Niềm tin công lý của cụ ông 86 tuổi hơn 10 năm “đáo tụng đình”

(Công lý) - Trong phiên tòa phúc thẩm mà TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh vừa xét xử, ngồi ở hàng ghế nguyên đơn trong vụ án là vợ chồng cụ ông Trần Văn Bảy (86 tuổi), cụ bà Long Kim Sang (84 tuổi).

Cụ Bảy tai không còn nghe rõ nên phải ủy quyền cho cụ bà làm “người đại diện”. Hơn 10 năm “đáo tụng đình” ở độ tuổi “bát thập cổ lai hy”, vợ chồng cụ Bảy vẫn vững niềm tin “TAND giữ vững cán cân công lý”, giải tỏa được nỗi oan cho cụ trong vụ án rất hy hữu.

Theo bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, cụ Trần Văn Bảy vướng vào vụ kiện dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” từ năm 2006. Nguyên nhân bắt nguồn từ năm 1993, cụ Trần Văn Bảy chuyển nhượng giấy tay cho ông Cái Trung Liệt (ngụ xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai) 720m2 đất, sau đó bán tiếp cái ao 180m2. Còn lại phần đất rộng 600m2, trong đó khu mộ gia tộc, cụ Bảy nhờ ông Liệt trông coi giúp để về TP. Hồ Chí Minh sinh sống. Đến năm 2004, cụ Bảy về quê mới phát hiện ông Liệt tự ý kê khai, làm “sổ đỏ” luôn cả phần đất cụ Bảy nhờ giữ hộ.

Hành trình khiếu kiện đầy gian khổ bắt đầu từ năm 2006, nhiều lúc lâm vào bế tắc nhưng vợ chồng cụ Bảy tâm sự vẫn luôn giữ vững niềm tin vào công lý.

Ngày 26/12/2006, TAND huyện Giá Rai ra Bản án số 62/2006/DSST bác đơn cụ Bảy khởi kiện ông Liệt yêu cầu trả 357m2 đất. Cụ Bảy kháng cáo nhưng bị TAND tỉnh xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Không hề nản lòng, cụ Bảy tiếp tục khiếu nại và được Tòa Dân sự TANDTC ra Quyết định giám đốc thẩm số 467/2010/DS-GĐT ngày 13/8/2010. Quyết định giám đốc thẩm nhận định: Việc Tòa cấp sơ thẩm và Tòa cấp phúc thẩm không tiến hành xác minh việc cấp sổ đỏ của ông Liệt đối với phần đất tranh chấp, chỉ căn cứ vào bản photocopy “Đơn xin hợp thức hóa nhà đất” và sổ đỏ đứng tên ông Liệt để bác yêu cầu đòi đất là chưa đủ căn cứ.

Cụ Bảy vẫn vững niềm tin công lý

Cụ Bảy phấn khởi nhớ lại: "Trong quyết định giám đốc thẩm của TANDTC cũng làm rõ việc ông Liệt kê khai cả phần mộ của gia đình cụ (có diện tích 8,5x34m) nên UBND tỉnh Bạc Liêu cấp cho ông Liệt quyền sử dụng đất cả phần khu mộ của gia đình cụ Bảy. TANDTC đã yêu cầu Tòa án địa phương phải xác minh, nếu cụ Bảy không có lối đi vào khu mộ gia đình, cần buộc ông Liệt phải dành lối đi thích hợp. TANDTC quyết định hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để giải quyết lại theo đúng quy định pháp luật ".

Vụ án lại quay trở về vạch xuất phát và hơn 5 năm sau, ngày 23/1/2015, TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử, tuyên buộc ông Liệt phải trả lại cho cụ Bảy phần đất mộ diện tích 279,70m2; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Bảy đòi ông Liệt trả lại 282,80m2. Bản án sơ thẩm xác định không có cơ sở để buộc ông Liệt phải dành cho cụ Bảy một phần đất thích hợp để làm lối vào khu mộ. Do không có đường vào thăm nom mồ mả gia tộc nên cụ Bảy tiếp tục kháng cáo, đề nghị xét xử phúc thẩm.

Trong phiên tòa phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử ngày 18/5/2016, HĐXX đã phát hiện việc chuyển nhượng đất giữa cụ Bảy với ông Liệt không qua đo đạc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; việc UBND tỉnh Bạc Liêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Liệt đã vượt quá diện tích đất ông Liệt mua của cụ Bảy. Cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào giấy tay chuyển nhượng giữa cụ Bảy với ông Liệt, không đo đạc tứ cận, chỉ nêu chiều ngang, chiều dài dẫn đến thiếu chính xác trong việc xác định ranh giới đất. Do vậy, cần phải xác minh làm rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đúng với thực tế chuyển nhượng giữa các đương sự hay không để có cơ sở xác định diện tích tranh chấp. Với nhiều sai sót được phát hiện, TAND cấp cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.

Sau khi phiên tòa kết thúc, cụ Bảy bày tỏ sự xúc động trước phán quyết rất công bằng, khách quan của HĐXX. Cụ nghẹn ngào: “Ông Liệt khai khống nhằm chiếm đất của gia đình tôi đã thể hiện rõ. Ngay cả đất mồ mả gia tộc tôi mà cơ quan chức năng còn cấp luôn cho ông Liệt thì thử hỏi tôi còn tin được vào ai? May mắn thay, TAND cấp cao và trước đó là TANDTC đã phân tích, chỉ rõ những điểm bất thường trong vụ án để giải quyết lại cho đúng pháp luật”.

Cụ Long Kim Sang, vợ cụ Bảy cũng xúc động cảm ơn phán quyết công bằng của Tòa án: “Vợ chồng tôi năm nay đều đã ở tuổi gần đất xa trời, sức khỏe như “đèn treo trước gió”. Vậy nhưng hơn 10 năm qua phải long đong, đi lên đi xuống biết bao nhiêu lần khiếu kiện để giành lấy con đường vào chăm sóc khu mộ của gia tộc. Chúng tôi mong rằng vụ án sẽ được giải quyết lại một cách nhanh chóng, để chúng tôi còn đủ sức khỏe tham dự. Tới đây, mong rằng Tòa sẽ có một phán quyết công bằng, để rồi chúng tôi yên tâm, thanh thản sống những năm tháng cuối đời trong bình yên, hạnh phúc”.

Nhìn cụ ông dẫn cụ bà ở độ tuổi gần “cửu thập” rời khỏi phòng xử để trở về nhà, những người dự khán phiên tòa không khỏi trăn trở và cảm phục ý chí, niềm tin công lý của hai cụ. Ai cũng cầu mong ước nguyện chính đáng trên của các cụ sẽ sớm trở thành hiện thực.

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/phap-dinh/ky-su-phap-dinh/niem-tin-cong-ly-cua-cu-ong-86-tuoi-hon-10-nam-dao-tung-dinh-161946.html