họa làng nhàng. Phim truyền hình sản xuất theo phương án phải bù lỗ, bị chi phối bởi hiệu quả kinh tế của quảng cáo nên cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều đề tài phim gây nhàm chán, đòi hỏi cần điều tiết cân đối hơn. Hình ảnh đánh nhau rất nhiều, chỗ nào cũng thế và dường như không thấy xã hội, pháp luật xung quanh can thiệp. Phim lạm dụng hồi tưởng quá nhiều, cả tiếng nói nội tâm bị sử dụng quá nhiều. Thực tế là, lực lượng làm nghề ngày càng trẻ trung hơn. Kỹ thuật tiến bộ, tiết tấu nhanh. Nhiều diễn viên truyền hình trẻ đẹp bên cạnh các diễn viên lớn tuổi có đóng góp tốt. Nhìn chung có đội ngũ làm phim chuyên nghiệp hơn. Tư duy làm phim cũ đã không còn phù hợp với thời đại sống. Đòi hỏi các nhà làm phim phải tìm hiểu khán giả hôm nay, khán giả ngày mai như thế nào mới có thể tiếp cận với đời sống.

NSND Đạo diễn Lê Hồng Chương, trưởng Ban giám khảo hạng mục phim tài liệu, và tài liệu khoa học cho biết, hầu hết phim tài liệu khoa học đều do nhà nước sản xuất. Đề tài phong phú. Các nhà làm phim tài liệu đã và đang cố gắng tìm tòi thể hiện ngôn ngữ mới giảm bớt những phim làm theo tư duy cũ, lạm dụng lời bình, áp đặt ý muốn chủ quan của tác giả. Các nhà làm phim tài liệu hôm nay đã sử dụng thế mạnh của báo chí khi làm phim và nhập cuộc nhanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đề tài chỉ làm theo lối cung cấp thông tin, không có dấu ấn, thành nhạt nhòa. Có một bất cập là, nếu quy định yêu cầu phải trình đề tài trước để xin duyệt mới được thực hiện, nhưng như vậy tính báo chí sẽ mất đi. Sử dụng âm thanh có tiến bộ rõ rệt. Thu thanh tiếng đồng bộ phát triển. Tuy nhiên, về âm nhạc, đôi khi bị lạm dụng, đưa vào thay tiếng động, làm giảm sự cảm thụ tác phẩm - là điểm yếu của việc sử dụng âm thanh.Các tác giả cần nghiên cứu kỹ hơn để cải thiện. Làm sao để phim tài liệu có dấu ấn của tác giả và trở lại rạp với khán giả. Về việc phổ biến phim tài liệu, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh cho biết sắp tới sẽ phối hợp với Cinestar thể nghiệm chiếu thường kỳ tại rạp / một tháng một lần phim tài liệu thường xuyên ra mắt công chúng.

NSND Minh Trí, Trưởng Ban Giám khảo hạng mục phim hoạt hình cho biết có 11 phim tham dự. Nhìn chung nội dung chưa bứt phá, tuy nội dung đồng thoại (con chó, con mèo, gà, vịt…) có dấu hiệu chưa giảm bớt. Đề tài truyền thuyết khá công phu, và cách kể, hình thức thể hiện theo lối cũ hiện chưa giảm, níu kéo làm giảm đi sự không bứt phá. Về đề tài hiện đại, có cách thể hiện mới hơn. Chất lượng kỹ xảo của phim hoạt hình đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Thực tế là, nếu muốn chop him hoạt hình lên sóng truyền hình phải làm phim nhiều tập. Phải thay đổi tư duy kịch bản hiện đại, làm các phim ngắn 3 đến 5 phút, đề cập những ý tưởng hiện đại, mới đến được với khán giả.

PGS.TS Phan Bích Hà, Trưởng Ban giám khảo hạng mục Công trình nghiên cứu lý luận nhận xét, sách chuyên ngành rất ít ỏi trong tủ sách của ngành. Sinh viên phải tra nguồn từ trên mạng. Nguồn sách nghiên cứu, tài liệu tham khảo là đóng góp rất bổ ích cho những người làm nghề và sinh viên học tập. Năm nay, có 05 công trình nghiên cứu tham dự đề cập về các vấn đề: Quay phim điện ảnh, truyền hình, Chuyển thể các tác phẩm văn học sang điện ảnh, Sách dịch giới thiệu về Lịch sử điện ảnh Hàn Quốc, Phim truyện Việt Nam đương đại (1986 - 2016), Nghệ thuật phát triển tình huống trong bộ phim truyền hình nhiều tập…

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã, Trưởng Ban Giám khảo hạng mục phim ngắn cho biết có dấu hiệu đáng mừng xen lẫn cả băn khoăn. Các phim tranh giải là của những người trẻ. Các tác giả là sinh viên mới sắp ra trường. Có một số phim truyện, phim hoạt hình của sinh viên mang đến giá trị lành mạnh. Đề tài phong phú về gia đình, cha mẹ, con gái, nói về các bạn trẻ bế tắc trong cuộc sống, đi tìm nhiềm vui sống, sự tự tin, sự giản dị của bạn trẻ khuyết tật… Trong tổng số 28 phim tham dự, có không ít bộ phim thể hiện lúng túng trong cách kể chuyện.

