Ninh Bình: Ngành GTVT phát huy truyền thống anh hùng

Phát huy truyền thống anh hùng của những người đi trước, các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức và người lao đông ngành GTVT Ninh Bình hôm nay đang kế thừa, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Những thành quả đạt được

Về Kết cấu hạ tầng GTVT của Ninh Bình phát triển đồng bộ và hiện đại có trọng điểm, mạng lưới giao thông Ninh Bình được xây dựng theo đúng quy hoạch phát triển, tạo thành một hệ thống từ quốc lộ, tỉnh lộ xuống đến các tuyến đường huyện, liên xã, trung tâm xã, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong giai đoạn 2005-2015, dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức như suy thoái kinh tế thế giới, vốn đầu tư hạ tầng hạn hẹp, nhưng ngành GTVT Ninh Bình đã tranh thủ được sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, khai thác tốt nguồn vốn, làm chủ đầu tư nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là huyết mạch cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội.

Với hệ thống hạ tầng đường bộ, giai đoạn này được xem là dấu ấn của ngành GTVT góp phần làm thay đổi bộ mặt giao thông trên địa bàn Ninh Bình nói riêng, khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung. Nhiều tuyến giao thông do Sở GTVT làm chủ đầu tư được hoàn thành đưa vào sử dụng, điển hình như: Nâng cấp đường tỉnh ĐT.477 (Gián Khẩu - Nho Quan), dài 21,5 km, tổng mức đầu tư 225,8 tỷ đồng, hoàn thành năm 2008; Nâng cấp đường tỉnh ĐT.480C (Khánh Cư – Chợ Ngò) dài 7,8 km, tổng mức đầu tư 27,3 tỷ đồng, hoàn thành năm 2008; Nâng cấp tuyến đường tránh bão, cứu hộ, phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh vùng biển (ĐT 481), dài 18,5 km, tổng mức đầu tư 631,8 tỷ đồng, hoàn thành năm 2014.

Nhiều công trình với quy mô xây dựng lớn, hiện đại như: Dự án nâng cấp, mở rộng QL.1 với chiều dài khoảng 30 km, tổng mức đầu tư 1.836,4 tỷ đồng, hoàn thành năm 2014; Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 10 đoạn Ninh Phúc - Cầu Điền Hộ, chiều dài 43 km, tổng mức đầu tư: 1.680,8 tỷ đồng, hoàn thành 30/6/2015; Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối giữa đường Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL.1 (Giai đoạn 1) dài 6,3 km, trong đó có cầu Trại Mễ dài 1.636,6 m với tổng mức đầu tư 1.311,5 tỷ đồng, hoàn thành 30/6/2015…

Về giao thông nông thôn, đã đạt được những thành tựu đáng kể, từ 2010-2014, toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 1.454 km đường giao thông nông thôn, xây mới, sửa chữa 386 cầu, cống dân sinh; số tiền huy động đầu tư trên 1.200 tỷ đồng trong đó: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 316 tỷ đồng; ngân sách địa phương 417 tỷ đồng; Nhân dân đóng góp trên 310 tỷ đồng và hiến trên 300 ha đất để mở rộng đường GTNT.

Bộ mặt giao thông nông thôn toàn tỉnh đã sáng lên rõ rệt, không những mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc với một cuộc sống mới ngày càng no đủ, sung túc cho mỗi người dân trực tiếp được hưởng lợi từ mỗi con đường, cây cầu... mà còn để lại những cảm nhận vui tươi, niềm phấn khởi về những đổi thay trên quê hương của mỗi người con xa quê trong ngày trở về.

