Nigeria: Nghịch lý dầu lửa

Dầu lửa đem đến sự thịnh vượng. Oái ăm thay, dầu lửa cũng là nguyên nhân chính của ô nhiễm môi trường, nghèo đói và xung đột ở Nigeria - quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn thứ 8 thế giới.

Tuyên bố mới đây của Phong trào giải phóng châu thổ Niger (MEND) hủy bỏ thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện do Tổng thống Nigeria Yar'Adua thương lượng với phong trào này hồi tháng 10/2009 càng phủ bóng đen lên đất nước châu Phi rộng lớn này . Lời cảnh báo của phong trào này đối với các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt có đường ống dẫn dầu, khí và công nhân đang làm việc ở khu vực châu thổ Niger sẽ phải hứng chịu một "cuộc tiến công tổng lực dữ dội" khiến nhiều đại gia sản xuất dầu ở đây phải đóng cửa. Thự tế, từ tháng 1/2006 đến nay, các phiến quân thuộc châu thổ Niger đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các đường ống dẫn dầu, bắt cóc nhân viên công ty dầu mỏ nước ngoài và giao tranh với quân đội chính phủ. Một trong những yêu sách của phong trào này là đòi chính phủ cung cấp thêm các nguồn thu từ dầu mỏ cho khu vực miền nam nghèo đói. Tình trạng bạo lực khiến sản lượng dầu mỏ của Nigeria giảm một triệu thùng/ngày và làm nước này mất vị trí là nước khai thác dầu mỏ lớn nhất châu Phi. Năm 2007, sản lượng xuất khẩu dầu của Nigeria này lên đến 2,6 triệu thùng mỗi ngày, chiếm 98% nguồn thu ngoại tệ quốc gia và mang lại cho nước này 400 tỉ USD kể từ khi giành độc lập, chưa kể các nhóm quân nổi dậy cũng đã bỏ túi 325 tỉ USD, theo tờ Liberation. Trữ lượng dầu lửa của Nigeria ước tính đến 40 tỉ thùng, chiếm 3% trữ lượng thế giới. Tuy nhiên, do thiếu năng lực lọc dầu, nước này phải nhập khẩu hầu như toàn bộ các sản phẩm dầu lửa cần thiết để phát triển kinh tế. Đất nước luôn trong tình trạng thiếu xăng dầu. Những người mua xăng luôn phải xếp hàng hàng giờ chờ đến lượt mua. Theo ước tính, hàng triệu giờ làm việc bị tiêu tốn cho thời gian chờ đợi này. Vùng châu thổ Niger đang phải hứng chịu những thảm họa môi trường liên quan đến việc khai thác dầu lửa. Ở những vùng ven biển, nơi có những cánh rừng sú vẹt, kênh rạch và đầm phá chằng chịt trải dài trên một diện tích 70.000 km², những đường ống bị rò rỉ tạo nên những dòng thủy triều đen làm hủy hoại môi trường vốn được coi là phong phú đa dạng nhất hành tinh. Do khai thác dầu khí bừa bãi, nông nghiệp cũng như nghề cá bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những đám mây đen của khí đốt không được lọc, thoát ra từ những giếng khoan dầu, cháy suốt ngày đêm khiến các cây cọ dầu bị héo úa. Tỉ lệ khí CO2 trong không khí tăng gấp 360 đến 680 lần so với mức độ cho phép của EU. Hà Nguyên

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ThoiSu/2010/3/808E7BC017E252FD/