TBT Tạp chí Điện ảnh - Đinh Trọng Tuấn cho biết 100 % phim dự thi năm nay là do các Hãng phim tư nhân, không có phim nhà nước. Trong năm 2016, có 42 phim ra rạp. Phim càng dở, càng thua lỗ nặng. “Có nhiều phim cẩu thả, phần lớn là hài, đấm đá, gào thét… trong một mùa phim thất bát”. Cần đối sáng chất lượng phim năm trước so với phim năm nay? Hướng đi nào cho phim Điện ảnh, truyền hình trong năm tới? Muốn lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên gia.

NSND Đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng, hiện nay ta không còn phân biệt các Hãng phim nhà nước và Hãng phim tư nhân. Điện ảnh thị trường đã lên ngôi “Hoàng Đế”. Khán giả trẻ là đối tượng của màn ảnh là “Thượng Đế”. Do đó, “Hoàng Đế” phải chiều lòng “Thượng Đế”. Nếu khán giả không bỏ tiền mua vé thì lỗ nặng. Làm phim là cả khó khăn và khổ ải. Khoảng 1/3 trong tổng số 19 phim là sự dễ dãi, chắp vá, dù công tác quay phim đẹp nhưng không cứu vãn nổi sự nghèo nàn, kịch bản yếu… Bên cạnh đó, có một số phim đã vượt lên thị trường, có cách kể truyện sáng tạo như 12 Chòm Sao: Vẽ Đường Cho Yêu Chạy. Có phim khai thác vẻ đẹp duy mỹ như Cha cõng con, phim cố gắng khai thác cổ trang Tấm Cám: Chuyện chưa kể , có những phim có cách kể chuyện đa tuyến và kết cảm động, hết sức nhân văn như Sài Gòn anh yêu em… thể hiện tính chuyên nghiệp, tay nghề lại càng tiến bộ. Nhẹ nhàng, duyên dáng, cảm xúc, Sài Gòn, anh yêu em được đầu tư không lớn, xuất hiện tương đối lặng lẽ, là phim “đa tuyến” (kể nhiều câu chuyện đan xen nhau) rất khó thực hiện. Thành công lớn nhất của phim là cách kể chuyện đa tuyến nhẹ nhàng, duyên dáng nhưng chặt chẽ, hợp lý

Theo ông, bán được vé, là một thức thách lớn. Nhiều nhà sản xuất, thành công nhưng cũng không thiếu người thất bại ê trề. “Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng Cánh Diều, không có phim nhà nước tham dự. Khán giả càng có nhiều phim, càng có nhiều cơ hội để lựa chọn. Có phim khi coi không thấy có điện ảnh. Có nhiều thực phẩm, nhưng quá ít chất dinh dưỡng. Giống như ta có nhiều phim, nhưng có ít chất dinh dưỡng cho khán giả”.

Đạo diễn Việt Linh từng là đạo diễn công chức nhà nước, nay làm sân khấu tư nhân và làm phim tư nhân. “Có thể ví von là ta đang đi trên con đường bằng phương tiện nhưng không có bản đồ, hoặc bản đồ mù mờ nên đi lạc”. Nên dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ cho những tư nhân làm phim tốt. Nhà nước chỉ nên tài trợ cho tài liệu, hoạt hình. Hội Điện ảnh nên vào cuộc kết nối với thế hệ trẻ. Tờ Tạp chí Điện ảnh, cách trình bày bao năm vẫn vậy. Sợi dây giữa thế hệ trẻ và già không có. Rất đáng suy nghĩ. Mong có một thế hệ biết xem phim. Đừng nên xét nét, cho các em trẻ có cơ hội. Hội nên táo bạo hơn. Đổi mới hơn, trẻ hơn mới tạo được gương cho lớp trẻ. Hãy bắt tay với giới trẻ, bắt tay với tư nhân. TBT Đinh Trọng Tuấn giải thích rõ hơn về Tạp chí điện ảnh - tờ báo đã 25 năm không được tài trợ của nhà nước phải tự trang trải. Nhờ có sự hợp tác với bên ngoài. Còn một số nữa đưa ra thị trường để kinh doanh.

Nhà Biên kịch Đoàn Tuấn nói về hiện trạng lười đọc của sinh viên. Dẫn đến ý tưởng nghèo nàn. Đó là tình trạng chung. Khi nhà biên kịch không có trải nghiệm, không có có sáng tạo. Các nước đều coi điện ảnh là tư tưởng quốc gia, hình ảnh dân tộc. Ông đưa dẫn chứng: Hàn Quốc có quỹ điện ảnh hỗ trợ cho các phim đi khoe với thế giới. Không có quỹ điện ảnh làm sao cất lên được tiếng nói riêng? Nhà nước cấp tiền cho làm phim, nhưng không có một đồng để quảng cáo. Cách điều hành rất lạc hậu, nhiều rào cản. Nhiều vấn đề không giải quyết nổi, và bất lực. Nhiều nước vẫn duy trì nuôi dưỡng dòng phim chủ lưu của nhà nước. Hiện nay ở ta, truyền thông bên ngoài nhiều khi lấn át truyền thông nhà nước. Thảm họa này ai cũng biết nhưng “không ai muốn nói và không tiện nói ra”.