Nhiều Cảng đã được hợp nhất, đầu tư, nâng cao năng lực bốc xếp hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa nhất là hàng siêu trường, siêu trọng, phục vụ cho các khu công nghiệp của tỉnh. Đó là các Cảng: Cảng Ninh Bình với diện tích 8,8 ha, năng lực thông qua 1,2 triệu tấn/năm; Cảng Ninh Phúc với diện tích 4,7 ha, năng lực thông qua: 1,5 triệu tấn/năm; Cảng Kim Đài: Nằm ở vị trí gần biển, là cảng bốc xếp hàng hóa, sản phẩm thủy hải sản, phục vụ Khu công nghiệp Kim Đài – Kim Sơn; Cảng chuyên dùng của nhà máy xi măng Vinakansai: Nằm trên bờ tả sông Hoàng Long, thuộc xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, chức năng chủ yếu của cảng là phục vụ nhà máy xi măng Vinakansai…; Cảng cạn ICD (Ninh Phúc) được thành lập theo quyết định 2386/QĐ-BTC ngày 28/10/2008 của Bộ Tài chính công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng nội địa Ninh Phúc - Ninh Bình.

Về vận tải đường bộ: Công tác vận tải không chỉ tăng trưởng về số lượng, chất lượng mà các dịch vụ vận tải cũng ngày càng được nâng cao với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Vận tải hành khách trên 120 tuyến cố định với 242 phương tiện hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn; Vận tải khách bằng xe buýt trên 5 tuyến với 35 phương tiện và 11 Doanh nghiệp taxi với trên 600 xe; vận tải hàng hóa có 146 Doanh nghiệp với trên 9.000 xe tải các loại; trong đó có 5 doanh nghiệp vận tải công-ten-nơ. Vận tải khách công cộng được quan tâm phát triển.

Sự phát triển nhanh và đa dạng các hoạt động vận tải giúp cho việc đi lại của người dân ngày càng thuận tiện. Về vận tải đường thủy: Hệ thống giao thông đường thủy của Ninh Bình cũng đã góp phần quan trọng trong hoạt động vận tải. Toàn tỉnh có 16 sông có thể khai thác vận tải thủy với tổng chiều dài là 298,8 km; Trong đó: trung ương quản lý 4 sông dài 155,5 km, địa phương quản lý 12 sông, dài 143,3 km. Ninh Bình có 2 cảng sông chính là cảng Ninh Bình, cảng Ninh Phúc và nhiều các cảng nhỏ có khả năng thông qua từ 100.000 - 350.000 tấn/năm.

Ngành đã tổ chức tốt việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đảm bảo đúng quy định, không ngừng nâng cao chất lượng, đi đầu trong việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe các hạng, đáp ứng nhu cầu học và sát hạch lấy giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận.

Bước đột phá của Ngành

Ngành Giao thông vận tải Ninh Bình cũng đã phối hợp cùng các Ngành chức năng tham mưu cho UBND Tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt như tập trung xóa các “điểm đen” về tai nạn giao thông; kiểm soát chặt chẽ phương tiện, từng bước loại bỏ các phương tiện cũ nát; tăng cường giám sát chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp phép người lái…

Với chức năng là cơ quan thường trực của Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Văn phòng Ban An toàn giao thông thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc cho Ban An toàn giao thông tỉnh về thực hiện các chủ trương, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật, các giải pháp thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh. Liên tục 12 năm (từ 2002-2014), tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đều giảm trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương.

Quy hoạch phát triển GTVT Ninh Bình đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hệ thống GTVT tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải đa dạng của xã hội với mức tăng trưởng nhanh, đảm bảo chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý, kiềm chế và giảm mức tối đa TNGT và hạn chế ô nhiễm môi trường góp phần đưa Ninh Bình nói riêng và đất nước nói chung phát triển nhanh, bền vững. Với những kết quả đã đạt được, ngành GTVT Ninh Bình đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước; thời kỳ sau này là các Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì và Ba.

Nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương; cờ thi đua của Chính phủ và nhiều bằng khen, giấy khen,...Tiếp bước và phát huy truyền thống anh hùng của những người đi trước, cán bộ, công nhân viên và người lao động ngành GTVT Ninh Bình nguyện đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ do tỉnh giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 đề ra.

Ngành giao thông vận tải Ninh Bình xác định: trong những năm tới, yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng cao, do đó, đòi hỏi Ngành giao thông vận tải phải có bước phát triển vượt bậc, để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và toàn xã hội.

Thái Sơn / KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/ninh-binh-nganh-gtvt-phat-huy-truyen-thong-anh-hung-p43594.html