Nổ 2 hố ga tại TPHCM: Hiểm họa chực chờ, khắc phục ì ạch

Sáng 25.5, xảy ra 2 vụ nổ tại 2 hố ga trên đường Trường Sa (Q.3), làm nứt mặt đường và xới tung thảm cỏ, khiến người dân hoảng sợ. Hai vụ nổ này tuy không gây thương vong về người, nhưng một lần nữa nó cảnh báo về hiểm họa phát nổ từ những vị trí giếng ngầm dưới mặt đường Trường Sa và Hoàng Sa (ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè).

Vụ nổ tại vị trí hố ga trên đường Hoàng Sa ngày 16.6.2014, làm hư hỏng một phần mặt đường. Ảnh: HUYỀN TRÂN

Một số người dân chứng kiến cho biết, vụ nổ làm rung chuyển mặt đường khiến một phần mặt đường bị nứt, vùng đất và thảm cỏ khu vực sát bờ kênh bị xới tung. Do 2 vụ nổ xảy ra vào rạng sớm, ít người qua lại nên không gây thương tích về người. Vị trí 2 hố ga phát nổ thuộc dự án Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 1, gọi tắt là Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè), đã thi công hoàn thành đưa vào vận hành từ năm 2012.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Vương Hải Long - Giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chủ đầu tư dự án), cho biết: “Nguyên nhân do ngày 24.5 mưa lớn, nước chảy về nhiều làm tăng lượng khí mê tan trong lòng cống và lượng khí này không thoát kịp nên gây ra hiện tượng bung lên ở vị trí hố ga, chứ không phải nổ. Vị trí xảy ra sự cố nằm trên vỉa hè, chứ không phải dưới lòng đường, và không gây thiệt hại nghiêm trọng”.

TS Phạm Sanh cho rằng, trước đây những vụ phát nổ tương tự cũng xảy ra trên trục đường Hoàng Sa dọc kênh. Ngoài nguyên nhân như ông Long trao đổi, không loại trừ khả năng việc điều áp tại các giếng này không phát huy hết tác dụng do bị nghẹt rác hoặc thiết kế không phù hợp… nên khí mê tan dẫn về các giếng, hố ga bị dồn nén quá mức, và khi nhiệt độ thay đổi đã làm cho áp suất bên trong giếng tăng lên, gây ra hiện tượng phát nổ.

Dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện có hàng chục km cống thu gom nước thải đặt dưới lòng đất dẫn về hàng chục giếng trước khi chuyển tải về nhà máy xử lý nước thải đặt trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Các giếng chính, giếng phụ có đường kính lớn làm nhiệm vụ vừa chia nước thải, nước mưa vừa điều áp khí.

Một báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố (viết tắt Trung tâm chống ngập) vào năm 2016 cho thấy, từ khi đưa vào vận hành dự án (năm 2012 đến năm 2016), đã xảy ra ít nhất 4 vụ nổ tại các giếng, làm hư hỏng một phần mặt đường, gây mất an toàn giao thông. Nguyên do khí phát sinh trong tuyến cống bao D 3.000, trong khi thiết kế không phù hợp. Hiện tượng nổ tại các giếng ảnh hưởng nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người đi trên 2 tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa.

Ông Vương Hải Long cho biết thêm, sau khi xảy ra sự cố nổ tại một vị trí giếng vào năm 2015, UBND TPHCM đã có chỉ đạo thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp khắc phục. Thời gian qua, BQLDA đã phối hợp với Trung tâm chống ngập, thay hàng chục nắp cống kín dưới lòng đường bằng những nắp cống hở có các lỗ thoát khí lớn.

Những vụ nổ tại các giếng đường Trường Sa và Hoàng Sa (2012-2016):

Ngày 8.10.2012, nổ tại vị trí giếng chính S13; ngày 12.7.2013, nổ tại vị trí giếng chính S19, làm nắp giếng bị nứt vỡ, gây hư hỏng một phần mặt đường xung quanh giếng; ngày 16.6.2014, nổ tại vị trí giếng chính S27, gây hư hỏng một phần mặt đường, thảm cỏ, gây mất an toàn giao thông; ngày 15.10.2015, nổ tại vị trí giếng chính S13, gây hư hỏng một phần mặt đường và thảm cỏ xung quanh nắp giếng.

HUYỀN TRÂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/no-2-ho-ga-tai-tphcm-hiem-hoa-chuc-cho-khac-phuc-i-ach-668210.bld