Niềm vui trong những ngôi nhà mới

Cuối đông, gió tây nam tiếp tục lùa vào đất liền, mang theo không khí lạnh. Mặc dù vậy, bên trong tuyến đê ven biển tây Cà Mau, cư dân cảm thấy ấm cúng, giống như đang ngồi cạnh bếp than bập bùng lửa đỏ…

Cách đây chừng hai năm, cư dân ven đê sống cảnh ngập lụt, sình lầy trong suốt những tháng mùa mưa. Nhưng kể từ đầu năm 2017 này, cảnh cũ không tái diễn nữa. Bằng nhiều nguồn vốn, chính quyền tỉnh Cà Mau đã đầu tư và vừa hoàn thành xong con đường trên đê, trải dài hơn 14 km từ Hương Mai đến Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh). Lộ có bề rộng mặt đường 8m, xe máy, xe ô-tô chạy bon bon. Cư dân trên tuyến cũng đỡ thấp thỏm mỗi khi triều cường, sóng dữ. Những điểm sạt lở ven đê ngày trước, nay cũng được phù sa vá kín nhờ các công trình kè cứng, kè mềm chắn sóng phát huy tác dụng.

Trở lại U Minh lần này, cũng đi dọc tuyến đê tây nhưng trong lòng chúng tôi lâng lâng niềm vui khó tả. Sau khi gia cố, dặm vá đê biển, một số khu dân cư bên trong đê cũng vừa hoàn thành. Nơi ấy cũng là ngôi nhà mới của dòng người di dân tự do ven biển, một thời từng mưu sinh ở những vùng dễ tổn thương do biến đổi khí hậu.

“Ngôi nhà chung” gần nhất là khu dân cư Hương Mai (ấp 7, xã Khánh Tiến), nằm sát đê biển và dãy rừng phòng hộ ngoài đê. Cách đây không lâu, nhiều hộ chê nơi này hẻo lánh, không chịu di dời vào sinh sống. Vậy nhưng hiện tại, hơn 240 nền theo quy hoạch của khu đều đã cấp cho dân. Có nền, người dân nhanh chóng làm nhà, đưa cả gia đình về quần tụ. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lư Thị Mận (27 tuổi), hộ dân khu dân cư Hương Mai cho biết: Gia đình chị được chính quyền cấp nền, sau đó cả gia đình dọn về đây cất nhà, sinh sống ổn định từ cuối năm 2014 đến nay. “Ở trong khu dân cư này, hạ tầng không thiếu thứ gì, con cái đi học cũng gần nhà, khỏi mất công đưa đón. Mỗi khi biển động, sóng to, triều lên,… vợ chồng tôi cũng không thấp thỏm như hồi sống ngoài đê”, chị Mận nói.

Cách Hương Mai không xa là khu định canh, định cư Lung Ranh (thuộc ấp 1, xã Khánh Hội, huyện U Minh). Toàn khu này rộng tới 7,5 ha, cũng được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh như ở khu dân cư Hương Mai. Ngoài các công trình hạ tầng về: điện, đường, trường, trạm y tế, nước sinh hoạt, đèn chiếu sáng công cộng cùng một số công trình phụ trợ…, nơi đây còn có chợ, Nhà sinh hoạt văn hóa, Nhà vá lưới và các tổ nhân dân tự quản. Cũng như Hương Mai, hộ dân được di dời, sắp xếp vào đây thuộc diện hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ không đất ở, không đất sản xuất, từng sống ở nơi “đầu sóng, ngọn gió” ven biển. Ngoài được Nhà nước cấp cho nền nhà để ở, hộ dân thuộc các diện nêu trên khi vào đây sinh sống còn được hỗ trợ tiền di dời nhà, hỗ trợ tín chấp vay vốn lãi suất thấp để học nghề, chuyển đổi ngành nghề…

Chủ tịch UBND huyện U Minh Dư Bé Ba cho biết: Các chính sách mang tính “mồi lửa” từ các cấp chính quyền, ngành chức năng đã tiếp sức, giúp hàng trăm hộ dân ở các khu dân cư như Lung Ranh, Hương Mai… bước đầu tạo dựng được cuộc sống tốt nơi ở mới, cải thiện thu nhập. Bây giờ, bà con không phải phập phồng lo lắng sóng to, gió lớn làm hư hại nhà cửa như trước đây.

Từ lâu, ven biển Cà Mau, nhất là tuyến biển tây được xem như “túi chứa” dòng người di dân tự do. Hầu hết trong số đó đều không đất đai canh tác, không tư liệu sản xuất và đông con. Họ đến với rừng theo mùa vụ khai thác ven biển, mưu sinh nhờ sản vật tự nhiên ven biển, ven rừng. Trong “cuộc chiến” mưu sinh ấy, họ đối diện với muôn vàn khó khăn, nhất là những tác động bất lợi đến từ thiên nhiên khốc liệt. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để vận động, thuyết phục nhưng trong nhiều năm liên tiếp họ vẫn tìm đường trở về quê cũ. Thấy rõ áp lực di dân đè nặng lên “bầu sữa ngân sách”, gây gánh nặng về an sinh xã hội, chính quyền tỉnh Cà Mau tìm mọi cách khắc phục. Bởi vậy, trong hơn mười năm qua, địa phương đã triển khai tới 14 công trình, dự án bố trí, sắp xếp dân cư ở những vùng bị thiên tai vào nơi an toàn.

Chia sẻ với chúng tôi, Chi cục trưởng phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phạm Thanh Hải cho biết: “Sau khi hoàn thành, các công trình, dự án nêu trên sẽ bố trí chỗ ở ổn định cho hơn 13.500 hộ dân vùng ảnh hưởng do thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn vào các khu định canh, định cư an toàn. Trong đó, ổn định tại chỗ hơn 5.000 hộ; xen ghép vào khu dân cư 3.000 hộ; hơn 5.400 hộ còn lại bố trí vào khu tái định cư mới”.

Chiều, gió biển tiếp tục lùa vào đất liền, xô nghiêng những đọt mắm, đước… non tuổi bên kia dãy rừng phòng hộ. Trong khu định canh, định cư Lung Ranh, cư dân vẫn miệt mài thu hoạch những giỏ cá khô, chuẩn bị cho những ngày xuân sắp đến.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31717902-niem-vui-trong-nhung-ngoi-nha-moi.html