Đạo diễn Tô Hoàng cho rằng, “không có phim nhà nước là hồi còi báo động. Không có phim tài trợ của nhà nước như con thuyền không bánh lái”. Phim tài liệu, phim truyện từng đạt đỉnh cao trong những thập niên 80, 90 thế kỷ trước. Theo ông biết, kinh phí cho việc làm một ki lô mét đường khoảng 800 tỉ, vậy điện ảnh Việt Nam chỉ cần có số vốn do nhà nước cấp nếu chỉ một nửa km đường thôi, cũng đủ có tiền làm phim để phát triển. Nguy cơ sinh viên học không đến nơi đến chốn là nguy cơ người làm nghề mất cơ bản do trốn học, chỉ chạy show và mục đích có bằng chỉ để làm ăn. Nhà nước cần có định hướng, tài trợ cho những phim tử tế.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan, đánh giá cao tất cả những ý kiến trái chiều hay đồng thuận đều vì mục đích nâng cao chất lượng của phim Việt Nam. Tọa đàm đã đặt ra nhiều vấn đề giữa nhà nước và tư nhân; Hội từng tổ chức giải báo chí hàng năm cho sáng tác điện ảnh. Chính người làm nghề cũng thay đổi. Từng đặt hàng 70% vốn của nhà nước cho các Hãng phim tư nhân. Một số ý kiến muốn khôi phục lại dòng phim có vốn nhà nước. Nay không còn khái niệm còn phim tài trợ nữa. Làm thế nào? Các Hãng phim nhà nước đang cổ phần hóa. Do đó khái niệm Hãng phim nhà nước sẽ không còn nữa. Phải ban hành được thông tư đấu thầu nhà nước mới đặt hàng. Nhà nước sẽ đưa hạng mục điện ảnh vào hạng mục đặc biệt: đặt hàng hay đấu thầu. Hội Điện ảnh cần có sự trẻ hóa. Nhà làm phim Độc lập cần xem ngay từ xuất phát điểm ngay từ nội dung kịch bản mới có thể được xem xét mà tránh lầm lẫn về mặt nghề nghiệp và khái niệm.

Theo nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long, vẫn cần có định hướng của nhà nước. Sự thả nổi cho tư nhân làm. Vai trò của nhà nước cần có dấu ấn để đầu tư cho phim tốt, để có thể tự hào về dân tộc, quốc gia. Hàn Quốc lấy 3% trên giá vé để xây dựng Quỹ điện ảnh. Về việc hợp tác làm phim với nước ngoài cho thấy ta còn rất yếu thế. Thí dụ với Hàn Quốc vừa qua, xem sản phẩm làm ra chỉ như thấy là phim Hàn Quốc nói tiếng Việt, chẳng thấy bóng dáng gì Việt Nam.

Biên kịch Đỗ Thanh Hương băn khoăn cho rằng phim truyền hình đã “chết từ từ”, “chết ồ ạt”, và nếu không cẩn thận “sẽ chết ngắc, thảm thương” do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả sự lợi dụng viết nhóm, sự đóng khung, gọt dũa kịch bản mà nhiều khi tác giả kịch bản không được biết, không được tham gia.

Đạo diễn Nguyễn Tường Phương cho biết sự chênh lệch giữa các phim rất xa nhau. Không chỉ nằm ở chỗ tay nghề. Cần có sự định hướng, nếu không chú ý đến tâm hồn Việt, bản sắc Việt, tinh thần Việt, và sự buông lỏng sẽ mang đến hậu quả xấu.

Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ về nỗi buồn cho chất lượng phim không song hành cùng số lượng. Rất đáng quý với các nghệ sĩ tâm huyết, âm thầm lao động. Sự thả nổi sẽ làm nên mùa phim đáng suy nghĩ. Mong các bạn trẻ tiếp sức để làm nên những bộ phim có chất lượng.

Tổng kết ý kiến NSND Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng, tràn ngập trên phim Việt Nam là dượt đuổi, đánh nhau, bày trò, diễn trò, giống nhau từ phim này sang phim khác. Hiện tượng trai - giống - gái như virut lây lan.Lo rằng nền điện ảnh Việt Nam sẽ bị mất khán giả do chất lượng phim. Nhiều phim chỉ mượn đề tài, coi nó như cái cớ mà không kiểm soát, tiết chế liều lượng giữa điện ảnh - sân khấu - truyền hình. Kỹ thuật hình ảnh, âm thanh tiến bộ nhưng bị lạm dụng quá mức. Mặt bằng đang thấp nhiều về chất lượng so với năm trước.

Bài và ảnh: Đỗ Lệnh Hùng Tú

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/nhung-van-de-cua-sang-tac-dien-anh-va-phim-truyen-hinh-234674.html