NMTĐ Bảo Lâm 1: Đúng hẹn

3h40 phút ngày 13/12/2016, tổ máy số 1 nhà máy thủy điện (NMTĐ) Bảo Lâm 1 chính thức phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia. Theo dự kiến, trong tháng 1/2017, tổ máy số 2 của nhà máy cũng phát điện.

Từ nay, khu vực Cao Bằng có thêm một nguồn điện công suất 30MW với điện lượng trung bình hàng năm khoảng 124 triệu kW/h.Và điều quan trọng hơn, công trình sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội của huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) nói riêng.

NMTĐ Bảo Lâm 1 nhìn từ phía thượng lưu. Phía xa là cầu Lý Bôn trên quốc lộ 34.

Tôi đến NBTĐ Bảo Lâm 1 giữa lúc kỹ sư và công nhân kỹ thuật đang tiến hành những thí nghiệm cuối cùng để phát điện tổ máy 1. Từ cầu Lý Bôn trên quốc lộ 34 nhìn vào, nhà máy trông thật đẹp. Mặt nước hồ phía hạ lưu và thượng lưu nhà máy lặng lờ, in bóng trời xanh mây trắng hồ thủy điện Bảo Lâm 1 trong tương lai gần sẽ trở thành một điểm du lịch lý tưởng.

Nhà máy xây dựng ở nơi hợp lưu giữa sông Nho Quế chảy từ Mèo Vạc (Hà Giang) xuống, với sông Gâm, thuộc xã Lý Bôn huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng). Nơi đây vốn dân cư thưa thớt. Có thời khi đoạn đường qua Bắc Mê chưa được khai thông, vùng đất này được ví như “Xi-bê-ri” của Cao Bằng. Chạnh nhớ tới những người bạn khi làm xong thủy điện Tuyên Quang, cứ hy vọng sẽ làm tiếp NMTĐ Bảo Lạc nhưng với công suất lớn như thiết kế ban đầu, huyện Bảo Lạc sẽ mất một diện tích đất rất lớn, cuối cùng đành bỏ. Rồi người ta quy hoạch trên bậc thang sông Gâm này tới 3 NMTĐ, cái lớn nhất 46 MW, cái nhỏ nhất chưa đến chục MW. Và Bảo Lạc cũng chia làm hai huyện. NMTĐ Bảo Lâm 1 là nhà máy thủy điện đầu tiên trên bậc thang thủy điện sông Gâm hoàn thành xây dựng và phát điện sau 25 tháng kể từ ngày khởi công.

Hồ thủy điện Bảo Lâm 1 sẽ thành một điểm du lich sinh thái lý tưởng.

Vốn quen với các dạng NMTĐ tua-bin trục đứng, tôi cất công tìm chụp bằng được tổ máy với tua bin nằm ngang (tua bin Cap-xun). Nhà báo không biết thì hỏi, tôi được kỹ sư Trần Đình Tứ, Chỉ huy trưởng công trường xây dựng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Toàn Phát (TOPACO) giải thích nôm na: đây là nhà máy thủy điện cột nước thấp, tận dụng lưu lượng dòng chảy là chính, nên tua-bin nằm ngang, bên trên gian máy phẳng lì, không có cái chỏm nhô lên như ở các NMTĐ trục đứng. “Vậy nước chảy qua tổ máy thế nào?”- Tôi hỏi Tứ. Tứ lại cặn kẽ giải thích: “Anh cứ hình dung tổ máy cấu tạo như cái bong đèn điện. Phần đui đèn là bánh xe công tác. Còn toàn bộ phần đáy tua-bin, sta-to và rô-to được bọc kín trong cái bóng đèn. Nước chảy làm quay bánh xe công tác rồi cuộn xuống kênh dẫn ra. Không ảnh hưởng gì đến thiết bị tổ máy. Tứ cười hóm hỉnh: “Người ta còn gọi tổ máy kiểu này là “kiểu bóng đèn”. Và lúc này thì tổ máy số 1 đã hoàn thành. Từ sàn gian máy nhìn xuống, chỉ thấy một khối sắt thép nằm ngang. Còn ở vị trí tổ máy số 2, tôi cũng chỉ chụp được phần bánh xe công tác, trông như cái chân vịt cực đại của một động cơ thủy.

Bánh xe công tác và một số phần của tổ máy số 2.

Kỹ sư Đào Minh Tiến, Phó chỉ huy trưởng công trường của TOPACO trả lời thắc mắc của tôi về việc lắp đặt tổ máy như thế nào: nhà chế tạo thiết kế một đoạn đường ray với các giá đỡ, đặt sẵn trong gian máy. Sau khi cầu trục nhấc các bô phận của tổ máy đặt trên giá cố định, dùng lực đẩy ngang vào vị trí. Rô-to nặng 60 tấn, Sta-to nặng 65 tấn, bánh xe công tác nặng 40 tấn. Thao tác không quá vất vả. Nhưng có những việc cũng không đơn giản, đòi hỏi sự sáng tạo. TOPACO đã có giải pháp đặt hệ thống dầm thép nhịp 17m kết hợp với hệ thống dàn giáo và đà để thi công dầm nhịp lớn của nhà tời nâng cửa van. Hay sáng kiến dùng mô hình 3D để chế tạo hệ thống ván khuôn phi tiêu chuẩn phục vụ cho việc thi công hệ thống ống hút khẩu độ lớn từ vuông sang tròn…

Một nhà máy thủy điện công suất dù nhỏ nhưng vẫn phải tuân thủ đầy đủ việc thiết kế hoàn chỉnh từ cống dẫn dòng, tuyến đầu mối, tuyến năng lượng, nhà máy. Vẫn phải ngăn sông đắp đập, xây dựng nhà máy… đến lắp đặt thiết bị, và dĩ nhiên, tuân thủ các bước thi công đảm bảo kỹ thuật. Trên công trường xây dựng NMTĐ Bảo Lâm 1, có nhiều đơn vị tham gia xây dựng. Nhưng với khối lượng công việc cũng như bề dày kinh nghiệm, TOPACO được chủ đầu tư coi là “tổng thầu”. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Vinh, Tổng Giám đốc TOPACO đã có thời gian ở trên công trường gần tháng trời, lăn lộn cùng các đơn vị tìm ra các giải pháp thi công, huy động thiết bị và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ. “Đúng hẹn” là quyết tâm của cán bộ, kỹ sư TOPACO trên công trường. Những cố gắng của mọi người đã được đền bù. NMTĐ Bảo Lâm 1 phát điện đúng tiến độ đề ra. Thêm một mốc mới trên bước đường phấn đấu vươn lên xây dựng TOPACO trở thành một thương hiệu đáng tin cậy trong ngành xây dựng.

Cũng là một sự phối hợp nhịp nhàng, trạm biến áp 220 kV Bảo Lâm cũng hoàn thành trước khi tổ máy 1 của NMTĐ Bảo Lâm 1 phát điện. Dòng điện từ NMTĐ Bảo Lâm 1 ngay lập tức đã phát huy hiệu quả. Đó là tin vui với những người tham gia xây dựng nhà máy.

Bài và ảnh: Trương Cộng Hòa

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/nmtd-bao-lam-1-dung-hen.html