Nợ công cao, tài nguyên thất thoát

TP - Thảo luận về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; việc triển khai nhiệm vụ của năm 2010 trong những tháng đầu năm, ĐBQH cho rằng hiệu quả đầu tư thấp, trong khi lãng phí, thất thoát lớn.

Nợ công quá cao ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) phân tích, để chống suy thoái và tăng trưởng kinh tế đạt được 5,2% Chính phủ đã xin ý kiến Quốc hội chi tới 100.000 tỷ đồng tương đương với 6,5 tỷ USD, đồng nghĩa với chỉ số ICOR năm 2009 cao hơn năm 2008, trong khi năm 2008, chỉ số ICOR đã xấp xỉ tới 8 đơn vị đầu tư trên một đơn vị phát triển. Vậy chỉ số ICOR của năm 2009 là bao nhiêu? “Vấn đề đặt ra là tăng trưởng phải gắn với phát triển, nếu không thì chỉ là tăng trưởng vốn, hiệu quả của tăng trưởng sẽ rất thấp. Chỉ số ICOR cao đồng nghĩa với tăng đầu tư công, đồng thời cũng là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và lãng phí, bất lợi cho nền kinh tế”- ĐB Hải nói. Cũng theo ĐB Hải, vấn đề dư nợ của Chính phủ-theo báo cáo 2009 dư nợ là 41,9% GDP, nhưng theo Cục trưởng Cục quản lý nợ công Bộ Tài chính thì nợ công là 44,7%. Trong khi đó, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nhấn mạnh đến khía cạnh nguồn tài nguyên đang bị khai thác lãng phí, cạn kiệt, bộc lộ nhiều bất cập từ cấp phép, quản lý đến khai thác, sử dụng. Từ năm 2000, số DN khai thác tài nguyên đã tăng từ 427 lên 1.500, chưa kể hàng nghìn băng nhóm khai thác khoáng sản tự do mà cơ quan quản lý dường như bất lực. Hậu quả, nguồn tài nguyên quý hiếm như vàng, đá quý, titan, đồng, thiếc, than, sa khoáng v.v... thất thoát, lãng phí, cạn kiệt, môi trường bị tàn phá, kéo theo hệ lụy về mặt xã hội như tội phạm và tệ nạn xã hội hoành hành, băng hoại về đạo đức, mất an ninh, an toàn xã hội. “Chúng ta không khỏi giật mình về tổn thất, lãng phí quá lớn: khai thác than hầm lò: 40-60%, Apatit:26-43%, quặng kim loại: 15-30%, dầu khí gần 50% v.v...các thất thoát lãng phí này làm mất đi hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước”- ĐB Tiến nói. Cán bộ ăn nhậu nhiều ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, Chính phủ thừa nhận có 8 chỉ tiêu không đạt rơi vào lĩnh vực xã hội, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến sự ổn định của xã hội như: việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nước sạch, môi trường… Điều đó cho thấy giữa phát triển kinh tế và công tác xã hội là chưa hài hòa. ĐB Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận) cho biết, cử tri còn nhiều băn khoăn trăn trở và cả bức xúc: Giá cả đầu năm 2010 tăng khá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, nhất là người dân lao động. Còn một vấn đề khác đó là thực trạng đạo đức xã hội rất đáng lo ngại: Vì sao bây giờ người ta chém giết, hãm hại nhau dễ dàng như vậy? Giết người yêu, giết bạn bè thậm chí giết cả người thân trong gia đình; truy bức, hành hạ trẻ em, bạo lực học đường kéo dài và tiếp tục rộ lên ở một số nơi. “Cần tiến hành một đợt khảo sát, đánh giá nghiêm túc xem điều gì đã xảy ra, đang xảy ra làm băng hoại đạo đức xã hội, nguyên nhân chính từ đâu để từ đó đặt ra giải pháp phù hợp”-Ông Tí đề nghị. ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Nông) cho rằng xã hội vẫn còn những bất ổn, cán bộ ăn nhậu nhiều trong những nhà hàng sang trọng, tiêu cực không giảm: Việc gì cũng phải chạy, nhưng nhà nước không thu được gì. “Giải quyết đơn thư còn nhiều vụ việc bức xúc kéo dài, đất đai quản lý lỏng lẻo, nhiều mặt hàng sản xuất được nhưng vẫn nhập khẩu”-ĐB Võ Đình Tuyến (Bình Phước) lo lắng. ĐB Danh Út (Kiên Giang) lo ngại: Điệp khúc trúng mùa rớt giá là nỗi ám ảnh nông dân. Được mùa, niềm vui chưa kịp bùng lên đã đổi thành nỗi lo, hàng nông sản sụt giá từ hạt điều đến cá ba sa. “Đường đi của hạt gạo qua quá nhiều tầng nấc, lợi nhuận bị chia ra nhiều nhưng nông dân được hưởng ít. Nói họ lãi tới 30%, nhưng thực tế thu nhập cũng chỉ bằng một hộ nghèo, trong khi giá xăng dầu vật tư thì leo thang. Phải có chính sách để dân gắn bó lâu dài với cây lúa”- ĐB Út nói. Chúng ta đã tính tới hệ số an toàn nợ quốc gia. Hệ số an toàn này phù hợp với điều kiện sức khỏe của từng nước. Có nước có thể vay nợ trên 100% GDP, dưới 100%, còn nước ta khoảng 50% GDP. Chúng ta đã đề phòng và thấy chưa đáng lo ngại bởi nợ quốc gia của ta là vay ODA dài hạn. Vay ODA có hai điều đáng chú ý, thứ nhất thời gian vay 30- 40 năm, thời gian trả nợ dài, khi mình phát triển thì hoàn toàn đủ khả năng trả nợ. Năm nay Chính phủ sẽ tính toán để xây dựng một chiến lược nợ mới. Xem trong giai đoạn phát triển trung bình thì mức an toàn nợ bao nhiêu là hợp lý. Điều này phụ thuộc vào việc đất nước mình trong 10- 20 năm tới phát triển với tốc độ nào, có bền vững không? Trong giai đoạn nền kinh tế mình thấp, giữ dư nợ ở mức 50% GDP. Nhưng nếu chúng ta phát triển tốt, thu ngân sách nhiều hơn thì khả năng trả nợ lớn hơn. Khi đó, chúng ta có thể vay cao hơn mức 50% GDP. Chúng ta đã thực hiện gói kích cầu khoảng 145 nghìn tỷ đồng, tương đương 8 tỷ USD, trong đó có ứng chi ngân sách 37.200 tỷ đồng, cộng với phát hành trái phiếu thêm 20.000 tỷ đồng. Do vậy, giai đoạn 2003- 2006 bình quân phát hành trái phiếu Chính phủ chỉ 7.630 tỷ đồng/năm. Đến giai đoạn 2007-2010 đã tăng lên 40.770 tỷ đồng/năm và 2010 phát hành tới 56.700 tỷ đồng. Chính điều này đã làm tăng dư nợ Chính phủ. Cơ cấu nợ hiện nay của chúng ta chủ yếu là nợ nước ngoài trung hạn, dài hạn, chiếm 86,5%. Nợ Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp, cho các dự án đầu tư có hoàn vốn chiếm 11% tổng số dư nợ. Số này vay ngắn hạn, lãi suất thương mại khoảng 13,5%/năm. Điều quan trọng là chúng ta hiện nay đã trả đầy đủ các khoản nợ, không có khoản nợ xấu, không có khoản nào đến hạn mà không trả được . “Chúng ta đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng cho một nhà máy điện, mỗi nhà máy góp 2 -3% tổng điện năng cả nước. Nhưng thất thoát, lãng phí lên tới 11 - 15%. Thiếu điện thì cắt điện, đó là cách giải thích rất hồn nhiên của ngành điện mà chưa hình dung được tác hại nặng nề của việc cắt điện đối với tăng trưởng kinh tế phát triển xã hội và đời sống nhân dân… Có một dạng lãng phí vừa hữu hình vừa vô hình, đó là hàng năm cả nước tổ chức 7.966 lễ hội từ quy mô làng xã đến quy mô quốc gia. Trung bình mỗi ngày diễn ra hơn 20 lễ hội. Cả nước có hàng nghìn hội nghị, hội thảo, tọa đàm giao lưu gặp mặt, lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành, lễ kỷ niệm truyền thống, lễ đón nhận các loại danh hiệu”. Nguyễn Tuấn - Hà Nhân (ghi)

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/thoi-su/501499/no-cong-cao-tai-nguyen-that-thoat.html