Niềm tin vào lẽ công bằng

Cô giáo Hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) suốt 4 năm ròng rã khiếu nại đến cùng đối với quyết định của UBND huyện kỷ luật cô bằng hình thức cách chức.

Ảnh minh họa.

Năm 2012 cô được điều động giữ chức vụ Hiệu trưởng của một trường và tại đây, cô phát hiện ra những khoản chi không hợp lệ như dùng tiền bảo hiểm xã hội để chi xây dựng cơ bản. Nhiều lần yêu cầu Phòng Giáo dục kiểm tra không được, cố đề nghị lên huyện và huyện thành lập Đoàn thanh tra. Kết quả, Thanh tra phát hiện trường này chi sai hơn 200 triệu đồng, bản thân cô phải trả hơn 14 triệu đồng tiền đứng lớp 2 buổi/1 tuần của Hiệu trưởng. Sau đó, cô bị kỷ luật cách chức nhưng 6 tháng sau quyết định này mới được công bố.

Tiếp tục khiếu nại quyết định này, huyện thừa nhận sai quy trình phải hủy song lại thành lập một hội đồng kỷ luật khác và cô vẫn nhận hình thức kỷ luật cách chức. Cô khiếu nại lên tỉnh và suốt một thời gian dài theo đuổi cứ cách tuần lại lên tỉnh một lần dù xa cách hàng trăm cây số. Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố quyết định giải quyết khiếu nại, khôi phục cho cô toàn bộ quyền lợi và chức vụ.

Như vậy, niềm tin vào lẽ phải, lẽ công bằng của một cô giáo tiểu học đã chiến thắng thói quen ỷ vào quyền thế để trù dập người tố cáo, tìm đủ cách để kỷ luật bằng được người ngay thẳng, chuộng đạo lý và tuân thủ pháp luật. Rồi đây những cán bộ huyện đã ra quyết định kỷ luật sai trái đối với cô sẽ phải đối mặt với sự kiểm điểm từ cấp trên nhưng trước hết họ phải đối mặt với dư luận và với chính lương tâm mình. Nếu còn lương tâm, ắt hẳn sẽ thấy xấu hổ vì hành vi “tát cạn, bắt lấy” của mình!

Có một vụ án ở Bình Thuận thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua. Đó là trường hợp 2 nông dân bị kết án với tội danh “nhận hối lộ” hơn 14 triệu đồng và phiên tòa sơ thẩm đã kết tội với bản án 7 và 8 năm tù giam. Tòa phúc thẩm trả lại hồ sơ và cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ bị can do “thành khẩn khai báo” và khắc phục tốt hậu quả. Mới đây, do có chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, cơ quan điều tra tiếp tục vụ án, đưa 2 ông nông dân này vào vòng tố tụng với các cáo buộc như trước đây.

Đáng quan tâm là 2 bị can này, một là trưởng thôn và một là công an xóm đã đứng ra giúp bà con vay tiền ngân hàng và số tiền được coi là hối lộ kia chỉ là tiền bà con đóng góp, bồi dưỡng cho hai ông này đi lại nhận tiền, phát tiền và nộp lãi suất vì ngân hàng ở xa vài chục cây số.

Với hành vi “vì dân” như vậy và số tiền “hối lộ” như vậy liệu có cần đến cả một hệ thống pháp luật từ Trung ương đến địa phương vào cuộc, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể để buộc tội hối lộ cho các nông dân này. Thêm nữa, nếu bản án “nghiêm khắc” được thực thi thì tác dụng răn đe, giáo dục đối với xã hội và trước hết với đồng bào địa phương ở đây như thế nào? Đáng lưu ý là những người “hối lộ” hai ông đều ra sức bảo vệ người nhận hối lộ của mình!

Niềm tin vào lẽ phải, lẽ công bằng như cô giáo kia liệu có hiện hữu trong vụ án “nhận hối lộ” hy hữu này?.

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/niem-tin-vao-le-cong-bang-324759.html