Ni-giê-ri-a đối mặt nhiều thách thức

Sau khi vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Phi chưa được bao lâu, Ni-giê-ri-a đã để tuột ngôi vị này. Quốc gia Tây Phi đang đứng trước hàng loạt thách thức khi nền kinh tế từng đứng hàng đầu châu Phi đã chính thức bước vào giai đoạn suy thoái, cùng với mối lo an ninh từ tổ chức Hồi giáo cực đoan Bô-cô Ha-ram.

Ni-giê-ri-a đã rơi vào suy thoái khi GDP quý I năm 2016 giảm 0,36%, quý II tiếp tục giảm 2,06% và chìm vào khủng hoảng kinh tế với GDP sụt giảm sâu tới 2,24% vào quý III. Năm 2016 cũng đã chứng kiến việc Ni-giê-ri-a để mất ngôi vị số một về sản xuất dầu mỏ và nền kinh tế lớn nhất châu Phi. Sản lượng dầu thô của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước đến nay, qua đó buộc phải nhường vị trí nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu châu Phi cho Ăng-gô-la. Theo các nhà phân tích, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến sản lượng dầu mỏ của Ni-giê-ri-a giảm sút nghiêm trọng trong thời gian gần đây là do các nhóm phiến quân Bô-cô Ha-ram tại nước này gia tăng tiến công nhằm vào các cơ sở thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực châu thổ sông Đen-ta giàu dầu mỏ. Một số khu vực khai thác dầu khí của nước ngoài tại đây cũng đã buộc phải tạm ngừng sản xuất hoặc cắt giảm sản lượng do tình hình an ninh bất ổn và mối đe dọa khủng bố.

Là quốc gia có nguồn thu chính từ dầu mỏ nhưng giá dầu quốc tế bấp bênh ở mức thấp, tình trạng an ninh tại khu vực miền nam còn nhiều bất ổn, cộng thêm khủng hoảng nhân đạo ở khu vực miền bắc, thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt, lạm phát gia tăng... đã khiến nền kinh tế Ni-giê-ri-a gặp khó khăn. Gần đây, để bù đắp nhu cầu tài chính lớn, Ni-giê-ri-a đã phát hành "trái phiếu xanh" tại châu Âu, loại trái phiếu nhà nước dùng để hỗ trợ tài chính cho các dự án thân thiện môi trường, nhất là cho các dự án hạ tầng, với hy vọng thu về 60 triệu ơ-rô. Đây là hành động chưa từng có đối với Ni-giê-ri-a. Dự kiến số tiền thu được sẽ được dùng để đầu tư vào vận tải công cộng chạy điện và tái sinh rừng tại các vùng đất khô cằn phía bắc nước này. Do giá dầu thế giới giảm, Ni-giê-ri-a cần thu về số tiền tương đương ngân sách hằng năm để đầu tư vào hạ tầng. Năm 2016, Tổng thống Ni-giê-ri-a M.Bu-ha-ri đã quyết định bán hai chiếc máy bay của mình nhằm giảm chi phí trong bối cảnh đất nước đang vật lộn với suy thoái. Chính quyền của ông Bu-ha-ri lên án các chính quyền tiền nhiệm lạm dụng công quỹ, cho rằng chính phủ của người tiền nhiệm G.Giô-na-than gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hiện nay.

Trong khi đó, giới chức Ni-giê-ri-a mới đây ban hành cảnh báo khủng bố trên toàn quốc, sau khi xuất hiện thông tin về việc nhóm Anh em Hồi giáo có liên hệ tổ chức khủng bố Bô-cô Ha-ram tại bang Cô-ghi âm mưu mua các hóa chất chế tạo bom cùng nhiều vũ khí hạng nặng để tiến hành các cuộc tiến công quy mô lớn tại nước này. Những mục tiêu được chúng nhắm tới bao gồm các ngân hàng, kho vũ khí và nhà tù. Chính quyền Ni-giê-ri-a đã đẩy mạnh cuộc chiến chống Bô-cô Ha-ram khi nhóm Hồi giáo cực đoan này mở rộng hoạt động sang các nước láng giềng, trở thành mối đe dọa an ninh lớn đối với khu vực. Nhờ sự hỗ trợ của lực lượng khu vực, quân đội Ni-giê-ri-a gần đây đã giành lại nhiều vùng lãnh thổ từ tay Bô-cô Ha-ram.

Là nền kinh tế lớn của châu Phi, song Ni-giê-ri-a đang đối mặt nhiều khó khăn về an ninh, kinh tế. Ni-giê-ri-a đã thông qua một khoản ngân sách lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cơ sở hạ tầng nhưng giới chuyên gia cho rằng, Tổng thống Bu-ha-ri không thể bảo đảm tài chính để khởi động quá trình phục hồi nhanh chóng như mong muốn. Thu ngân sách vẫn thấp do thu thuế kém vì hoạt động kinh doanh gặp khó khăn và thu nhập từ bán dầu thô giảm mạnh do đường ống dẫn dầu bị phá hỏng trong các vụ tiến công, ảnh hưởng đến sản lượng.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/thegioi/item/32303102-ni-gie-ri-a-doi-mat-nhieu-thach-thuc.html