Ninh Thuận khẩn trương vượt hạn khi hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì

Với tinh thần ứng phó hạn hán năm 2024, UBND tỉnh Ninh Thuận xác định không để thiếu nước sinh hoạt; không để thiếu đói; không để phát sinh dịch bệnh và tập trung quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước, bảo vệ đàn gia súc.

Các hồ trơ đáy nhưng không ảnh hưởng tới nước sinh hoạt

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Trương Khắc Trí – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NNPT-NT) tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo dự báo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Ninh Thuận hiện tượng El Nino sẽ còn tiếp tục duy trì và đạt mức đỉnh điểm trong tháng 5, tháng 6/2024.

Ninh Thuận đang đối mặt với nắng nóng, hạn hán và thiếu nước cục bộ tại một số địa phương. (Ảnh: Trung Nhân)

Tại Ninh Thuận, nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước cục bộ tại các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam. Ngoài ra, hạn hán có khả năng xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn cục bộ vào sâu trong sông từ 0,5 đến 1,5km; riêng sông Cái Phan Rang từ 4 đến 6km.

Theo ông Trương Khắc Trí, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện một số hồ gần như trơ đáy như hồ Ông Kinh, hồ CK7. Ngoài ra, một số hồ dưới mực nước chết như Sông Biêu, Bầu Ngứ… đều không có nhiệm vụ cấp nước cho các nhà máy nước sinh hoạt nên sẽ không ảnh hưởng đến nước sinh hoạt của người dân trong khu vực đó.

Đối với sản xuất vụ Hè - Thu, căn cứ tình hình thực tế nguồn nước UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo Sở chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và có phương án tổ chức vụ Hè - Thu, chi tiết cho từng khu vực sản xuất.

Theo đó, địa phương sẽ tạm dừng không sản xuất vụ Hè - Thu năm 2024 tại khu tưới các hồ chứa không đảm bảo nguồn nước, nguồn nước còn lại trong hồ chỉ ưu tiên cấp cho chăn nuôi và cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao.

Hồ Ông Kinh và hồ CK7 gần như cạn trơ đáy nhưng không ảnh hướng đến các nhà máy nước cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. (Ảnh: Trung Nhân)

Lãnh đạo Sở NNPT-NT tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, trên cơ sở nhận định tình hình thời tiết, thủy văn và nguồn nước, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó hạn hán, thiếu nước với tinh thần ứng phó hạn hán năm 2024, không để thiếu nước sinh hoạt; không để thiếu đói; không để phát sinh dịch bệnh; tập trung quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước, bảo vệ đàn gia súc.

Theo đó, các giải pháp chủ yếu để đảm bảo an ninh lương thực sản xuất vụ Hè -Thu năm 2024 và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Tính đến 15/4, dung tích trữ tại 23 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 176,17 triệu m3, chiếm 42,2% tổng dung tích thiết kế (thấp hơn cùng kỳ năm 2022 là 13,7% và năm 2023 là 21,1%). (Ảnh: Trung Nhân)

Ông Trương Khắc Trí cũng cho biết, ngay từ đầu năm 2024; UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng; nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Không xuống giống, gieo trồng ở những khu vực không chủ động nước tưới; tăng cường trữ nước; áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất.

“Đối với một số địa phương không sản xuất do hạn thiếu nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phối hợp cơ quan hữu quan có phương án hỗ trợ đói giáp hạt cho người dân trong vùng hạn hán” – ông Trương Khắc Trí thông tin.

Ổn định đời sống của người dân trong hạn hán

Theo Kế hoạch ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhậm mặn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng ký ban hành, trong trường hợp hạn hán kéo dài Ninh Thuận sẽ dừng sản xuất 1.785 ha.

Nhờ tăng cường các giải pháp chăm sóc và phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng ứng phó với tình hình nắng nóng và hạn hán nên nhiều cây trồng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vẫn cho sản lượng và chất lượng cao. (Ảnh: Trung Nhân)

Trong đó, cây lúa 822,5 ha (chủ yếu tại xã Phước Nam, Phước Ninh, Phước Hà, Nhị Hà của huyện Thuận Nam), cây màu 962,5 ha (tại xã Phước Trung thuộc hệ thống tưới hồ Phước Nhơn) và các vùng sản xuất không nằm trong hệ thống tưới.

Đồng thời, căn cứ kết quả rà soát về diện tích chuyển đổi tại các địa phương, trên cơ sở đăng ký và thống nhất kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Hè - Thu năm 2024 toàn tỉnh là 597,7 ha (chuyển đổi trên đất lúa 233,6 ha và đất khác 364,1 ha), sang cây ngắn ngày 456,3 ha và cây dài ngày 141,4 ha.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng giao các đơn vị liên quan thường xuyên rà soát các đối tượng thuộc diện phải hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, tuyệt đối không để hộ dân nào bị thiếu đói.

Đồng thời, rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt. Tập trung, khẩn trương thực hiện đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác, sử dụng...

Một số hồ vẫn duy trì trên mực nước chết đủ để cung cấp cho các nhà máy nước sinh hoạt. (Ảnh: Trung Nhân)

Nói thêm về trường hợp hạn hán, thiếu nước thêm 1-2 tháng tới, lãnh đạo Sở NNPT - NT cũng cho biết, một số địa phương sẽ thiếu nước sinh hoạt và một số khu vực có nguy cơ thiếu nước cao. Trường hợp này, ông Trương Khắc Trí cho biết, tỉnh đã có những phương án, giải pháp chủ yếu như đấu nối các công trình cấp nước tập trung để hỗ trợ nước thô, nước sạch ưu tiên nguồn nước thô cấp nước cho sinh hoạt.

Đồng thời, chủ động phương án bơm nước để cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân khi cần thiết, tuyệt đối không để người dân nào trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt.

Song song đó là chủ động xây dựng phương án khắc phục kịp thời cho người dân tại các vùng có nguy cơ thiếu nước cao, như thôn Tập Lá, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc; thôn Cầu Gẫy, Vĩnh Hy xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn; xã Phước Bình, huyện Huyện Bác Ái.

Chưa ghi nhận dự án điện mặt trời ảnh hưởng đến chất lượng nước tại các hồ đập

Ông Trương Khắc Trí cho biết, các dự án điện mặt trời được xây dựng tại hồ Bầu Ngứ, hồ Sông Biêu, hồ Sông Trâu…theo chủ trương khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo của Chính phủ, tận dụng tiềm năng, phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu của công trình thủy lợi là phù hợp với các quy định của Luật Thủy lợi.

Một số dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận được xây dựng trên phần đất vùng bán ngập lòng hồ. (Ảnh: Trung Nhân)

Các dự án này được xây dựng trên phần đất vùng bán ngập lòng hồ và phải đảm bảo an toàn công trình, môi trường. Đặc biệt là chất lượng nước trong hồ và không gây cản trở việc vận hành công trình và phải tuân theo quy định về kỹ thuật và các quy định khác có liên quan.

Việc triển khai được thực hiện đầy đủ cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định pháp luật và định kỳ gửi báo cáo kết quả quan trắc chất lượng nước hồ về Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi về đánh giá chất lượng nguồn nước theo báo cáo dánh giá tác động môi trường được duyệt.

Ngoài ra, việc lắp các tấm pin sẽ giúp làm giảm sự bốc hơi từ các hồ chứa nước và hạn chế sự thoát hơi nước do gió và thời tiết.

Trung Nhân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ninh-thuan-khan-truong-vuot-han-khi-hien-tuong-el-nino-tiep-tuc-duy-tri.html