Những vụ đòi bồi thường oan sai trong năm 2016

Trong năm 2016, cơ quan tố tụng đã giải quyết nhiều vụ án oan sai, tổ chức xin lỗi công khai và thương lượng bồi thường.

** Cụ ông 81 tuổi yêu cầu bồi thường hơn 40 năm oan sai

Ông Trần Văn Thêm (SN 1936, trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) người bị kết án oan hơn 40 năm đã làm đơn yêu cầu bồi thường. Số tiền bồi thường của ông Thêm là hơn 11 tỷ đồng.

Con cháu phải dìu ông Trần Văn Thêm đến nhà văn hóa để nghe cơ quan tố tụng xin lỗi công khai.

Theo nội dung vụ việc, chiều 23/7/1970, ông Thêm và ông Nguyễn Khắc Văn – em họ rủ nhau đi chợ (ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú, cũ) để buôn trám.

Khi đến khu vực cầu Diện, cách chợ khoảng 40km thì trời tối. Xin vào nhà dân ngủ nhờ không được, ông Thêm và em họ nghỉ lại một lều cắt tóc ven đường.

Khoảng 0h ngày 24/7/1970, thì xảy ra vụ việc, ông Thêm bị đánh vào đầu, còn ông Văn cũng bị đánh vỡ xương hộp sọ. Cả hai được đưa vào bệnh viện Tam Dương cấp cứu. Ông Văn tử vong vào lúc 18 giờ cùng ngày.

Công an huyện Tam Dương bắt giam ông Trần Văn Thêm. Đến ngày 27/7/1970, thì ông Trần Văn Thêm nhận tội giết em họ.

Ngày 19/9/1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Trần Văn Thêm tử hình về tội giết người, cướp của.

Ngày 26/6/1974, Tòa án Nhân dân Tối cao mở phiên tòa phúc thẩm. Bản án phúc thẩm tuyên phạt ông Thêm tử hình.

Theo tài liệu thu thập sau đó thì Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), VKS Nhân dân Tối cao có kiến nghị lên Tòa án Nhân dân Tối cao.

Đến ngày 23/5/1975, Ủy ban Thẩm phán của TAND Tối cao đã xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm và quyết định hủy hai bản án nói trên. Hung thủ giết người bị bắt và ngày 26/1/1976, ông Trần Văn Thêm được trả tự do.

Sau khi được trả tự do nhiều năm, đến năm 1997, ông Thêm mới có đơn đề nghị TAND Tối cao và VKS Nhân dân Tối cao xem xét lại vụ án.

Đến ngày 11/8/2016, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Trần Văn Thêm.

** Cựu Chủ tịch phường oan sai 26 năm

Đầu tháng 11/2016, cơ quan tố tụng tỉnh Bến Tre xin lỗi công khai ông Châu Ngọc Ngừng (SN 1957, trú tại TP.Bến Tre) – cựu nguyên chủ tịch phường 6.

Ông Ngừng cho biết sẽ tiếp tục khiếu kiện liên quan đến vấn đề bồi thường.

Tháng 12/1990, ông Ngừng đang là Bí thư, Chủ tịch UBND phường 6 thì bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.

Qua hai lần xử sơ thẩm, phúc thẩm, TAND tỉnh Bến Tre và TAND Tối cao đều tuyên ông Ngừng không phạm tội.

Đến tháng 11/2007, ông Ngừng có đơn yêu cầu bồi thường, xin lỗi, cải chính công khai đồng thời khởi kiện đòi bồi thường.

Đầu năm 2016, cơ quan tố tụng tỉnh Bến Tre xử và tuyên buộc VKSND tỉnh phải bồi thường cho ông Ngừng gần 140 triệu đồng và xin lỗi công khai.

Chấp nhận lời xin lỗi và đã nhận tiền bồi thường, nhưng ông Ngừng cho biết đã gửi đơn đến tòa tối cao xin giám đốc thẩm vì cho rằng thiệt hại gây ra cho ông hơn 150 tỷ đồng.

** Chưa kết thúc việc bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén

Qua 5 lần thương lượng, TAND Bình Thuận và gia đình ông Huỳnh Văn Nén – người tù thế kỷ vẫn chưa đi đến được mức bồi thường cuối cùng. Hiện TAND tỉnh Bình Thuận chỉ chấp nhận bồi thường cho gia đình ông Nén hơn 5 tỷ đồng.

Vẫn chưa thỏa thuận xong vấn đề bồi thường cho người tù thế kỷ.

Trước đó, ông Huỳnh Văn Nén yêu cầu bồi thường 18 tỷ đồng sau 17 năm ngồi tù oan sai nhưng TAND Bình Thuận chỉ chấp nhận bồi thường 10,5 tỷ đồng. Số tiền bồi thường có thế tụt dần và đến lần thương lượng thứ 5 là hơn 5 tỷ đồng.

Ông Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan về tội Giết người.

Tháng 4/1998, ông bị ghép vào tội sát hại bà Lê Thị Bông cướp nhẫn vàng. Hơn 2 năm sau TAND Bình Thuận xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Nén tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Cố ý hủy hoại tài sản; tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong “kỳ án vườn điều” xảy ra 5 năm trước.

