Ninh Thuận, Phú Yên dồn sức chống ngập, khôi phục giao thông

Mưa lũ liên tục trong những ngày qua đã gây ngập lụt, chia cắt cục bộ nhiều địa bàn dân cư ở các tỉnh Ninh Thuận và Phú Yên. Hiện, nước lũ bắt đầu rút. Các địa phương đang nỗ lực chống ngập, khôi phục giao thông, với phương châm vừa sửa chữa đường, vừa bảo đảm lưu thông tạm thời, không để chia cắt, cô lập dài ngày.

Tại tỉnh Ninh Thuận, các xã Công Hải, Lợi Hải và Bắc Phong huyện Thuận Bắc đã ngập chìm trong nước. Riêng xã Phước Chiến thì bị chia cắt hoàn toàn do nước qua tràn suối Lách. Ngay khi xảy ra ngập lụt, UBND huyện đã chỉ đạo dừng ngay các cuộc họp, tập trung huy động lực lượng, phương tiện về các xã bị ngập lụt để di dời người dân đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND xã Công Hải Mai Duy Bàng cho biết: “Ngay từ sáng sớm 17-12, chúng tôi đã huy động các lực lượng xuống các khu vực xung yếu, ven sông suối, đập tràn để di dời người dân, đồ đạc, gia súc đến nơi an toàn. Phân công lực lượng hướng dẫn người dân không đi qua các đập tràn khi nước lũ về. Ngay sau khi nước rút, huyện đã tổ chức lực lượng về các thôn rà soát tình hình thiệt hại; huy động các đội thủy nông cùng nông dân ra đồng tháo nước cứu lúa; gia cố lại một số tuyến đường nội thôn, đập tràn, dọn dẹp cây cối để người dân nhanh chóng ổn định đời sống. Đến nay, một số thôn đã có điện và thông tin liên lạc được nối lại, nhiều tuyến đường người dân đã đi lại bình thường”.

Ở huyện Ninh Hải, nhiều vùng sản xuất muối, nho, hành, tỏi cũng ngập chìm trong nước. Cây cầu dẫn vào thôn Thái An, xã Vĩnh Hải bị nước lũ tràn qua sâu hơn một mét cho nên 100% số hộ dân nơi đây bị chia cắt hoàn toàn. Ao Bàu Tró đứng trước nguy cơ bị lũ cuốn, gây sạt lở, chính quyền địa phương đã huy động người dân dùng bao cát đắp thành tường ở các đoạn xung yếu quanh ao để ngăn chặn lũ vượt qua. Ở huyện Bác Ái, khu vực bờ tràn trên tuyến đường từ trung tâm xã Phước Đại đi đến xã Phước Chính bị chia cắt cục bộ. UBND huyện đã yêu cầu lực lượng quân đội, công an xuống điểm ngập, thông báo cấm các phương tiện và người dân lưu thông khi nước đang đổ về. Xã Phước Nam, huyện Thuận Nam có hơn 500 ha lúa mới gieo bị thiệt hại. Một số khu vực bị chia cắt. Chính quyền đã di dời 150 hộ dân đến nơi an toàn. Để bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền đánh bắt hải sản, huyện thành lập hai tổ công tác làm nhiệm vụ hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại cảng Cà Ná được an toàn. Đến trưa 18-12, nhiều vùng ngập nước ở Ninh Thuận đã được chính quyền và người dân khẩn trương khắc phục bằng nhiều hình thức để ổn định giao thông cho người dân đi lại. Tuy nhiên, sự cố ngập cục bộ tại các xã ven biển, vùng cuối kênh vẫn còn diễn biến khá phức tạp.

Tại Phú Yên, nước lũ bắt đầu rút, nhưng các tuyến giao nội tỉnh đi về các huyện miền núi như Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh bị sạt lở nghiêm trọng. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng ngành giao thông phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp khắc phục tránh ách tắc, phục vụ việc đi lại cho bà con. Nhiều đoạn trên hai tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An - Sơn Hòa (ĐT 643) và ĐT 650 bị sạt lở, sụt lún, đứt ngang mặt đường, có đoạn hơn 100m, sâu hơn một mét, chia cắt miền núi với đồng bằng. Các ngành chức năng của tỉnh Phú Yên đã lắp biển cảnh báo và khẩn trương huy động hàng chục máy móc, thiết bị xúc đất sụt, trải đá cấp phối nền đường, hoàn trả một phần mặt đường để lưu thông tạm thời. Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên Nguyễn Tấn Chân cho biết: “Với phương án “bốn tại chỗ”, chúng tôi huy động hơn 10 máy móc, thiết bị xúc hơn 3.000m3 đất đá bồi lấp ĐT 643 để bảo đảm lưu thông tạm thời. Riêng tuyến ĐT 650 bị sạt lở hơn 100m, đơn vị thi công đang nỗ lực khắc phục”.

Hiện nay, Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên đang tích cực chỉ đạo các nhà thầu sớm hoàn trả mặt bằng, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường ngay sau lũ rút; đốc thúc đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế để báo cáo UBND tỉnh xem xét, cho phép xử lý dứt điểm tình trạng sụt lún tại các vị trí trọng yếu.

Chiều và tối 18-12, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, phổ biến từ 20 đến 40mm, có nơi hơn 60mm. Nguy cơ tiếp tục xảy ra lũ quét ở vùng cao, vùng trũng thấp, sạt lở đất trên các tuyến quốc lộ 1, 25, 29, 19C và các tuyến đường từ đồng bằng lên miền núi. Tại các vùng xung yếu, ngoài chủ động di dời dân tránh lũ, lực lượng cứu hộ của tỉnh đang ứng trực 24/24 giờ, tích cực hướng dẫn nhân dân và các phương tiện đi lại; tập kết nhân công, máy móc khắc phục sự cố sạt lở, bồi lấp đường giao thông.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31591902-ninh-thuan-phu-yen-don-suc-chong-ngap-khoi-phuc-giao-thong.html