Những vụ 'bốc hơi' sổ tiết kiệm tiền tỷ khó ngờ

Gửi tiết kiệm ngân hàng là hình thức người dân tin tưởng sẽ an toàn. Tuy nhiên nếu không nắm rõ những sai lầm cơ bản trong giao dịch, tiền trong tài khoản có thể "bốc hơi".

Hơn 20 sổ tiết kiệm bỗng dưng "mất tích" tại OceanBank Hải Phòng

Từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9, một số khách hàng của OceanBank chi nhánh Hải Phòng đến chi nhánh để rút tiền trong sổ tiết kiệm nhưng nhận được câu trả lời của cán bộ ngân hàng là sổ tiết kiệm không có trong hệ thống. Số tiền của các khách hàng gửi vào rất lớn, tới hàng trăm tỷ đồng.

Sau năm năm, ngày 4-5/9, những người này đi tất toán thì được thông báo sổ không hợp lệ, hơn 400 tỷ đồng không có trong hệ thống.

Ba lần yêu cầu lãnh đạo OceanBank trả lời rõ nhưng không thành, cùng lúc phát hiện lãnh đạo chi nhánh ngân hàng này vắng mặt bất thường, nhóm khách hàng làm đơn tố cáo. Sau đó các khách hàng này đã có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng, đề nghị giải quyết, trả lại số tiền mà họ đã gửi tiết kiệm tại ngân hàng trên.

Ngày 15/9, tại buổi đối thoại với các khách hàng có đơn, đại diện OceanBank Việt Nam cho hay khi có kết quả điều tra từ cơ quan chức năng, xác định trách nhiệm, phía ngân hàng sẽ giải quyết theo quy định.

Ngày 18/9, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với Giám đốc Trần Thị Kim Chi (43 tuổi), Kiểm soát viên Lê Vương Hoàng (36 tuổi), Nguyễn Thị Minh Huệ (35 tuổi) của chi nhánh OceanBank Hải Phòng. Cả ba được xác định trốn từ tháng 9/2017 và đều bị khởi tố vào ngày 16/9 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

800 triệu trong sổ tiết kiệm VietinBank không cánh mà bay

Giữa tháng 8 vừa qua, khách hàng gửi tiền tại Phòng giao dịch Vietinbank Thanh Ba chi nhánh Đền Hùng, Phú Thọ.tá hoả khi đi tất toán sổ tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng với số tiền gốc là 800 triệu đồng nhưng... chỉ còn lại 10 triệu đồng.

Số tiền 790 triệu đã được rút 2 lần từ năm ngoái. Lần thứ nhất vào ngày 2/12/2016 với số tiền là 400 triệu đồng. Lần thứ 2 vào ngày 5/12/2016 với số tiền 390 triệu đồng.

Đáng nói, sổ tiết kiệm gốc mà khách hàng đang giữ không hề có bất cứ xác nhận nào từ phía ngân hàng về 2 lần rút tiền trên. Sổ tiết kiệm của vị khách có đầy đủ thông tin xác nhận số tài khoản tiết kiệm trên hệ thống, dấu đỏ, chữ ký của trưởng phòng giao dịch nhà băng này.

Vụ việc được ngân hàng chuyển đến công an để điều tra. Sau đó, một trưởng phòng của nhà băng đã bị bắt với hành vi tham ô tài sản. Vì ngoài số tiền chiếm đoạt 800 triệu trên, bà trưởng phòng này còn chiếm đoạt của nhiều khách hàng khác với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.

Hàng trăm tỉ đồng “bốc hơi” tại Agribank

Mới đây, 9 khách hàng tại Lào Cai phản ánh việc họ đã nhờ một người tên Lê Thị Huệ (43 tuổi, trú tại tổ 12, phường Nam Cường, TP.Lào Cai) gửi tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Cam Đường và chi nhánh Kim Tân (Lào Cai).

Đối tượng Huệ nói rằng có quan hệ với ngân hàng và có thể gửi tiền hưởng lãi suất cao hơn nhiều lần mức niêm yết.

Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Cam Đường (Lào Cai).

Sau khi chiếm được lòng tin của những người này, Huệ đã yêu cầu họ ký trước vào giấy nộp tiền. Thậm chí có trường hợp Huệ giả mạo chữ ký để mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng với giá trị 1 triệu đồng/sổ. Tiếp đó, Huệ đã tẩy xóa, sửa chữa rồi điền cho khớp với số tiền nhận được và giao sổ cho khách hàng.

Đáng chú ý, tất cả các nạn nhân đều tố cáo nhân viên Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Kim Tân và Cam Đường (Lào Cai) đã móc nối với Huệ để thực hiện vụ lừa đảo “vô tiền khoáng hậu”.

9 tỷ đồng tiết kiệm không còn trong tài khoản tại NCB

Cụ thể từ năm 2012 đến tháng 1/2016 bà Mai- một khách hàng gửi tiền vào Ngân hàng Quốc Dân. Thời kỳ đầu số tiền này được gửi tiết kiệm, nhưng sau đó bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng giao dịch số 14 của chi nhánh trên tư vấn, ngân hàng đang có sản phẩm ưu đãi chuyển từ tiết kiệm sang bảo lãnh ngân hàng với lãi suất 13%/năm dành cho các khách “VIP”.

Theo bà Mai, cá nhân bà khi được tư vấn đã không đồng ý nhưng trưởng phòng giao dịch Nguyễn Thị Thu Hà thuyết phục và khẳng định tiền vẫn nằm trong ngân hàng, lúc nào rút cũng sẽ được giải quyết. Khách hàng chỉ cần thay sổ tiết kiệm bằng chứng từ, không có gì phải lo lắng.

Sau đó, bà Mai đồng ý và ký các thủ tục tất toán sổ tiết kiệm và chuyển sang dạng chứng từ của ngân hàng. Hàng tháng phòng giao dịch trên đều chuyển cho bà Hà (bảng kê tiền gửi và tính lãi hàng tháng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân). Bảng kê có chữ ký của trưởng phòng giao dịch, đóng dấu đỏ của ngân hàng nên bà Mai tin tưởng.

Đến giữa năm 2016, khi cần tiền để xây nhà, bà Mai liên lạc với phía Ngân hàng Quốc Dân thông báo đến rút. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng giao dịch trên đều nêu các lý do để từ chối.

Đầu tháng 1/2017, sau khi không liên lạc được với bà Hà, bà Mai đến phòng giao dịch 14 thì một nhân viên thông báo toàn bộ số tiền đã bị rút hết, không còn trong tài khoản.

Ngân hàng Quốc Dân khẳng định, việc giao dịch số tiền 8,993 tỷ đồng của bà Mai nêu trên là giao dịch cá nhân giữa bà Hà và bà Mai, không liên quan đến ngân hàng và các cán bộ nhân viên của ngân hàng. Được biết từ tháng 9/2016, bà Nguyễn Thị Thu Hà đã xin nghỉ việc tại Ngân hàng Quốc Dân với lý do cá nhân.

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/nhung-vu-boc-hoi-so-tiet-kiem-tien-ty-kho-ngo-209669.htm