Do không chứng minh được hành vi phạm tội, 12 năm sau đó cơ quan điều tra phải minh oan cho họ, bồi thường gần một tỷ đồng. Riêng ông Nén đang thi hành bản án chung thân nên không được giải quyết.

Cuối năm 2015, ông Nén được TAND Bình Thuận công khai xin lỗi tại địa phương do cảnh sát tìm được hung thủ giết bà Bông

** Bị truy tố oan tội hiếp dâm trẻ em

Ngày 15/12, tại trụ sở UBND xã Phú Lộc (huyện Tân Phú, Đồng Nai), VKSND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với anh Nguyễn Tấn Đại (SN 1988, ngụ xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, Đồng Nai) vì bị truy tố oan tội Hiếp dâm trẻ em.

Anh Nguyễn Tấn Đại bị giam oan hơn 1000 ngày.

11 năm trước, anh Đại bị cơ quan điều tra bắt và VKSND Đồng Nai truy tố về tội Hiếp dâm trẻ em.

Một năm sau, anh Nguyễn Tấn Đại bị đưa ra xét xử và tuyên 9 năm tù. Sau đó anh Đại đã kháng án. TAND Tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại vụ án.

Sau khi điều tra lại, VKSND Đồng Nai tiếp tục truy tố Đại về tội Hiếp dâm trẻ em. Đến tháng 5/2008, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa sơ thẩm lần 2 và tuyên bị cáo Đại không phạm tội.

Tiếp đó đến tháng 9/2008, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM bác kháng nghị của VKSND Đồng Nai, kháng cáo của gia đình bị hại, tuyên Đại không phạm tội.

Ngày 26/5/2016, VKSND Đồng Nai bồi thường oan sai cho anh Đại với số tiền gần 370 triệu đồng.

** Đòi bồi thường gần 3 tỷ vì bị truy tố oan

Ngày 30/9, VKSND thành phố Bắc Kạn tổ chức xin lỗi công khai bà Phạm Thị Lan - người bị truy tố với cáo buộc nhắn tin đánh bạc 3,9 triệu đồng.

Ngày 24/12/2013, Công an thị xã Bắc Kạn triệt phá vụ án đánh bạc dưới hình thức chơi số đề.

Toàn cảnh buổi xin lỗi công khai.

Trong 21 người bị khởi tố về tội đánh bạc có bà Lan với cáo buộc số điện thoại do bà Lan làm chủ thuê bao đã thực hiện giao dịch nhắn tin mua bán số đề với số tiền 3,9 triệu đồng.

Trong quá trình điều tra, bà Lan thừa nhận số điện thoại là của mình nhưng không nhắn tin đánh bạc.

Bà Lan giải thích kinh doanh cửa hàng tạp hóa, thường để điện thoại ở cửa hàng nên có thể có người đã sử dụng.

Sau một lần bị tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại, VKS đã đình chỉ điều tra bị can với bà Lan vì xét thấy chưa đủ cơ sở vững chắc để truy tố.

Bà Lan yêu cầu bồi thường hơn 2,8 tỷ đồng tổn thất về tinh thần, danh dự, vật chất.

** Bồi thường cho thủ quỹ bị kết án oan sai

Ngày 25/10, tại trụ sở UBND xã Bình Khánh Đông, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, Viện KSND huyện Mỏ Cày Nam đã xin lỗi công khai bà Dương Thị Kim Ngân (SN 1988) - người bị kết án oan 2 năm tù trước đó.

Bà Dương Thị Kim Ngân - người bị kết án oan 2 năm tù sau khi được giải oan, xin lỗi

Theo hồ sơ của các cơ quan tố tụng, trong thời gian làm thủ quỹ của UBND xã Bình Khánh Đông từ ngày 1/5/2009 đến ngày 22/6/2011, bà Dương Thị Kim Ngân bị quy kết đã lợi dụng sự buông lỏng trong quản lý tài chính của UBND xã Bình Khánh Đông để chiếm đoạt số tiền của ngân sách xã hơn 16 triệu đồng.

Bà Ngân bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Mỏ Cày Nam khởi tố vào ngày 8/10/2012.

Sau đó, ngày 18/9/2013 TAND huyện Mỏ Cày Nam xét xử sơ thẩm và tuyên bà Ngân phạm tội Tham ô tài sản và kết án 2 năm tù giam.

Tiếp đó, ngày 2/1/2014 TAND tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm và hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại.

Ngày 4/9/2014 phiên tòa sơ thẩm lần 2 của TAND huyện Mỏ Cày Nam tiếp tục tuyên bà Ngân 2 năm từ giam. Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm sau đó đã hủy án, tiếp tục trả hồ sơ điều tra lại.

Đến ngày 16/6/2016, Viện KSND huyện Mỏ Cày Nam đã ra quyết định đình chỉ vụ án với bà Dương Thị Kim Ngân vì kết quả điều tra lại thì hành vi của Dương Thị Kim Ngân không cấu thành tội tham ô tài sản.

Bà Ngân hiện nay đã được bố trí công việc trở lại. Bà yêu cầu cơ quan gây oan sai bồi thường gần 190 triệu đồng./.

Trần Văn/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/nhung-vu-doi-boi-thuong-oan-sai-trong-nam-2016-581003.vov